Theo dõi trên

Hiểm nguy từ “độ xe” và đua tốc độ

25/04/2019, 10:08

BT- Nhiều thanh niên tóc xanh, tóc đỏ rỉ tai nhau về một “thiên đường tốc độ”. Để chứng tỏ “bản lĩnh”, dân chơi sẵn sàng bỏ ra cả chục, thậm chí cả trăm triệu đồng, để nâng cấp một chiếc xe bình thường thành “chiến mã” phục vụ cho những trận “bão” đêm, bất chấp hiểm nguy cho mình và người tham gia giao thông…

                
      
2 trong số những chiếc xe “cọp” được sử    dụng trong những cuộc tỉ thí tốc độ giữa các “quái xế”.

 Bên trong lò độ

Qua bàn tay “phù phép” của những người thợ mà đa phần đều không có bằng cấp chuyên môn nào, những chiếc xe “cọp” (từ để chỉ xe được độ công suất lớn, phục vụ cho những cuộc tỉ thí tốc độ trái phép), có thể đạt tới tốc độ chạy từ 160 – 180 km/giờ. Chỉ cần nghe tiếng động cơ “gầm rú” của những chiếc xe này, cũng đủ khiến người đi đường phải khiếp sợ, tìm cách nép vào lề đường. Hiện nay, nhiều chiếc xe còn thay đổi kết cấu bên ngoài, tự ý gắn thêm đèn Led, đèn ánh sáng trắng, đèn chớp, thay còi kích âm, để tăng âm lượng xuất hiện ngày càng nhiều, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông và ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình an ninh trật tự trên địa bàn.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, khách hàng có nhu cầu độ xe chủ yếu là giới trẻ, muốn chiếc xe đạt tốc độ cao, các “quái xế” luôn phải cất công tìm đến các lò độ có danh tiếng. Những kỹ thuật căn bản như đôn dên, xoáy nòng, thay pít - tông...sẽ giúp chiếc xe bứt tốc khủng khiếp. Tuấn - một “tín đồ” của tốc độ cho biết, hiện nay loại xe được ưa chuộng để độ là Exciter, Winner, Dream, Wave… do xe có hình dáng thon gọn, nên khả năng bứt phá trong giai đoạn nước rút hơn hẳn nhiều chiếc khác. Theo Tuấn, hiện Phan Thiết có khoảng 5 lò chuyên độ xe. Trong số đó, lò của T (trên đường Hải Thượng Lãn Ông, phường Phú Tài) được dân “bão” đánh giá là “uy tín” và “chất lượng nhất”. Mỗi ngày, lò của T có khoảng chục chiếc xe ra vào tấp nập. Tùy vào khách hàng, nếu chỉ muốn làm nhẹ, thay đổi chút phụ tùng cho “oách”, thì tốn hơn 5 triệu đồng, muốn “ngựa” sung hơn tí nữa sẽ tốn khoảng 10 triệu đồng, còn muốn bao tốc độ trên 160 km/giờ phải mất vài chục triệu đồng…

Qua lời giới thiệu của Tuấn, trong vai người có nhu cầu độ xe, chúng tôi tìm đến lò độ của T, nơi được xem là “ngọn nguồn” của những trận “bão” đêm. Nhìn từ bên ngoài, lò độ xe của T không khác gì những tiệm sửa xe bình thường, cũng phụ tùng la liệt, nền nhà đen kịt vì những vệt dầu loang. Bên trong quán có chừng 2 chiếc xe số đang được bung máy để làm. Những chiếc xe ở đây đa số không có phần nhựa che bên ngoài, chúng lại được sơn, sửa và độ lại màu sắc, hình dáng khá lạ so với xe bình thường. Sau một hồi xem xét chiếc Exciter của Tuấn, chủ tiệm hỏi: “Xe này muốn độ lên bao nhiêu?”, Tuấn trả lời: “62 dên zin”, chủ tiệm phán chắc nịch: “Khoảng trên 18 “chai”, tùy theo nhu cầu và đồ chơi xe như thế nào…”. 

