Theo dõi trên

Xây dựng đập tràn: Ngăn ngừa xâm nhập mặn

19/07/2018, 08:21 - Lượt đọc: 78

BT- Hợp phần mở rộng gói thầu tư vấn kỹ thuật về xói lở bờ biển, bồi lắng cửa sông, xâm nhập mặn khu vực cửa sông Lũy, trải dài trên diện tích 2 huyện Tuy Phong, Bắc Bình, thuộc dự án Quản lý tổng hợp nguồn nước và phát triển đô thị trong mối liên hệ với biến đổi khí hậu được Sở Kế hoạch & Đầu tư giao đơn vị tư vấn Viện Thủy lợi & Môi trường (Trường Đại học Thủy lợi Hà Nội) khảo sát, thực hiện nhiều tháng qua. Mới đây, hội thảo báo cáo gói thầu này, đại diện tư vấn, Phó GS. TS. Mai Văn Công, TS. Đinh Nhật Quang cho hay, trong gói thầu trước Viện Thủy lợi & Môi trường đã nghiên cứu, chỉ rõ Bình Thuận là một trong số địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề biến đổi khí hậu, hạn hán kéo dài, sông suối khô cạn, xâm thực bờ sông, biển nhiều nơi. Nhiều năm qua do tình trạng xói lở vào mùa bấc, sông Lũy suy giảm dòng chảy, cát bồi lấp, cao độ hiện trạng lòng sông thấp khoảng 1,5m - 3m, tàu thuyền ngư dân địa phương khó ra vào. Khu vực ven bờ biển sông Lũy bị xói lở khoảng 20m mỗi năm...

                
   Người dân canh tác nông nghiệp hai bên bờ    sông Lũy. Ảnh: Đ.Hòa

Tiếp đó, trong hợp phần mở rộng này, Viện Thủy lợi & Môi trường đã trực tiếp khảo sát vùng hạ lưu sông Lũy, thực hiện mô hình mô phỏng xâm nhập mặn (XNM) khu vực cửa sông này được kiểm định lại với bộ số liệu độ mặn thực đo cuối tháng 3 vừa qua, thời điểm cuối mùa khô, triều cường mạnh, đảm bảo mức độ XNM cực đoan nhất trong năm. Khảo sát này đã xác định được chiều dài nêm mặn khi triều cường lên kéo dài khoảng 8 km từ cửa sông Lũy trở vào. PGS. TS Mai Văn Công nhấn mạnh thêm, từ kết quả mô phỏng XNM, không chỉ dòng sông Lũy bị ảnh hưởng mà 4 nhánh chính như sông Đồng, sông Mao… của hệ thống sông Lũy cũng bị xâm chiếm bởi nước mặn chiều dài nêm mặn khoảng 7 km trong điều kiện hiện tại. Trình trạng này lâu nay đã ảnh hưởng hàng ngàn ha đất canh tác của người dân hai bên khu vực sông Lũy. Còn khi xét đến kịch bản nước biển dâng, khoảng cách XNM trên dòng sông Lũy lên đến 27,6 km. Nguyên nhân được cho, lượng nước xả từ hồ chứa thủy điện Đại Ninh, hồ Cà Giây ở thượng nguồn cũng như dòng chảy về hạ du sông Lũy rất thấp vào mùa khô; triều cường lại xảy ra các tháng này nên khả năng XNM sâu vào đất liền qua dòng sông chính và các nhánh phụ…

                
   Phó GS.TS. Mai Văn Công đánh giá xâm nhập    mặn hạ lưu sông Lũy.

Qua đó, Phó GS.TS Mai Văn Công đã đề xuất giải pháp xây dựng đập tràn bê tông ngăn mặn trên dòng sông Lũy và một đập tràn cao su trên nhánh phụ (sông Đồng). Với đập bê tông, xây dựng trên nhánh chính khu vực hạ lưu sông Lũy, cách cửa biển 3 km, ở vị trí đoạn sông hẹp, chiều dài đập nhỏ, đảm bảo ngăn mặn. Riêng đập cao su xây trên sông Đồng ở vị trí gần đoạn cắt ngang quốc lộ 1A. Qua mô phỏng phân tích, hiệu quả kỹ thuật giải pháp rất cao, giảm gần 60% diện tích thường xuyên chịu xâm nhập mặn, từ 3.799 ha thuộc các xã thị trấn: Phan Rí Cửa, Phan Rí Thành, Hòa Phú, Hòa Minh xuống còn 1.754 ha thuộc Phan Rí Cửa, Hòa Phú và một phần xã Hòa Minh. Suất đầu tư hai hệ thống đập ngăn mặn thấp, hơn 16 triệu đồng/ha, đem lại hiệu quả cao… Đơn vị tư vấn cũng sẽ cập nhật tình trạng lũ lụt nặng trên dòng sông Lũy, nước biển dâng những năm gần đây ở khu vực sông này, bổ sung hoàn chỉnh dự án, theo góp ý các sở ngành tham gia hội thảo. Phó GS.TS Mai Văn Công cũng đề xuất, giải pháp nghiên cứu của gói thầu trên đảm bảo tính kinh tế, kỹ thuật… xây dựng cơ bản.

Trong khuôn khổ hội thảo liên quan, ông Phan Nguyễn Hoàng Tân, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư chủ trì cho biết, với cách tiếp cận hiện đại, cập nhật đầy đủ các kiến thức về biến đổi khí hậu, tính dễ bị tổn thương, các kết quả đánh giá cho thấy cơ sở khoa học, mức độ tin cậy đầu tư xây dựng đập tràn bê tông khu vực hạ lưu cửa sông Lũy, phòng chống xâm nhập mặn triều cường. Do đó, kết quả này cùng với các kết quả nghiên cứu khác của dự án sẽ được sử dụng làm cơ sở cập nhật Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu khu vực hạ lưu sông Lũy nói riêng, địa bàn Bình Thuận nói chung. Được biết, báo cáo đánh giá tính dễ bị tổn thương xâm nhập mặn lưu vực sông Lũy thuộc Dự án Quản lý tổng hợp nguồn nước và phát triển đô thị trong mối liên quan với biến đổi khí hậu tại tỉnh Bình Thuận do Chính phủ Vương quốc Bỉ tài trợ.

    
    “Lưu vực hạ lưu sông Lũy   bị xâm nhập mặn chiều dài nêm mặn khoảng 7 km trong điều kiện hiện tại.   Còn khi xét đến kịch bản nước biển dâng, khoảng cách xâm nhập mặn trên   dòng sông Lũy lên đến 27,6 km”.

Thái Khoa



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Xây dựng đập tràn: Ngăn ngừa xâm nhập mặn