Theo dõi trên

Chủ động phòng cháy, chữa cháy ở khu dân cư

29/04/2019, 09:05 - Lượt đọc: 6

BT- Thời gian qua, công tác phòng cháy, chữa cháy đã được cấp ủy, chính quyền các địa phương quan tâm chỉ đạo và đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, tình hình cháy, nổ tại khu dân cư, hộ gia đình vẫn diễn ra và có chiều hướng gia tăng cả về số vụ lẫn thiệt hại. Đặc biệt nhiều vụ cháy gây thiệt hại lớn về người, tài sản, ảnh hưởng đến đời sống an sinh của người dân.

 Nhiều vụ cháy do chủ quan

Hiện nay trên địa bàn tỉnh nhiều khu dân cư, nhà cao tầng được xây dựng, nhiều loại vật liệu dễ cháy được sử dụng để xây dựng các công trình. Điều đó đồng nghĩa với nguy cơ cháy. Trong 5 năm gần đây (2014 - 2018), trên địa bàn tỉnh xảy ra 242 vụ cháy nhà, công trình, vật tư, phương tiện, 2 vụ nổ khí gas tại nhà dân trong quá trình đun nấu và 147 vụ cháy rừng. Thiệt hại làm 3 người chết, 25 người bị thương, tài sản thiệt hại ước tính hơn 64 tỷ đồng, 219,7 ha rừng. So với 5 năm liền kề trước đó tăng 85 vụ, thiệt hại tài sản tăng hơn 30 tỷ đồng. Địa bàn xảy ra cháy chủ yếu là thành thị 148 vụ, nông thôn 94 vụ. Nguyên nhân cháy do sự cố hệ thống điện, cháy do con người, cháy nhà dân luôn chiếm tỷ lệ cao và có chiều hướng gia tăng. Tình hình cháy, nổ diễn biến phức tạp, khó lường do nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chủ yếu vẫn là do con người thiếu ý thức và kiến thức về phòng cháy, chữa cháy. Theo điều tra của cơ quan chức năng, số vụ cháy, nổ do ý thức chủ quan của con người gây ra chiếm tỷ lệ tới 56%. Bên cạnh đó, những tồn tại, hạn chế trong công tác phòng cháy, chữa cháy đã và đang tác động đến tình hình cháy, nổ thời gian qua, cụ thể là công tác phòng cháy, chữa cháy một số nơi chưa được người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, các ngành, người dân và doanh nghiệp quan tâm đúng mức. Một số người đứng đầu cơ quan, tổ chức chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình đối với công tác phòng cháy, chữa cháy theo quy định của pháp luật. Trang bị phương tiện tại chỗ còn thiếu và kém về chất lượng. Việc triển khai thực hiện phương châm “4 tại chỗ” còn hạn chế, nhất là trong bố trí, đào tạo lực lượng phòng cháy, chữa cháy cơ sở, trang bị phương tiện, thực tập phương án chữa cháy tại chỗ.

 Chung tay phòng ngừa cháy, nổ

Trong buổi giám sát về công tác phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn tỉnh gần đây, bà Nguyễn Thị Phúc, Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Bình Thuận đã yêu cầu lực lượng Công an tỉnh cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành về phòng cháy, chữa cháy, kịp thời phát hiện những cơ sở sai phạm nhưng cố tình lách luật. Đồng thời cần rà soát lại những nội dung trong luật chưa phù hợp với thực tế, bổ sung những vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện để kiến nghị Quốc hội xem xét. Để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn cháy, nổ và hạn chế thấp nhất thiệt hại do cháy, nổ gây ra tại khu dân cư, vừa qua UBND huyện Hàm Thuận Nam cũng đã yêu cầu các ngành, địa phương trong huyện rà soát các khu dân cư, quy hoạch chỉnh trang đô thị, quy hoạch giải tỏa để có biện pháp, giải pháp hạn chế nguy cơ cháy, nổ. Đặc biệt chú ý các điều kiện về giao thông, nguồn nước phục vụ công tác chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ. Chỉ đạo giải quyết dứt điểm việc cơi nới chiếm dụng lối đi chung, câu, mắc đường dây dẫn điện không đảm bảo theo quy định. Tích cực vận động nhân dân tự nguyện di dời các cơ sở sản xuất nhỏ, lẻ có nguy cơ cháy, nổ cao ra khỏi khu dân cư và đầu tư, mua sắm thiết bị, phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tại chỗ. Rà soát quy hoạch đối với các làng nghề truyền thống hướng tới mục tiêu mỗi làng nghề, mỗi gia đình, hộ kinh doanh sản xuất đạt chuẩn về phòng cháy, chữa cháy. Trong quá trình cấp phép xây dựng, cải tạo đối với nhà ở riêng lẻ, nhà ở liên kế, nhà ở liên kế mặt phố cần chú ý các điều kiện bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy theo quy định. Công tác phòng cháy, chữa cháy thật sự chất lượng, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, nhằm mục tiêu hạn chế đến mức thấp nhất số vụ, thiệt hại do cháy, nổ gây ra, đòi hỏi các ngành, địa phương cần tập trung hơn nữa và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng cháy, chữa cháy. Các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân phải xác định công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên hàng ngày. Lấy việc chấp hành các quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy là một tiêu chí để đánh giá chất lượng hoạt động của các tổ chức cơ sở đảng, cơ quan, đơn vị, đoàn thể, hội viên, cán bộ, đảng viên, công nhân viên chức và người lao động. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy để nâng cao hiệu quả phòng ngừa cháy, nổ xảy ra. Đẩy mạnh xã hội hóa công tác phòng cháy, chữa cháy, có chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân tích cực tham gia xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng, kỹ thuật, lực lượng và phương tiện về phòng cháy, chữa cháy.

THANH QUANG



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chủ động phòng cháy, chữa cháy ở khu dân cư