Theo dõi trên

Cảnh báo cháy rừng cấp nguy hiểm và cực kỳ nguy hiểm

19/04/2018, 14:58

BT- Hiện Bình Thuận có thời tiết hanh khô, nhiều nơi có gió mạnh, gió xoáy cục bộ. Toàn bộ diện tích rừng trên địa bàn tỉnh đang trong tình trạng báo động về nguy cơ cháy.  Để rõ hơn về vấn đề này, phóng viên Báo Bình Thuận có cuộc phỏng vấn nhanh ông Huỳnh Hiếu – Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh…

                
      
   Ông Huỳnh Hiếu (ngoài cùng bên phải) – Phó    Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh kiểm tra công tác PCCCR tại Tà    Cú (Hàm Thuận Nam).

Thưa ông, tình hình cháy rừng mùa khô 2016 - 2017 trên địa bàn tỉnh diễn ra như thế nào? Công tác phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR) mùa khô 2017 – 2018 được triển khai ra sao?

Qua thống kê, mùa khô năm 2016 – 2017 toàn tỉnh xảy ra 23 trường hợp cháy rừng, nhưng chủ yếu cháy lớp thực bì dưới tán rừng với diện tích gần 27 ha. Đầu mùa khô năm 2017 – 2018, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã tham mưu cho Ban Chỉ đạo xây dựng và ban hành phương án bảo vệ rừng, chống phá rừng và PCCCR. Đồng thời chỉ đạo cho các đơn vị chủ rừng, Hạt Kiểm lâm cấp huyện triển khai các biện pháp PCCCR theo phương châm “4 tại chỗ”. Tập huấn nghiệp vụ kỹ thuật chữa cháy rừng cho lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách và lực lượng kiểm lâm ở cơ sở, yêu cầu những hộ dân sống ven rừng ký cam kết thực hiện các quy định về PCCCR.

Mùa khô năm nay, toàn tỉnh đã xảy ra bao nhiêu vụ cháy rừng? Việc triển khai PCCCR có thuận lợi, khó khăn gì?

Từ đầu mùa khô 2017 – 2018 đến nay, toàn tỉnh đã xảy ra 20 trường hợp cháy thực bì dưới tán rừng với diện tích 52 ha, không thiệt hại đến cây rừng. Hiện nay, nhận thức về trách nhiệm PCCCR trong cán bộ và nhân dân có nhiều chuyển biến tích cực. Các vùng trọng điểm cháy rừng đều có các công trình lâm sinh PCCCR; đơn vị chủ rừng và lực lượng kiểm lâm tiếp tục được đầu tư các trang thiết bị cần thiết. Tuy vậy, đa số diện tích rừng tự nhiên thuộc vùng trọng điểm cháy là kiểu rừng khộp (cây họ dầu, lá rộng, rụng lá hoàn toàn vào mùa khô); các khu vực rừng trồng phòng hộ ven biển, rừng trồng sản xuất gỗ chủ yếu là phi lao và các loại keo… nên lớp thực bì khá lớn, đây là nguồn vật liệu rất dễ gây cháy rừng. Hơn nữa, nhiều nơi địa hình đồi núi hiểm trở và vùng đất cát nên công tác chữa cháy rừng gặp rất nhiều khó khăn. Ngân sách đầu tư cho công tác PCCCR còn hạn chế so với yêu cầu; chế độ, chính sách trả công cho lực lượng quần chúng tham gia chữa cháy rừng còn thấp (121.000 đồng/ngày), chưa tương xứng với giá trị ngày công phổ thông trong sản xuất nông nghiệp hiện nay.

Vậy, mức độ cháy rừng hiện nay trên địa bàn tỉnh được xác định như thế nào? 

 Năm 2018, tỉnh xác định vùng trọng điểm cháy rừng cấp I có 96.109 ha, cấp II có 140.270 ha và cấp III có 101.152 ha. Như vậy vùng trọng điểm có nguy cơ cháy rừng (cấp II và cấp III) là 241.423 ha (trong đó rừng tự nhiên khoảng 210.000 ha, rừng trồng khoảng 32.000 ha). Từ thông tin cảnh báo cháy rừng của Cục Kiểm lâm và qua theo dõi thời tiết, Chi cục Kiểm lâm đã nâng cấp dự báo cháy rừng lên cấp V (cấp cực kỳ nguy hiểm) đối với diện tích rừng tại các huyện Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam và TP. Phan Thiết; các địa phương còn lại có dự báo cấp IV (cấp nguy hiểm).

 Để hạn chế thấp nhất số vụ và thiệt hại do cháy rừng gây ra, Chi cục Kiểm lâm đã chỉ đạo gì?

Chi cục Kiểm lâm đã có văn bản chỉ đạo, triển khai cho các đơn vị chủ rừng, kiểm lâm và các địa phương tập trung thực hiện nghiêm túc việc bố trí lực lượng ứng trực 24/24h tại các vùng trọng điểm cháy. Tăng cường tuần tra, kiểm tra rừng, kiểm soát chặt chẽ việc ra vào rừng và sử dụng lửa của các tổ chức, cá nhân sống ven rừng. Ngoài ra từ trước Tết Nguyên đán Mậu Tuất đến nay, Chi cục Kiểm lâm còn liên tục tổ chức các đoàn kiểm tra việc triển khai thực hiện nhiệm vụ bảo vệ rừng và PCCCR đối với các địa phương, đơn vị chủ rừng và Hạt Kiểm lâm, trong đó tập trung kiểm tra đối với các chốt, trạm bảo vệ rừng, trạm kiểm lâm địa bàn.

Xin cảm ơn ông! 

LÊ PHÚC (thực hiện)



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Phát huy truyền thống lịch sử hào hùng, vững bước xây dựng quê hương
Trong không khí hào hùng của những ngày tháng tư lịch sử, mỗi người dân Bình Thuận lại bồi hồi nhớ về thời khắc thiêng liêng của 49 năm trước, đó là Ngày giải phóng quê hương (19/4/1975) và Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975). Gần nửa thế kỷ sau khúc ca khải hoàn, vượt qua bao khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Thuận đã và đang nỗ lực xây dựng quê hương, những đổi thay hôm nay mang dấu ấn thật đáng tự hào.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cảnh báo cháy rừng cấp nguy hiểm và cực kỳ nguy hiểm