                
 “Nài” đua bất chấp nguy hiểm, lao vun    vút trên đường.

 Nuôi “nài” lấy tiếng 

Một người trong giới độ xe cho chúng tôi biết, trong nhiều cuộc đi bão, những lò độ xe bí mật nuôi “nài” để khuếch trương thanh thế. Chỉ cần xe của lò mình về nhất, các “nài” xe sẽ đua nhau đến đây để độ. Thông thường, các chủ lò độ thường tìm những thanh niên trẻ tuổi, thích tốc độ và có máu liều về để đào tạo. Nếu bình thường để có một chiếc xe ngon, gắn nhiều hàng khủng, người chơi phải bỏ ra không ít tiền. Nhưng khi được nhận vào lò, “nài” có xe chạy, lại được hưởng hoa hồng tiền cược mỗi trận đua, nên nhiều người nhanh chóng gật đầu. Tuy nhiên, để thành tay đua cho các lò độ xe, không phải “nài” nào cũng đủ tiêu chuẩn. Vì vậy, trước những cuộc đua, các chủ lò phải tìm ra “nài” giỏi, sau đó dồn hết sức huấn luyện và hướng dẫn cho “nài” đua, cách hoạt động của xe mình sao cho tốt nhất. Nếu đua thắng, các tay “nài” sẽ càng có tiếng nói trong giới đua xe, tiền công mỗi trận cũng tăng lên đáng kể...

Dẫu biết rằng, cầm lái trên những cung đường đua là chấp nhận rủi ro phía trước, là “đánh cược” mạng sống với tử thần, nhưng dân “nài” vẫn sẵn sàng bất chấp nguy hiểm, không chỉ vì tiền mà còn để thỏa mãn thú chơi tốc độ, giống như câu nói của Tuấn: “Chưa thấy quan tài, chưa đổ lệ. Với dân đua xe, thì chỉ cần nghe tiếng nẹt pô, tiếng hò hét cổ vũ cũng đủ khiến họ quên hết mình là ai…”.

Có thể thấy, đứng trên phương diện pháp luật, thú chơi xe độ đang vi phạm các quy định về luật an toàn giao thông. Trong khi đó, nhiều lò độ xe vẫn đang ngang nhiên hoạt động dưới dạng “tiệm sửa xe”. Đến khi bị phát hiện, Công an thành phố hay chính quyền địa phương đều xử lý bằng cách buộc các lò độ xe làm cam kết không tái phạm, đồng thời tuyên truyền, vận động các tiệm sửa xe cần “nói không” với độ xe. Tuy nhiên, nhìn chung công tác này vẫn chưa thật sự được quan tâm đúng mức nên việc vi phạm và tái phạm của các lò độ xe là rất thường thấy. Mặt khác, việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ có quy định xử phạt về việc tự ý thay đổi khung, máy, hình dáng, kích thước xe nhưng người bị xử lý ở đây là các chủ phương tiện, chứ không phải là người đã làm ra nó (các tiệm sửa xe). Đây cũng chính là bất cập dẫn đến việc xử lý các lò độ hiện nay chưa đủ sức răn đe.

 Ngăn chặn đua xe trái phép

Cách đây vài ngày, báo chí từng phản ánh tình trạng hàng trăm quái xế tụ tập, sử dụng xe máy thay đổi kết cấu, đôn dên, dàn hàng ngang trên đường Võ Nguyên Giáp để đua xe trái phép. Sự việc đã được Công an TP. Phan Thiết kịp thời ngăn chặn và bắt giữ nhiều phương tiện vi phạm. Tuyến đường này từ lâu đã trở thành tụ điểm đua xe trái phép về đêm của các thanh niên trong và ngoài tỉnh, gây nguy hiểm cho các phương tiện giao thông và đặc biệt là du khách. Ngoài ra hàng đêm, trên các tuyến đường chính trong nội thành như: Nguyễn Tất Thành, Hùng Vương, Võ Văn Kiệt, người đi đường không khỏi bức xúc bởi các nhóm xe “độ” thi nhau bức tốc, gầm rú.

