Theo dõi trên

Khoảng trống trong công tác giám định tư pháp

28/11/2017, 08:36

BT- Hoạt động giám định tư pháp (GĐTP) có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong công tác điều tra, truy tố, xét xử và giải quyết tranh chấp xảy ra giữa các tổ chức, cá nhân. Tuy nhiên, hoạt động GĐTP của tỉnh còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu đề ra.

Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 2 tổ chức GĐTP (Trung tâm Pháp y tỉnh - Sở Y tế và Phòng kỹ thuật hình sự - Công an tỉnh) và 10 cơ quan chuyên môn có hoạt động GĐTP. Tổng số giám định viên toàn tỉnh là 108 người, trong đó chỉ có 21 giám định viên chuyên trách, còn lại đa phần là kiêm nhiệm nên ít toàn tâm cho công việc, ít có kinh nghiệm thực tế và năng lực chuyên môn. Có lẽ đây là một trong những nút thắt khó gỡ khi cán bộ kiêm nhiệm chiếm số lượng lớn. Cả tỉnh hiện nay chỉ có 3 giám định viên xây dựng đang công tác ở Sở Xây dựng nhưng kiêm nhiệm, công việc chủ yếu là thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn khác ở đơn vị nên không có nhiều thời gian để thực hiện công tác giám định. Do vậy, khi có nhu cầu giám định liên quan đến lĩnh vực xây dựng, tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh thường phải chủ động tìm kiếm các đơn vị chuyên ngành khác hoặc phải chờ đợi nên mất nhiều thời gian, tốn kém chi phí. Song song đó, giám định trong lĩnh vực pháp y cũng gặp nhiều khó khăn, khi 29/31 giám định viên trong lĩnh vực này hầu như không tham gia các vụ việc giám định, chỉ có 2 người chuyên trách thuộc Trung tâm Pháp y tỉnh “bao sân”. Trong khi đó, số vụ cần trưng cầu giám định về sức khỏe, tỷ lệ thương tật… lên đến cả trăm vụ việc mỗi tháng.

Anh Lê Văn Hạ - Trưởng phòng Bổ trợ tư pháp - Sở Tư pháp cho biết: “So với các tỉnh khác trong khu vực, thì Bình Thuận có số lượng giám định viên nhiều gấp đôi, tuy nhiên chưa đảm bảo chất lượng so với yêu cầu đặt ra. Có nhiều giám định viên tư pháp đã nghỉ hưu hoặc thôi việc (khoảng 20 người) nhưng chưa làm thủ tục miễn nhiệm hoặc chuyển công tác nên không thực hiện giám định tư pháp khi được trưng cầu”. Mỗi năm, lực lượng làm công tác GĐTP của tỉnh thực hiện khoảng 1.400 vụ việc thì có trên 800 vụ về pháp y, khoảng 400 vụ về kỹ thuật hình sự... Ở một số khâu, chất lượng công tác GĐTP vẫn chưa đáp ứng yêu cầu của thực tiễn cuộc sống như trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, xây dựng, pháp y tâm thần, ma túy, đất đai…

Có thể thấy, khối lượng công việc giám định lớn nhưng hiện nay lĩnh vực này còn nhiều khoảng trống. Trong buổi làm việc giữa Thường trực Tỉnh ủy với Sở Tư pháp mới đây, đại điện Tòa án tỉnh cũng nêu lên một thực trạng, hiện nay có rất nhiều vụ án quá hạn, tạm đình chỉ vì phải chờ giám định. Nhiều vụ việc phải chờ giám định nhiều lần, nhiều cấp hoặc giám định lại. Thậm chí có những vụ việc, 2 giám định viên giám định cho ra 2 kết quả khác nhau, dẫn đến vụ án kéo dài, nhiều người tẩu tán tài sản gây khó khăn cho công tác thi hành án, xét xử.

 Những hạn chế trong công tác GĐTP nêu trên ảnh hưởng trực tiếp đến công tác cải cách cách tư pháp và giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh. Do vậy, tại cuộc họp, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Hùng cũng thẳng thắn nhìn nhận công tác GĐTP của tỉnh còn yếu kém, lực lượng giám định viên của tỉnh còn yếu về chuyên môn nghiệp vụ. Vì vậy, ngành chức năng của tỉnh nên chủ động đánh giá lĩnh vực đang quản lý để kịp thời tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh xem xét. Đồng thời, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ này. Theo thông tin từ Sở Tư pháp, cuối năm 2017, sở sẽ ban hành quy chế phối hợp giữa các sở, ban ngành, trong đó Công an tỉnh và Sở Y tế cũng thống nhất ban hành quy chế phối hợp riêng để đẩy nhanh công tác giám định, đặc biệt đối với những vụ việc cấp bách.         

M.Vân



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Khoảng trống trong công tác giám định tư pháp