Theo dõi trên

Hiệu quả từ đặt trạm ở những điểm trọng yếu

15/08/2018, 09:06

BT- Ở những nơi mà trạm, chốt bảo vệ rừng được đặt ngay bìa rừng hay đường độc đạo vào rừng thì khả năng phát hiện, xử lý các vụ phá rừng tốt hơn.

                
Cán bộ Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Mao    kiểm tra rừng.

Đặt trạm ở những điểm trọng yếu

Mới đây, tôi có dịp đến làm việc tại Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Mao. 10h, nhưng trạm chỉ có vài nhân viên đến làm việc. Tôi hỏi anh Nguyễn Văn Vinh, Phó trưởng Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Mao thì được biết: Hơn 2/3 quân số của Ban đang ở 5 chốt bảo vệ rừng đóng ở sâu trong núi. Còn ở đây chỉ có 10 người thuộc bộ phận văn phòng. Việc thành lập các trạm, chốt bảo vệ rừng ở Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Mao là cả một quá trình nghiên cứu mà ở đó các đặc điểm địa hình được vận dụng tối đa. Năm 2000, nhận thấy lâm tặc thường vận chuyển lâm sản qua tuyến đường thuộc địa bàn xã Phan Lâm, Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Mao đã thành lập Trạm bảo vệ rừng Lán Sạn 1 nằm ngay ở đầu tuyến đường độc đạo này.

Sau khi trạm thành lập, tuyến đường vận chuyển gỗ lậu ra khỏi rừng bị cắt, lâm tặc tiếp tục làm tuyến đường mới ở xã Bình An, huyện Bắc Bình. Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Mao tiếp tục thành lập Trạm quản lý bảo vệ rừng Pít Sin đóng trên địa bàn xã Bình An. Rồi năm 2005, Trạm Cà Tăng (đóng trên địa bàn xã Bình An), năm 2008 Trạm Lán Xạn 2 (đóng ở xã Phan Lâm) tiếp tục được thành lập ở vị trí “yết hầu” của các con đường độc đạo dẫn vào rừng. Vì đóng ở những vị trí nằm ở cửa rừng hoặc trong rừng nên để đến được các trạm này phải mất gần 1 ngày đi đường. Có những vị trí phải đi bằng xe máy mới có thể lên được trạm. Hiện nay, mỗi trạm bảo vệ rừng thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Mao có khoảng 6 thành viên. Các thành viên chia nhau trực theo ca. Trạm đặt ngay ở cửa rừng nên mọi động tĩnh trong rừng đều được nắm bắt. Khi phát hiện các đối tượng khả nghi thì các trạm thông tin cho nhau để sẵn sàng phối hợp.

Năm 2015, Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Mao tiếp tục phối hợp với Ban quản lý rừng phòng hộ Cà Giây thành lập Chốt liên ban để kiểm soát các phương tiện vào rừng. “Việc đặt trạm ở cửa rừng thời gian qua đã mang lại hiệu quả khá rõ nét. Vì đóng ở những con đường độc đạo nên lâm tặc muốn vào rừng thì phải qua trạm. Vì vậy, hầu hết các đối tượng lạ vào rừng đều được các anh em theo dõi”, anh Nguyễn Văn Vinh, Phó trưởng Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Mao cho biết.

 Huy động người dân cùng tham gia chốt bảo vệ

Năm 2017, nhận thấy việc lâm tặc bắt đầu xuất hiện ở khu vực Sông 7 nên Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Mao đã lên kế hoạch thành lập chốt ở đây. Nhưng số lượng nhân viên của Ban đã được phân công đi trực ở các trạm khác nên khó có thể bố trí lực lượng như những trạm khác. Tuy nhiên, đây là khu vực rừng được giao khoán cho các hộ dân xã Phan Điền bảo vệ. Vì vậy, Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Mao đã huy động hộ nhận khoán cùng tham gia tuần tra, bảo vệ rừng. Đầu năm 2018, chốt bảo vệ rừng Sông 7 được thành lập với 5 thành viên. Trong đó, có 1 cán bộ Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Mao trực tại trạm 6 ngày, còn 5 hộ nhận khoán sẽ trực tại trạm 3 ngày.  “Khu vực rừng Sông 7 hiện có 34 hộ nhận khoán với cách xoay vòng như hiện nay, một hộ chỉ phải trực tại chốt bảo vệ rừng 1 lần. Việc này không ảnh hưởng nhiều lắm đến công việc của người dân, lại đảm bảo được việc bảo vệ diện tích rừng đã nhận khoán” - anh Vinh nói.

    
    Nhờ việc   đặt trạm ở những vị trí trọng yếu mà số vụ vi phạm Luật Quản lý bảo vệ   rừng trên lâm phần do Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Mao quản lý xảy ra   ít. Từ đầu năm đến nay, đơn vị mới phát hiện 2 vụ chặt phá rừng trái   phép với quy mô nhỏ.

Nguyễn Luân



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hiệu quả từ đặt trạm ở những điểm trọng yếu