Theo dõi trên

Cẩn trọng khi vay vốn online giữa mùa dịch Covid-19

28/07/2021, 11:02 - Lượt đọc: 3,528

BT- Nhiều nhóm lừa đảo dưới “vỏ bọc” là tổ chức tài chính được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cấp phép đang hoạt động rầm rộ giữa mùa dịch Covid-19, không ít người vay đã mất tiền. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Bình Thuận cảnh báo người dân cẩn trọng.

Bài 1: “Sập bẫy” vì mù mờ các tổ chức cho vay

Dịch bệnh vốn làm cho cuộc sống của nhiều người khó khăn càng lại thêm khó hơn do tìm đến tổ chức tài chính cho vay qua mạng, đã bị lừa mất tiền…

Bà P. đem phiếu quà tặng đến hệ thống điện máy, không mua được hàng.

Tin tưởng... mất tiền

Mặc dù ngành chức năng cũng như báo chí có nhiều bài viết, cảnh báo người dân vay tiền qua mạng vì đã có người mất tiền, nhưng nhiều người vẫn tin tưởng đi vay. Họ phần lớn là những người chưa vay vốn qua mạng lần nào, quá kẹt tiền, đăng ký vay thử hoặc ham lãi suất thấp; từng vay của một tổ chức đã được cấp phép có uy tín. Trong tình hình dịch Covid-19 khiến nhiều người gặp khó khăn thì nhu cầu vay càng cao. Nhiều người đã “túng quá hóa liều”, người từng vay giới thiệu người khác vay trong khi mình cũng “mù mờ” về các tổ chức cho vay trên mạng.

Nắm bắt được điểm yếu đó, nhiều tổ chức, cá nhân chưa được cấp phép đã mạo danh app (ứng dụng) cho vay của ngân hàng, lừa khách hàng đóng phí để được chuyển tiền, thu lợi bất chính. Không ít người đã bị lừa mất tiền, bà Ng.K.P ở huyện Bắc Bình, chuyên buôn bán quần áo là một ví dụ. Bà từng được Công ty tài chính TNHH MTV Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (FE Credit) cho vay qua mạng với số tiền trong thẻ 12 triệu đồng trả trong vòng 1 năm mà không cần một điều kiện gì. Khoản tiền ấy bà có thể sử dụng bất cứ lúc nào nếu kích hoạt. Nhưng sau đó, một người bạn của bà kẹt tiền và cần tiền gấp, bà đưa thẻ này cho bạn ấy sử dụng. Khoảng vài tháng sau dù không trả đều đặn, nhưng bạn ấy vẫn tất toán toàn khoản vay trước thời hạn, tổng số tiền cả lãi lẫn gốc khoảng 18 triệu đồng bao gồm phí trả trước thời hạn. Bây giờ, bà P. kẹt tiền muốn vay lại thì không được, vì FE Credit liệt bà có nợ xấu. Bà P. cho biết: “Vì không thể vay lại FE Credit, tôi đồng ý vay tiền của FJCO Credis, một tổ chức cho vay tiền qua mạng liên tục gọi điện cho tôi “tiếp thị” vay vốn. Trước khi vay tôi có hỏi đang là con nợ xấu của FE Credit thì có vay được không, bên đó bảo vay được. Tôi tưởng tổ chức này cũng như FE Credit, nhưng không ngờ nó lại lừa  tôi 1,3 triệu đồng”.

Tương tự, bà C. hàng xóm của bà P. lần đầu tiên vay qua mạng cũng trong tình cảnh trên, vì bị lừa chuyển khoản trước 1 triệu đồng và không dám nói cho ai biết.

 Cùng một chiêu thức

Không chỉ bà P., bà C., nhiều người bị “ăn trái đắng” khi vay tiền qua mạng như vậy. Tuy nhiên, một điều đáng buồn, phần lớn họ không lên tiếng vì sợ gia đình, bạn bè biết chê trách. Chính việc không dám lên tiếng đã góp phần cho những tổ chức, cá nhân mạo danh ấy lộng hành và nhiều người tiếp tục bị lừa mất tiền. Ngoài FJCO Credis thì GAMI CRE¸ CSKH SPACE... cũng đang có chiêu thức lừa người vay, đóng phí trước bằng việc chuyển khoản trước khi được vay tiền. Phí này dưới dạng nhiều tên gọi khác nhau như FJCO Credis gọi là bảo hiểm khoản vay trước khi giải ngân cho người vay. Bà P. chia sẻ: “Thấy thủ tục nhanh gọn không cần điều kiện gì, nên tôi đồng ý vay 50 triệu đồng với lãi suất hàng tháng 0,3%/tháng, lãi suất theo năm 3,6%/năm, mỗi tháng trả hơn 2 triệu đồng trong thời hạn 24 tháng. Khoảng 3 ngày sau gửi hợp đồng kèm theo một hộp quà và phiếu quà tặng qua đường bưu điện. Tôi tới Bưu điện Bắc Bình nhận thì bên cho vay yêu cầu đưa hơn 1,3 triệu đồng, tiền bảo hiểm khoản vay 12 tháng trước khi nhận hộp quà. Khi đưa tiền rồi tôi mới biết mình bị lừa, mở hộp quà thì thấy bên trong có 1 mẫu giấy đề nghị vay vốn cá nhân không có địa chỉ của tổ chức cho vay này, 1 hộp trà linh chi và 2 phiếu quà tặng trị giá 2 triệu đồng mua hàng ở các hệ thống điện máy, không có giá trị. Khi gọi điện thì chúng cứ trả lời vòng vo, chuyển máy cho người này người kia, rồi cúp máy”.

Còn GAMI CRE đem giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh do Sở Kế hoạch - Đầu tư Hà Nội cấp ra để dụ bà P.K ở thị trấn Chợ Lầu vay 80 triệu đồng và yêu cầu bà phải nộp 8 triệu đồng với cái gọi là phí khoản vay trước khi chuyển tiền. Bà K. không chấp nhận, cho rằng trước khi vay có thỏa thuận không có khoản phí vay nhưng trước khi giải ngân cho vay lại yêu cầu phí vay. Bà K. nghi ngờ lừa đảo thì bọn chúng thách thức bà cứ đi báo công an xem ai thiệt hại. Tương tự, CSKH SPACE yêu cầu bà NG.M.T ở Hòa Thuận, thị trấn Chợ Lầu, huyện Bắc Bình đóng tiền cọc trước 10 triệu đồng với khoản vay 200 triệu đồng.

 Bà Ng.K. P nhẩm tính khoản tiền mất của mình với nhiều người bị lừa như mình trong 1 ngày, thì chúng thu lợi bất chính cũng vài trăm triệu đồng. Bởi chúng vẫn hoạt động, chỉ là chúng không bắt máy trả lời bà. Chúng tôi cũng gọi điện theo số điện thoại của bà P. cung cấp, yêu cầu gặp giám đốc hoặc quản lý của FJCO Credis thì nhận được trả lời rằng chuyện của bà P. thì bà P. gọi, không liên quan gì chúng tôi và cúp máy.

Tất cả các tổ chức này đã được chúng tôi, tìm kiếm trên internet và hỏi các ngành chức năng, đều nhận thấy không có tên rõ ràng và hoạt động bất hợp pháp.

Ninh Chinh



(1) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cẩn trọng khi vay vốn online giữa mùa dịch Covid-19