Theo dõi trên

Bất ổn vùng giáp ranh

15/04/2019, 09:01

Bài 2: Nỗi lo của dân tạm trú

BT- Mọi hoạt động của người dân nơi đây đều nằm dưới sự quản lý của địa phương. Nhưng vì nhiều người mang thân phận tạm trú, nên họ không được hưởng các chính sách, ngoại trừ trẻ em được cho đi học, người lớn đi xin việc làm được xác nhận… Họ mong các cấp chính quyền quan tâm để được ổn định cuộc sống.

                
Dù là thôn văn hóa nhưng Vĩnh Hưng tồn tại    rất nhiều tệ nạn và bất ổn.

 Chồng chất khó khăn vì tạm trú

Thôn Vĩnh Hưng có khoảng hơn 300 hộ, thì mới một nửa trong số đó có hộ khẩu thường trú, còn lại là tạm trú. Phần lớn họ là lao động nghèo di cư từ Ninh Thuận đến làm ăn sinh sống, với nghề tự do như nghề biển, đốn củi hầm than… Nhiều hộ định cư lâu năm nhưng vẫn chưa thể nhập khẩu. Muốn làm công việc gì liên quan đến hộ khẩu như giấy chứng sinh, làm chứng minh nhân dân, họ phải trở về quê nhà xa xôi. Bà Dương Thị Danh (56 tuổi) – một hộ định cư ở đây 20 năm cho biết, quê bà huyện miền núi Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận, đến lập nghiệp tại Vĩnh Hưng vào những năm 2000. Chồng mất sớm, bà đang nuôi đứa con trai bị tai nạn giao thông, và một đứa cháu bằng khoản thu nhập từ gánh ve chai. Bà đã đến UBND xã Vĩnh Tân xin vào diện hộ nghèo để nhận được trợ giúp theo quy định, nhưng không được, vì hộ khẩu của bà hiện ở Ninh Sơn. Trong khi ở Ninh Sơn bà không còn nhà cửa đất đai nên không ai xác nhận do xa quê khá lâu.

Ngoài nỗi khổ về tinh thần, vật chất thì cuộc sống sinh hoạt hàng ngày, nơi đây không có điện chiếu sáng, nước sinh hoạt. Sống chủ yếu bằng nguồn nước ngầm nhiễm phèn, điện chiếu sáng đi xin của những hộ có hộ khẩu thường trú. Thanh thiếu niên dù đủ tuổi nhưng vẫn chưa làm giấy chứng minh nhân dân; ai lỡ làm mất giấy chứng minh cũng kể như khỏi làm lại do đường xa cách trở. Ông Phạm Xuân Đẹp –  Trưởng thôn Vĩnh Hưng cho biết: Hiện tại chỉ quản lý về mặt an ninh trật tự, còn không thể quản lý về mặt con người, vì hầu hết chưa có hộ khẩu thường trú địa phương. Mỗi lần xuống cơ sở, ông nhận rất nhiều phản ánh về cuộc sống của họ chưa được quan tâm… Ở Vĩnh Hưng ai cũng biết thực trạng này, nhưng không giải quyết được, vì nó thuộc thẩm quyền cấp cao hơn. 

 Hy vọng đổi thay

“An cư mới lạc nghiệp”, nhưng với nhiều người dân Vĩnh Hưng, điều đó dường như còn xa, khi cuộc sống nơi đây cứ mãi nghèo khó. Ông Phạm Xuân Đẹp chia sẻ: “Là trưởng thôn nhiều năm, tôi hiểu rõ nỗi khổ của người dân nơi đây. Tôi mong khu vực Vĩnh Hưng sớm quy hoạch ổn định dân cư, để người dân yên tâm sinh sống, dễ quản lý tình hình an ninh trật tự. 

Nói về tình hình ở thôn Vĩnh Hưng, một lãnh đạo xã Vĩnh Tân cho biết, Vĩnh Hưng là một trong những thôn bất ổn định nhất vì thuộc vùng giáp ranh. Nhiều hộ gia đình chưa được nhập khẩu, do khu vực này người dân sinh sống không ổn định, có người đăng ký tạm trú rồi lại bỏ đi không báo trước. Hiện UBND xã đang đề xuất với UBND huyện Tuy Phong khảo sát, để đưa vào quy hoạch dân cư, phát triển kinh tế, để giúp người dân an tâm sinh sống. Về tệ nạn xã hội, đặc biệt tệ nạn mại dâm, UBND xã cũng thường xuyên tổ chức tuyên truyền vận động các cơ sở kinh doanh giải khát, không tổ chức hoạt động mại dâm. Tuy nhiên, hiện cách làm này vẫn chưa phát huy hiệu quả. Tệ nạn này hoạt động tinh vi có tổ chức, khi phát hiện lực lượng chức năng đến làm việc, đối tượng bỏ chạy ra Cà Ná, thuộc tỉnh bạn hoặc lẩn trốn lên núi, gây khó cho lực lượng kiểm tra. “Do lực lượng của xã còn mỏng, nên kiến nghị với huyện, tỉnh cần tiếp tục tổ chức truy quét, đẩy đuổi để Vĩnh Hưng không còn là điểm nóng về mại dâm” vị cán bộ này cho biết.           

Lê Ninh



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Tập trung những điểm nóng để giải quyết thiếu nước sạch cho dân
BTO-Chiều 23/4, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Hải chủ trì buổi họp nghe báo cáo đề xuất giải quyết việc thiếu nước sinh hoạt trên địa bàn tỉnh. Tham dự cuộc họp tại đầu cầu UBND tỉnh có lãnh đạo các sở, ngành liên quan và được kết nối trực tuyến với các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bất ổn vùng giáp ranh