Theo dõi trên

Xuất khẩu hàng hóa Bình Thuận: “Trợ sức” cho sản phẩm chủ lực, lợi thế

14/06/2021, 08:34

BT- Không tránh khỏi tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19, thế nhưng với nhiều giải pháp phù hợp tình hình thực tế địa phương nên xuất khẩu hàng hóa của Bình Thuận đạt kết quả đáng ghi nhận…

May mặc - một trong những sản phẩm đạt kim ngạch xuất khẩu đáng kể (ảnh tư liệu).

Những tín hiệu tích cực

Những tháng đầu năm 2021, hoạt động xuất khẩu hàng hóa Bình Thuận vẫn duy trì ổn định và thể hiện mức tăng trưởng kim ngạch khá cao ở tất cả các nhóm hàng chủ lực, nhất là với sản phẩm thủy sản, nông sản, hàng may mặc, giày dép…

Theo ghi nhận của Cục Thống kê trong 5 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của tỉnh thực hiện đạt 237,93 triệu USD, tăng gần 33% so cùng kỳ năm ngoái. Trong đó nhóm hàng thủy sản tăng 11,81%, nhóm hàng nông sản tăng 43,84% và nhóm hàng hóa khác tăng 42,19%. Dù bị ảnh hưởng dịch Covid-19, nhưng hàng hóa của địa phương xuất sang thị trường châu Á tăng hơn 31% so cùng kỳ, xuất sang thị trường châu Mỹ tăng gấp 2 lần…

Còn theo dự ước của Sở Công Thương, tính chung nửa đầu năm 2021 thì hoạt động xuất khẩu hàng hóa có thể đem về cho địa phương 281,3 triệu USD, tăng hơn 30% so cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể: Nhóm hàng hải sản ước đạt 73,9 triệu USD (tăng gần 5%), nhóm hàng nông sản thực hiện 9,69 triệu USD (tăng 37,65%), nhóm hàng hóa khác đóng góp khoảng 197,7 triệu USD (tăng hơn 43%).

Được biết trong nhóm hàng hóa khác, tính riêng kim ngạch xuất khẩu của sản phẩm may mặc đã vượt 100 triệu USD (tăng 14,2% so cùng kỳ) và sản phẩm giày dép đạt 33,5 triệu USD (tăng gần 24%)… Có được kết quả này, thời gian qua địa phương đã tập trung triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy xuất khẩu, mở rộng thị trường tiêu thụ các sản phẩm chủ lực, lợi thế của Bình Thuận.

 “Trợ sức” cho xuất khẩu…

Để “trợ sức” cho sản phẩm chủ lực và lợi thế, từ đầu năm sở chức năng đã xây dựng kế hoạch Chương trình xúc tiến thương mại và Chương trình công tác xuất khẩu hàng hóa Bình Thuận năm 2021. Tiếp đó triển khai thông báo các chương trình hội chợ quốc tế, chương trình xúc tiến thương mại quốc gia và của tỉnh đến hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp biết để chủ động đăng ký tham gia.

Trước ảnh hưởng dịch Covid- 19, địa phương cũng kiến nghị Bộ Công Thương rà soát về nhu cầu nguyên vật liệu đầu vào đối với các ngành sản xuất trong nước (bao gồm cả ngành dệt may, da giày, chế biến thủy sản...). Đề xuất phương án tổ chức sản xuất và giải pháp nhằm đa dạng hóa, bảo đảm nguyên vật liệu cũng như bảo đảm đủ nguồn cung cho hoạt động sản xuất. Đồng thời chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) xem xét, có chính sách hỗ trợ tiền điện cho doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, cơ sở thu mua, tiêu thụ, xuất khẩu nông sản trong giai đoạn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, thiên tai.

Với Bộ Tài chính thì kiến nghị tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ miễn, giảm lãi suất tiền vay, gia hạn thời gian đáo hạn ngân hàng, gia hạn thời gian nộp thuế, tiền thuê đất. Ngoài ra còn hỗ trợ thông tin, tháo gỡ khó khăn trong việc thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu, tìm kiếm nguồn nguyên liệu và thị trường thay thế... Riêng loại trái cây lợi thế, Sở Công Thương Bình Thuận chủ động phối hợp các tỉnh biên giới phía Bắc nắm bắt tình hình thông quan, kịp thời thông báo đến doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu thanh long điều tiết hàng hóa ra cửa khẩu…

 Ứng phó với dịch Covid-19

Tới đây, Bình Thuận tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp thúc đẩy xuất khẩu, củng cố và khai thác có hiệu quả thị trường truyền thống, tận dụng tối đa cơ hội từ những thị trường xuất khẩu trọng điểm, chiến lược. Dù vậy dự báo tình hình dịch Covid-19 có thể còn kéo dài và ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu, nên việc đẩy mạnh xúc tiến thương mại, kết nối giao thương bằng hình thức trực tuyến đã được địa phương tính đến. Kịp thời thông tin thị trường, các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, qua đó góp phần định hướng xúc tiến mở rộng tiêu thụ sản phẩm chủ lực, lợi thế của Bình Thuận ra bên ngoài.

Trong tình hình hiện nay, địa phương cũng đề nghị Bộ Công Thương hỗ trợ tổ chức hội nghị kết nối giao thương trực tuyến giữa doanh nghiệp Bình Thuận và doanh nghiệp nước ngoài thông qua hình thức trực tuyến. Trước mắt là hỗ trợ kết nối giao thương với doanh nghiệp Ấn Độ để xúc tiến tiêu thụ thanh long Bình Thuận vào thị trường này. Mặt khác tiếp tục đàm phán với các cơ quan liên quan phía Trung Quốc tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho việc trao đổi, mua bán nông sản theo hình thức biên mậu nhưng đảm bảo thực hiện đầy đủ biện pháp phòng chống dịch Covid -19…

QUỐC TÍN



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Xuất khẩu hàng hóa Bình Thuận: “Trợ sức” cho sản phẩm chủ lực, lợi thế