Theo dõi trên

Cảm hóa giáo dục thanh, thiếu niên bằng tình yêu thương

02/09/2019, 08:57 - Lượt đọc: 66

BT- Ma túy là hiểm họa đối với xã hội, nhất là với thanh, thiếu niên. Nhận thức vấn đề này, Công an phường Phú Trinh đã phối hợp với Chi hội Cựu chiến binh khu phố 10 xây dựng mô hình “Cảm hóa, giáo dục thanh thiếu niên có nguy cơ vi phạm pháp luật và phòng chống ma túy”, để tuyên truyền nâng cao nhận thức và đẩy lùi tình trạng nghiện ma túy trong giới trẻ.

                
      
Đường Ung Văn Khiêm ở khu phố 10 giờ đã    sạch đẹp, không còn thanh niên hư hỏng tụ tập về đêm.

“Đi đâu vậy T. Vào đây uống với chú ly trà đã”. Tiếng mời chào nhiệt tình, vui vẻ của người thợ sửa xe già ở góc đường Lê Thị Hồng Gấm, khiến người đi qua có vội mấy cũng không nỡ từ chối. Rồi sau những ly trà nóng, bao nhiêu chuyện về công việc, cuộc sống, kể cả kinh nghiệm nghề cũng được trải ra, giúp cho bao người hướng thiện, sống tích cực. Đó là một trong những cách tiếp cận, giáo dục thanh, thiếu niên có nguy cơ vi phạm pháp luật trên địa bàn khu phố mà Bí thư chi bộ, Chi hội trưởng cựu chiến binh Trần Minh Tâm  - Phó Ban chỉ đạo xây dựng mô hình đã và đang thực hiện.

Khu phố 10 có đông dân cư, hơn 900 hộ dân, chủ yếu làm thuê, lao động biển nên địa bàn khá phức tạp về an ninh trật tự và tệ nạn xã hội như  tình trạng ăn nhậu gây rối trong khu dân cư, bạo lực gia đình, đến buôn bán sử dụng ma túy. Đặc biệt tuyến đường Ung Văn Khiêm trước đây khá vắng vẻ, chưa có bóng đèn chiếu sáng trở thành địa chỉ tụ tập của nhiều đối tượng tiêm chích, sử dụng ma túy vào ban đêm. Vì thế sau khi mô hình đi vào hoạt động tháng 3/2015, 20 thành viên gồm ban điều hành khu phố, cựu chiến binh, đảng viên chia thành 4 tổ đã nhận theo dõi, cảm hóa, giáo dục các đối tượng.

Với suy nghĩ giáo dục, cảm hóa phải xuất phát từ tình thương yêu, trên nền tảng của sự bao dung và bằng tất cả kiên trì, nhẫn nại. Như cách làm trên của ông Tâm, hễ gặp đối tượng ở đâu là các thành viên đều chuyện trò thân mật, chứ không quy định về thời gian, địa điểm gặp gỡ. Đồng thời vận động người dân cùng tham gia ngăn ngừa, tố giác tội phạm và xây dựng ánh sáng an ninh, bảo vệ môi trường tại đường Ung Văn Khiêm. Tiếp đó hàng tháng phó trưởng công an phường - thành viên Ban chỉ đạo cùng các thành viên trong mô hình nghe từng tổ báo cáo kết quả cảm hóa, giáo dục các cháu về tâm tư, nguyện vọng, những khó khăn, vướng mắc để Ban chỉ đạo kịp thời tháo gỡ. Sự quan tâm ấy lâu dần khiến đối tượng cởi mở, nhận thức rõ hành vi sai phạm của mình để sửa chữa, khắc phục. Như trường hợp của Hà Văn Ng nghiện ma túy nặng, thường xuyên bỏ nhà tụ tập với đối tượng xấu ở nhiều địa phương khác. Ông Đào Trọng Thạch - Tổ trưởng tổ cảm hóa số 1 đã vận động, thuyết phục Ng đi uống methadone tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh. Ng đã duy trì uống methadone hơn 2 năm, có việc làm ổn định, tự nuôi sống bản thân và phụ giúp gia đình. Còn Hứa Nhật T từng đi tù vì tội vận chuyển ma túy. Sau khi ra tù, xóa bỏ mặc cảm tự ti, T xây nhà trọ kinh doanh và xin vào làm ở một resort tại Mũi Né và cuối năm nay được đưa ra khỏi diện cảm hóa.

Với các thành viên mô hình “Cảm hóa, giáo dục thanh thiếu niên có nguy cơ vi phạm pháp luật và phòng chống ma túy”, thành công không phải là những tấm giấy khen của địa phương, Công an tỉnh, mà những cựu chiến binh cho rằng, đây là việc làm thiết thực của những người lính Cụ Hồ. Mỗi đối tượng thật sự chuyển biến tốt, có việc làm ổn định, được công nhận tiến bộ đưa ra khỏi mô hình đó mới là mục đích cao nhất và 3 năm nay là 16 người. Hiện đối tượng bổ sung, tiếp nhận cảm hóa vẫn còn 21 người, đòi hỏi các tổ phải tiếp tục nỗ lực hơn nữa. Đồng thời đặt ra yêu cầu làm tốt việc phối hợp cùng gia đình, nhà trường, tổ chức Đoàn thanh niên tạo các sân chơi lành mạnh, môi trường giáo dục tốt để các em được chăm sóc, yêu thương, tránh xa mọi cạm bẫy.

T.Linh



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cảm hóa giáo dục thanh, thiếu niên bằng tình yêu thương