Theo dõi trên

Đi tù vì lòng tham

04/07/2019, 08:59

BT- Trong phiên tòa xét xử vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản, hai bị cáo Trương Long (SN 1971) và Phạm Xuân Vinh (SN 1975), cùng trú tại khu phố Lương Trung, thị trấn Lương Sơn, huyện Bắc Bình, liên tục nói lời ăn năn, hối hận. Vì hám lợi và thiếu hiểu pháp luật mà cả hai phải trả giá đắt…

                
   Bị cáo Trương Long và Phạm Xuân Vinh.    

Theo hồ sơ vụ án, vào khoảng tháng 8/2006, ông Phạm Kim Hiếu (SN 1967, trú tại huyện Châu Thành, tỉnh Long An) bán cho ông Phan Ngọc Thảo (SN 1966, trú tại huyện Bình Chánh, TP. Hồ Chí Minh) thửa đất AĐ755349, có diện tích 25.476 m², tại thôn Xe Lương, xã Hòa Thắng, huyện Bắc Bình, với giá 100 triệu đồng. Do có mối quan hệ quen biết với Long nên ông Thảo đưa giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, bản phô tô sổ hộ khẩu, chứng minh nhân dân của ông Hiếu cho Long và nhờ Long làm giúp thủ tục chuyển nhượng. Tuy nhiên tại thời điểm này, UBND huyện Bắc Bình tạm dừng việc sang nhượng đất đai trên địa bàn huyện nên Long tiếp tục giữ các giấy tờ trên theo yêu cầu của ông Thảo. Một thời gian sau, do mất số điện thoại và cũng không thấy ông Thảo liên lạc, Long đã xuống Long An tìm gặp ông Hiếu và biết được ông Hiếu đã định cư tại nước Mỹ.

Tháng 4/2018, Long bàn bạc với Vinh bán thửa đất trên để lấy tiền tiêu xài, cả hai thỏa thuận sau khi bán được đất Long phải cho Vinh 250 triệu đồng. Tháng 6/2018, anh Phan Chí Đệ (SN 1986, cư trú tại khu phố Lương Tây, thị trấn Lương Sơn, huyện Bắc Bình) đồng ý mua thửa đất trên với giá 1 tỷ đồng. Để thực hiện giao dịch với anh Đệ, Vinh lên mạng xã hội đặt làm giả các giấy tờ với giá 3,7 triệu đồng, cụ thể là 2 chứng minh nhân dân mang tên Phạm Kim Hiếu nhưng dán hình của ông Nguyễn Bảo Châu (là anh rể của Vinh) và Phan Thị Linh nhưng dán hình của Phan Thị Thu (là vợ của Vinh), 1 sổ hộ khẩu do ông Hiếu làm chủ hộ, 1 giấy chứng nhận kết hôn của vợ chồng ông Hiếu và bà Linh. Sau khi làm xong giấy tờ giả, Vinh đưa cho Long đem đến văn phòng công chứng T.P ở xã Phan Rí Thành, huyện Bắc Bình, nhờ công chứng viên soạn thảo hợp đồng chuyển nhượng, đồng thời yêu cầu công chứng viên vào TP. Hồ Chí Minh để bên bán ký tên vào hợp đồng.

Ngày 9/6/2018, Vinh rủ bà Thu, ông Châu vào TP. Hồ Chí Minh chơi và đặt vấn đề nhờ ký giấy tờ giùm, nhưng không nói rõ là giấy tờ gì. Khi gặp chị Nguyễn Thị Nguyên Hằng (SN 1991) là nhân viên văn phòng công chứng T.P, Long giới thiệu bà Thu và ông Châu là vợ chồng chủ đất và đưa các giấy tờ liên quan cho Hằng xem. Không phát hiện giấy tờ giả, Hằng đưa cho bà Thu bản chuyển nhượng hợp đồng đã soạn sẵn, nhưng do mới học hết lớp 3 nên bà Thu chỉ nhìn lướt qua rồi ký vào hợp đồng với họ tên Phan Thị Linh, còn ông Châu do không biết chữ nên điểm chỉ (lăn tay) vào hợp đồng, đồng thời Hằng hướng dẫn bà Thu ghi vào mặt sau của phiếu yêu cầu công chứng với nội dung đồng ý bán đất. Sau khi ký xong các giấy tờ, Long đưa cho Hằng 2 triệu đồng để Hằng đón xe khách đi về.

Ngày 20/6/2018, Long và anh Đệ đến phòng công chứng T.P để ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Sau đó, anh Đệ cầm sổ đất và hợp đồng đã được công chứng đến Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện Bắc Bình để làm thủ tục chuyển nhượng. Qua kiểm tra hồ sơ, văn phòng đăng ký đất đai nghi ngờ các giấy tờ liên quan đến bên bán là giả nên đã thông báo cho văn phòng công chứng T.P kiểm tra lại, đồng thời làm công văn báo cáo sự việc gửi đến Công an tỉnh để điều tra xử lý.

Trong vụ án này, bà Thu và ông Châu có hành vi ký tên, lăn tay vào hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và viết một số nội dung vào phiếu yêu cầu công chứng, giúp cho Long và Vinh hoàn thành thủ tục chuyển nhượng đất. Tuy nhiên, bà Thu và ông Châu không biết rõ mục đích việc ký giấy tờ để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người khác nên không là đồng phạm với Long và Vinh. Đối với công chứng viên khi công chứng hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã có những vi phạm, như không giải thích cho ông Châu và bà Thu (người yêu cầu công chứng) hiểu rõ quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của họ, ý nghĩa và hậu quả pháp lý của việc ký hợp đồng chuyển nhượng; không đọc dự thảo hợp đồng cho ông Châu và bà Thu nghe; không trực tiếp chứng kiến việc ký vào hợp đồng chuyển nhượng, là vi phạm các quy định của Luật Công chứng. Cơ quan điều tra đã có văn bản kiến nghị Sở Tư pháp tỉnh xem xét để xử lý theo quy định của pháp luật.

Hội đồng xét xử xét thấy hành vi phạm tội của các bị cáo đã xâm phạm quyền sở hữu hợp pháp về tài sản của người khác, xâm phạm vào trật tự quản lý hành chính Nhà nước về con dấu, tài liệu, nên tuyên phạt Trương Long 6 năm tù tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, 2 năm tù tội “Sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”; Phạm Xuân Vinh 5 năm tù tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và 3 năm tù tội “Sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”. Tổng hợp hình phạt cho mỗi bị cáo là 8 năm tù. Bản án là hồi chuông cảnh tỉnh cho những ai có ý đồ kiếm tiền bằng thủ đoạn bất chính. Lòng tham sẽ không bao giờ mang đến một kết cục tốt đẹp và biết đâu, đó là cánh cửa dẫn đến ngục tù.

K.CHI



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Phát huy truyền thống lịch sử hào hùng, vững bước xây dựng quê hương
Trong không khí hào hùng của những ngày tháng tư lịch sử, mỗi người dân Bình Thuận lại bồi hồi nhớ về thời khắc thiêng liêng của 49 năm trước, đó là Ngày giải phóng quê hương (19/4/1975) và Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975). Gần nửa thế kỷ sau khúc ca khải hoàn, vượt qua bao khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Thuận đã và đang nỗ lực xây dựng quê hương, những đổi thay hôm nay mang dấu ấn thật đáng tự hào.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đi tù vì lòng tham