Theo dõi trên

Xin giúp một gia đình cực kỳ bi đát!

13/11/2020, 09:37

BT- Không ai không muốn hạnh phúc! Ông Nguyễn Năm và bà Tô Thị Giỏi (73 tuổi), thôn Tân Hòa, xã Sông Phan (Hàm Tân) cũng  muốn thế. Nhưng rồi tai ương  liên tiếp đổ xuống mái nhà họ, làm họ kiệt quệ. Năm 2009, một buổi trưa, cả xã Sông Phan bàng hoàng vì tai nạn tàu tỏa. Anh Nguyễn Công Trường, khi ấy 41 tuổi, dẫn 2 con, một trai một gái đi trên cầu đường sắt (chưa có lối đi cho người đi bộ), bị tàu hỏa gạt  xuống sông, chết cả 3 cha con.

                                 
   2 người con gái bị bệnh tâm thần của bà    Giỏi.

“Quê tôi ở Bình Định, vào Sông Phan làm ăn năm 1981. Thời thanh niên chúng tôi sống trong vùng giải phóng, đi dân công phục vụ cách mạng nhiều năm. Nhiều lần đi qua những nơi Mỹ thả chất độc dioxin. Vì vậy, các con tôi ít nhiều bị di chứng chất độc. Trong số 7 đứa con, 3 đứa bị tâm thần và 1 con trai nghễnh ngãng. Vì nghễnh ngãng, khi tàu hỏa tới, con tôi không biết xử lý, chứ nếu người khác nhanh tay đẩy 2 cháu tôi xuống sông, 2 cháu được cứu rồi” - bà Tô Thị Giỏi gạt nước mắt nói với chúng tôi vào buổi trưa  11 năm sau ngày xảy ra tai nạn đường sắt trong ngôi nhà riêng ọp ẹp của họ, cạnh sông Phan. Sau ngày con trai mất, bà Giỏi cùng chồng nén nỗi đau lo cho Nguyễn Thị Nga, Nguyễn Thị Hằng và Nguyễn Thị Huệ, là 3 người bị tâm thần. Trong đó, Nguyễn Thị Nga thường xuyên bỏ đi lang thang, vật vờ ngoài đường sắt, cho đến năm 2019 thì mất. Nguyễn Thị Hằng suốt ngày nói nhảm và nhảy múa cho đến kiệt sức. Nguyễn Thị Huệ gần như vô tri vô giác.

Thế nhưng, tai ương chưa dừng lại đó. Năm 2018, ông Nguyễn Năm bị tai biến, ăn nằm một chỗ. Bà Giỏi lúc này phải lo cho các con gái và chồng, từ ăn, mặc, vệ sinh thân thể từng người. Bà Giỏi nói: “Tuổi tôi đã cao nên lo cho 3 cha con thì chẳng còn sức đâu mà làm việc gì. Trong vườn có trồng một số cây đào, cũng phải thuê người nên mùa hạt đào năm nay, tôi chỉ được 5 triệu đồng. Mấy năm trước đào được giá, được 20 triệu đồng. UBND xã Sông Phan biết tình cảnh gia đình tôi đã ra sức giúp đỡ từ việc lớn đến việc nhỏ, nhưng làm sao tôi trông cậy hết vào xã khi chung quanh còn nhiều người khó khăn!”.

Gánh nặng sinh kế, thuốc men cho chồng, cho con, khiến bà Giỏi phải vay mượn nợ của hội, đoàn thể và  một số người trong thôn. Theo bà kể, hiện nay bà nợ ngân hàng và chương trình cho vay hộ nghèo, tổng cộng 70 triệu đồng, song chưa biết khi nào trả được. Trong lúc nói chuyện, thấy tôi nhìn ra một góc sân, nơi đang phơi dây khổ qua rừng, bà cho biết: “Tôi hái nó quanh đây, ai mua thì bán. Ví dụ được 100.000 đồng mình lo cho cả nhà được 2 ngày”. “Mỗi ngày 50.000 thôi ư?”, tôi hỏi và bà gật đầu đôi mắt đượm buồn.

Mong sao khi bài báo nhỏ này đến với bạn đọc, gia đình ông Nguyễn Năm và bà Tô Thị Giỏi sẽ được những tấm lòng thương người chia sẻ, hỗ trợ. Mọi sự giúp đỡ, xin liên hệ: Ông Dương Ngọc Thông, Chủ tịch Mặt trận xã Sông Phan, huyện Hàm Tân. Số điện thoại: 0985.279.135.

Hà Thanh Tú



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Xin giúp một gia đình cực kỳ bi đát!