Theo dõi trên

Xử lý tro xỉ tại Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân: Đề xuất Trung ương tìm giải pháp sử dụng khối lượng lớn

14/11/2017, 08:42

BT - Với 5 nhà máy nhiệt điện tại Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân (thuộc huyện Tuy Phong) đã và sẽ đi vào hoạt động, có thể nói việc xử lý tro xỉ đang là vấn đề cấp thiết đối với Bình Thuận. Mặc dù thời gian qua cũng có một vài doanh nghiệp đăng ký đầu tư cơ sở sản xuất gạch không nung từ nguồn nguyên liệu này, song số lượng tiêu thụ còn thấp so với dự báo lên tới khoảng 4 triệu tấn tro xỉ thải ra mỗi năm tại đây. Cũng chính vì vậy mà gần như toàn bộ lượng tro xỉ từ các nhà máy nhiệt điện ở Vĩnh Tân buộc phải chuyển ra bãi chứa, gây ùn ứ và làm tăng nguy cơ ô nhiễm môi trường không khí lẫn môi trường biển…

Trước thực trạng này, Chính phủ cùng các bộ, ngành liên quan từng vào cuộc nhằm tìm kiếm giải pháp xử lý hữu hiệu khối lượng tro xỉ thải ra ngày càng nhiều khi các nhà máy nhiệt điện đi vào hoạt động theo quy hoạch. Đối với địa phương, UBND tỉnh liên tục chỉ đạo đơn vị chức năng khẩn trương nghiên cứu phương án tiêu thụ, đề ra cơ chế kêu gọi nhà đầu tư triển khai dự án tiêu thụ tro xỉ từ các nhà máy nhiệt điện tại Vĩnh Tân… Tuy nhiên, kết quả mang lại còn hạn chế và nguồn tro xỉ chủ yếu vẫn được chôn lấp ở bãi thải ven biển, trong khi đó nhu cầu vật liệu san lấp hoặc đất đắp cho các công trình đang rất cần thiết.

Xuất phát từ lý do vừa nêu, mới đây UBND tỉnh đã đặt hàng Bộ Khoa học - Công nghệ nhiệm vụ “Nghiên cứu đề xuất và ứng dụng các giải pháp khoa học công nghệ tái sử dụng hợp lý nguồn tro bay tro xỉ tại Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân để phục vụ xây dựng và nâng cấp các công trình hạ tầng giao thông, công trình thủy lợi và công trình san lấp trên địa bàn Bình Thuận”. Theo đó mục tiêu hướng đến là nghiên cứu đề xuất và ứng dụng được các giải pháp khoa học công nghệ, nhằm tái sử dụng được khối lượng lớn nguồn tro xỉ trong xây dựng các loại công trình hạ tầng giao thông, thủy lợi… Chẳng hạn như giải pháp về san lấp công trình có thể đề ra giải pháp sử dụng tro bay tro xỉ trộn với chất kết dính, phụ gia, vật liệu đất tại chỗ để xây dựng các công trình san lấp (nền sân bãi, bến cảng, khu công nghiệp, đất đắp tường chắn). Hay như giải pháp về bê tông tro xỉ thì tìm ra giải pháp sử dụng tro bay tro xỉ làm bê tông nhẹ, bê tông cốt sợi dùng trong mặt đường giao thông, tấm lát mái đường, mái kênh, kè, bờ bao, vỉa hè. Còn với giải pháp về gia cố đất hướng đến sử dụng tro bay tro xỉ trộn vật liệu đất tại chỗ để xây dựng đường giao thông, đê, đập hoặc làm các kết cấu chống thấm cho đê, đập, bờ bao và dùng trong gia cố nền đất yếu…

Cũng theo đề xuất của địa phương, nếu được Bộ Khoa học - Công nghệ chấp thuận thì nhiệm vụ này cần sớm thực hiện từ năm 2018 với yêu cầu thời gian triển khai đạt được các kết quả, chỉ tiêu là 24 tháng. Bao gồm sản phẩm khoa học (ứng dụng giải pháp để xây dựng mô hình thử nghiệm và các báo cáo khoa học), sản phẩm công bố (các bài báo trên tạp chí chuyên ngành, công bố quốc tế), sản phẩm đào tạo (hỗ trợ đào tạo 1 nghiên cứu sinh, 1 thạc sĩ)… Cùng với đó, Bình Thuận sẽ có phương án sử dụng kết quả khi nhiệm vụ khoa học và công nghệ hoàn thành, đồng thời cam kết đối ứng tối thiểu 10% kinh phí để thực hiện theo quy định.

 Đ.QUỐC



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Sức lan tỏa từ phong trào thi đua “Dân vận khéo”
Thực hiện lời dạy của Bác: “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các cấp đã có nhiều đổi mới trong công tác dân vận ở cơ sở. Từ đó, xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo trên các lĩnh vực, góp phần quan trọng vào việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị của tỉnh.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Xử lý tro xỉ tại Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân: Đề xuất Trung ương tìm giải pháp sử dụng khối lượng lớn