Theo dõi trên

Hiệu quả phối hợp bảo vệ rừng giáp ranh

30/11/2017, 08:49

BT- Vùng giáp ranh giữa tỉnh Bình Thuận với Ninh Thuận và Lâm Đồng theo chiều dài địa giới hành chính khoảng hơn 250 km. Khu vực giáp ranh có địa hình núi cao, hiểm trở, chia cắt. Tài nguyên rừng ở vùng giáp ranh còn khá phong phú nhiều loài thực vật đặc hữu có giá trị kinh tế cao như giáng hương, cẩm lai, căm xe, dầu, sao… Với đặc điểm nêu trên, trong thời gian qua rừng giáp ranh luôn “nóng” với nạn lâm tặc.

                
   Lực lượng chức năng tuần tra bảo vệ rừng    giáp ranh.

Trao đổi thông tin truy bắt lâm tặc

Lực lượng kiểm lâm, các đơn vị chủ rừng và chính quyền cấp huyện có vùng giáp ranh giữa 3 tỉnh trong công tác quản lý, bảo vệ rừng đã thực hiện việc trao đổi, nắm bắt thông tin về tình hình phá rừng, khai thác lâm sản trái phép, về đối tượng, công cụ, thủ đoạn hoạt động của lâm tặc để có biện pháp kiểm tra, truy quét, ngăn chặn. Phối hợp lực lượng tại chỗ gồm kiểm lâm địa bàn, lực lượng bảo vệ của chủ rừng và lực lượng tại địa phương chủ động tổ chức tuần tra, truy quét. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, lực lượng chống phá rừng mỗi tỉnh được quyền truy đuổi, bắt giữ đối tượng bỏ chạy về phía địa bàn tỉnh bạn.

Từ sự trao đổi thông tin qua lại giữa lực lượng chức năng 3 tỉnh, nhiều vụ khai thác lâm sản trái phép đã được bắt giữ. Từ đầu năm đến nay, lực lượng chức năng Bình Thuận và Lâm đồng đã phát hiện và xử lý 87 vụ vi phạm, tịch thu 180,560m3 gỗ tròn, 17,333m3gỗ xẻ; tịch thu 7 xe ô tô, 1 xe hoán cải, 17 xe máy độ chế, 24 máy cưa xăng cầm tay. So cùng kỳ năm 2016 số vụ vi phạm vùng rừng giáp ranh giữa Bình Thuận và Lâm Đồng giảm 20,95%.  

Tiếp tục hoàn thiện quy chế phối hợp

Tại hội thảo “Đánh giá kết quả thực hiện quy chế phối hợp quản lý, bảo vệ rừng tại khu vực rừng giáp ranh giữa tỉnh Bình Thuận với Lâm Đồng và Ninh Thuận”, diễn ra vào ngày 24/11/2017, các đại biểu tham dự đã nêu những khó khăn, tồn tại trong công tác phối hợp như: Hoạt động phối hợp kiểm tra, truy quét giữa các đơn vị giáp ranh hai tỉnh chưa duy trì thường xuyên, hệ thống giao thông đi lại khó khăn; phương tiện, trang thiết bị, công cụ hỗ trợ còn thiếu; kinh phí đầu tư chưa bảo đảm để bố trí lực lượng cắm chốt bảo vệ rừng. Phần lớn diện tích đất lâm nghiệp vùng giáp ranh tiếp giáp với cộng đồng dân cư sinh sống trong điều kiện thiếu đất canh tác và vẫn còn tập quán du canh, do vậy áp lực về phá rừng làm rẫy vẫn còn diễn ra; công tác trao đổi thông tin giữa các đơn vị, địa phương chưa thường xuyên, liên tục. Chưa có sự cộng tác tích cực của chính quyền địa phương trong công tác quản lý dân di cư tự do đến tạm trú để phá rừng, khai thác rừng, lấn chiếm, mua bán sang nhượng đất lâm nghiệp trái phép.

Từ những khó khăn, tồn tại, các đại biểu đã đưa ra đề xuất chính quyền 3 tỉnh cần có kế hoạch nâng cao năng lực thực thi Luật Bảo vệ và phát triển rừng cho lực lượng QLBVR, các đơn vị chủ rừng vùng giáp ranh và trang bị các phương tiện, kỹ thuật và sinh hoạt cần thiết để họ hoàn thành nhiệm vụ được giao. Xác định khu vực trọng điểm, xây dựng phương án phối hợp lực lượng giữa các huyện để thống nhất biện pháp, thời gian tổ chức truy quét, xử lý vi phạm. Quản lý chặt chẽ các cơ sở kinh doanh, chế biến gỗ trên địa bàn. Chính quyền địa phương cấp huyện, xã vùng giáp ranh tăng cường chỉ đạo cơ quan chức năng giải quyết căn bản tình trạng xâm canh và giải quyết tốt tình hình thiếu đất sản xuất, ổn định cuộc sống cho người dân để ngăn chặn hiệu quả tình trạng lấn chiếm và sử dụng đất lâm nghiệp trái phép.

Ông Mai Kiều, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Thuận cho biết: Thông qua hội thảo đã giúp lực lượng chức năng 3 tỉnh nhìn lại tình hình thực thi quy chế phối hợp QLBVR vùng giáp ranh. Qua đó các đơn vị đã trao đổi các giải pháp phối hợp làm sao cho hiệu quả, chúng tôi đã ghi nhận và sẽ có những điều chỉnh hợp lý hơn trong thực hiện quy chế phối hợp trong thời gian tới…

NguyỄn Luân



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hiệu quả phối hợp bảo vệ rừng giáp ranh