Theo dõi trên

“Điểm đen” ý thức: Hiểm họa khó lường

19/08/2019, 08:55

BT- Trên cả nước, liên tiếp xảy ra 4 vụ tai nạn giao thông (TNGT) đường sắt trong những ngày cuối tháng 7, đầu tháng 8 đã khiến dư luận hết sức bất an.

Trong 4 vụ tai nạn, vụ va chạm giữa tàu hỏa và xe ô tô 16 chỗ tại điểm giao nhau giữa đường dân sinh với đường sắt gần ga Sông Lòng Sông (xã Phong Phú, huyện Tuy Phong) sáng 31/7 là nghiêm trọng hơn cả: 3 người chết, 1 người bị thương nặng. Sự nhức nhối của thảm kịch là lái xe 16 chỗ đã không chú ý quan sát khi đi qua đường ngang có đoàn tàu SE27 đang tới. Các vụ tai nạn một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về những “điểm đen băng cắt”, nơi thường xuyên xảy ra nhiều vụ TNGT thảm khốc, khiến hàng ngàn người chết và bị thương mỗi năm.

Tuyến đường sắt Bắc - Nam qua địa bàn tỉnh dài gần 178 km, đi qua 6 huyện, thành phố, với 213 điểm giao cắt giữa đường sắt và đường bộ. Trong đó có 148 lối đi tự mở, 65 đường ngang hợp pháp (có 7 điểm có gác chắn có người gác, 6 điểm gác chắn tự động, 1 điểm có thiết bị cảnh báo tự động như chuông, đèn; 51 điểm có biển báo). Không tính số đường ngang hợp pháp có cảnh báo bằng đèn, còi tín hiệu, biển báo… cả nước hiện có tới 4.300 lối đi dân sinh, đường ngang tự phát do dân mở để đi qua đường sắt. Nhiều đường ngang dân sinh ban đầu là đường tự mở nhỏ hẹp, theo thời gian được nới rộng thành đường đi học, đi làm của một cụm, khu cư dân.

Dọc tuyến đường sắt, hành vi vi phạm hành lang an toàn giao thông diễn ra rất nhiều. Người dân họp chợ buôn bán sát 2 bên đường; việc chăn thả gia súc như trâu, bò, dựng biển quảng cáo, cơi nới mái che sát đường sắt diễn ra thoải mái, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn. Nhiều người điều khiển xe máy, ô tô còn lơ là, xem thường hiểm nguy khi băng qua đường ray, không quan sát biển báo, tín hiệu nguy hiểm gần đường sắt... dù có sự cảnh báo của nhân viên gác. Thống kê của ngành đường sắt cho thấy hầu hết các vụ tai nạn thương tâm xảy ra tại các đường ngang dân sinh và các lối đi tự mở “chết người” này.

Một đề án mang tên “Đảm bảo trật tự hành lang đường sắt và xử lý dứt điểm các lối đi tự mở” đã được Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam xây dựng, đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ xóa bỏ hoàn toàn các lối đi tự mở bất hợp pháp băng ngang đường sắt, thay vào đó là hệ thống đường gom dân sinh và hầm chui, cầu vượt và các đường ngang đạt chuẩn nhưng xem ra mục tiêu này khó thực hiện. Kinh phí bố trí cho đường sắt còn hạn chế là nguyên nhân chính. Mặt khác, không ít đường ngang dân sinh đã được ngành đường sắt rào kín hôm trước thì mấy hôm sau người dân lại phá ra để đi.

Tại hội nghị trực tuyến sơ kết công tác bảo đảm an toàn giao thông 6 tháng đầu năm 2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh “điểm đen” ý thức là nguyên nhân quan trọng dẫn tới tai nạn giao thông. Đánh giá này không chỉ đúng với lĩnh vực đường bộ mà với cả lĩnh vực đường sắt. “Điểm đen” không chỉ có ở những đường ngang dân sinh mà còn ở trong đầu những người tham gia giao thông như tài xế ô tô, xe máy và một bộ phận người dân sống 2 bên tuyến đường sắt. “Điểm đen” ý thức - vì thế, còn nguy hiểm hơn đường ngang.

Khi những “điểm đen”  trên đường chưa được rà soát, xóa bỏ hết thì mỗi người phải tự xóa cho mình “điểm đen” ý thức để bảo vệ mình và những người chung quanh.

 M.Vân



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Phát huy truyền thống lịch sử hào hùng, vững bước xây dựng quê hương
Trong không khí hào hùng của những ngày tháng tư lịch sử, mỗi người dân Bình Thuận lại bồi hồi nhớ về thời khắc thiêng liêng của 49 năm trước, đó là Ngày giải phóng quê hương (19/4/1975) và Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975). Gần nửa thế kỷ sau khúc ca khải hoàn, vượt qua bao khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Thuận đã và đang nỗ lực xây dựng quê hương, những đổi thay hôm nay mang dấu ấn thật đáng tự hào.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
“Điểm đen” ý thức: Hiểm họa khó lường