Đại úy Trần Hoài Thương - Phó Đội trưởng Đội CSGT (Công an TP. Phan Thiết) cho biết, trong thời gian vừa qua, tình trạng thanh, thiếu niên tụ tập tổ chức đua xe trái phép vào ban đêm, trên tuyến đường Võ Nguyên Giáp thuộc địa bàn các phường Phú Hài, Hàm Tiến, Mũi Né và xã Thiện Nghiệp làm  phức tạp về ANTT. Nhằm giải quyết tình trạng này, Đội CSGT đã tham mưu cho Công an thành phố, ban hành kế hoạch tuần tra, kiểm soát phòng, chống đua xe trái phép.

Theo đó, phương thức tuần tra kiểm soát công khai kết hợp với hóa trang trực tiếp phát hiện hoặc thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ ghi nhận các hành vi vi phạm. Huy động tối đa lực lượng gồm Cảnh sát giao thông, trật tự; Cảnh sát điều tra (Tổ đặc nhiệm phòng, chống tội phạm) và Công an các phường, tập trung tuần tra, kiểm soát trên tuyến đường Võ Nguyên Giáp trong giờ cao điểm từ 20 giờ đến 24 giờ hàng đêm, vào tất cả các ngày trong tuần.    

Đối tượng cần tập trung kiểm soát là thanh, thiếu niên điều khiển mô tô, xe máy sử dụng “xe độ, đôn dên, xoáy nòng”, thực hiện các hành vi vi phạm như không đội mũ bảo hiểm, không gắn biển số xe, không có bộ phận giảm thanh, giảm khói, chạy xe dàn hàng ngang, lạng lách, đánh võng, chạy quá tốc độ…Kiên quyết xử lý nghiêm và không để xảy ra tình trạng tụ tập tổ chức đua xe trái phép, gây bức xúc trong quần chúng nhân dân, làm mất trật tự an toàn giao thông trên địa bàn thành phố.

Có thể thấy rằng, thú chơi đua xe, “độ” xe, không chỉ gây mất ANTT, vi phạm pháp luật, mà còn ảnh hưởng đến gia đình và tính mạng bản thân. Vì thế mỗi người cần có nhận thức đúng đắn đối với hành vi của mình, để bản thân và hành động đều mang lại lợi ích cho xã hội.  

    
  

   Điều 34,   Nghị định số 46/2016/NĐ - CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh   vực giao thông đường bộ và đường sắt quy định: phạt tiền từ 1.000.000   đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi tụ tập để cổ vũ, kích động hành   vi điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định, lạng lách, đánh võng, đuổi   nhau trên đường hoặc đua xe trái phép. Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến   8.000.000 đồng đối với người đua xe mô tô, xe gắn máy, xe máy điện trái   phép. Ngoài phạt tiền, người điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi   phạm có thể bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung như bị tước quyền   sử dụng giấy phép lái xe từ 3 tháng đến 5 tháng và tịch thu phương tiện.  

         Ngoài   ra, khoản 4, Điều 30, nghị định này cũng quy định: “Hành vi tự ý thay   đổi khung, máy, hình dáng, kích thước, đặc tính của xe sẽ bị phạt tiền   từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 1.600.000 đồng   đến 2.000.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe mô tô, xe gắn máy và các   loại xe tương tự xe mô tô”. Thiết nghĩ, mức xử phạt hành chính này còn   quá thấp, ít mang tính răn đe. Các cơ quan làm luật cần sớm nghiên cứu,   bổ sung, tăng mức xử phạt đối với trường hợp tự ý thay đổi kết cấu xe   máy, góp phần xử lý triệt để nạn đua xe trái phép, giảm bớt một mối nguy   hiểm cho người tham gia giao thông.

Khánh Chi



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hiểm nguy từ “độ xe” và đua tốc độ