Theo dõi trên

Lộ diện người đứng sau “ken gốc” hàng chục cây rừng ở Đông Giang

22/10/2018, 08:44

 BT- Những ngày gần, đây dư luận tại xã vùng cao Đông Giang (Hàm Thuận Bắc) hết sức bức xúc trước việc hàng chục cây gỗ của Nhà nước bị ken gốc đang chết dần, chết mòn...

                       
Cây rừng có đường kính hơn một người ôm bị    ken gốc chết dần.

Theo phản ánh của người dân, giữa tháng 10/2018, chúng tôi có mặt tại khu vực rừng thuộc xã Đông Giang, sát đường nhựa ĐT 714 đoạn giáp ranh với xã La Dạ, và không khỏi xót xa khi chứng kiến cây rừng đang xanh tốt, dần héo úa chết, bởi sự “xuống tay” của con người. Những cây sao, bằng lăng, dầu… có đường kính từ 15 - 50 cm, có tuổi thọ hàng chục năm, đều bị cạo gọt trọc hết lớp vỏ bên ngoài, nhằm mục đích cho cây chết. Theo những người dân nơi đây, vụ tàn sát cây rừng này có chủ mưu và mục đích để lấy đất canh tác. Qua thống kê, tổng số cây rừng bị ken gốc là 49 cây, trữ lượng gỗ lên đến 54 m3 (tương đương 35 m3 gỗ tròn). Theo người dân địa phương, thực hiện hành vi hủy hoại cây là một người dân ngụ tại xã Đông Giang. Lãnh đạo xã Đông Giang cho biết, vụ việc cũng gây ra bức xúc cho địa phương, do lúc đầu chưa xác định được đối tượng gây ra vụ việc. Xã đã báo vụ việc về huyện và Hạt Kiểm lâm Hàm Thuận Bắc đã đến hiện trường thống kê thiệt hại.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Lập - Hạt trưởng Kiểm lâm huyện Hàm Thuận Bắc cho biết: Ngay sau khi nhận tin báo của kiểm lâm địa bàn, tôi trực tiếp đến hiện trường kiểm tra. Về nguồn gốc, đất này đã được huyện quy hoạch trồng cây lâu năm từ lâu và đã đưa ra khỏi ba loại rừng từ năm 2000. Đến 2005, bà Trác Thị Mỹ (người chủ mưu “ken” cây), được cấp quyền sử dụng đất thửa nằm phía bên trong, không phải miếng ngoài mặt đường có cây bị “ken” thuộc Nhà nước quản lý. Đến năm 2015, UBND huyện cho ông Cao Văn Giáo, người dân tộc ở địa phương thuê 3 ha làm mô hình nông lâm kết hợp. Đến năm 2017, khi ông Giáo tác động làm ranh, thì bà Mỹ tranh chấp cho rằng đất của mình. Qua đo đạc, Phòng Tài nguyên Môi trường huyện Hàm Thuận Bắc xác định có chồng lấn giữa 2 bên, tuy nhiên phần chồng lấn chỉ có khoảng 700 m2 là của bà Mỹ. Thế nhưng, bà Mỹ sau đó đã cho người rào lại hết phần đất của Nhà nước quản lý, nhưng không bị xử lý. Đến cuối tháng 8/2018, bà Mỹ công khai thuê người ở địa phương đi “ken” cây thuộc quyền quản lý của Nhà nước. Khi kiểm lâm địa bàn phát hiện đã cấp báo và Hạt Kiểm lâm đã đến kiểm tra, đồng thời có báo cáo UBND huyện.

“Về hành vi ken cây, do kiểm lâm không có chế tài xử lý, nên chúng tôi đã báo cáo UBND huyện, đề nghị UBND huyện chỉ đạo Công an, Viện Kiểm sát nhân dân huyện và Phòng Tài chính vào cuộc, để xác định thiệt hại và xử lý hành vi của bà Mỹ. Bước đầu, qua làm việc với chúng tôi, bà Mỹ và người được thuê công ken cây, đã thừa nhận mình trực tiếp thuê người ken cây với mục đích làm cho cây chết lấy đất”, ông Lập cho biết thêm.

Dư luận trong tỉnh lâu nay bức xúc với nhiều vụ phá rừng, lấn chiếm đất đai. Thống kê, từ năm 2015 đến nay có trên 20 vụ phá rừng bị “chìm xuồng” và nguyên nhân là do chưa xác định người phá rừng. Gần đây nhất bị “chìm” là vụ phá rừng ở khu vực Kumagai gần thủy điện Hàm Thuận - Đa Mi (xã Đa Mi, huyện Hàm Thuận Bắc), mà chúng tôi đã phản ánh hồi tháng 5/2018, cũng vì chưa xác định đối tượng. Lần này, đối tượng thực hiện, hành vi đã được xác định và thừa nhận, liệu rằng có “chìm” như những vụ trên? 

Phúc Sinh – Trần Huỳnh



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
“Tai mắt” đặc biệt ở khu dân cư
Vấn đề giữ gìn vệ sinh môi trường, nhất là môi trường biển là nhiệm vụ cấp thiết ở Hàm Tiến - một phường trọng điểm về du lịch của TP. Phan Thiết. Không chỉ ra quân dọn rác, việc dọn rác từ trong ý thức người dân, doanh nghiệp cùng chung tay mới giải quyết được vấn đề “dọn rác từ gốc”…
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Lộ diện người đứng sau “ken gốc” hàng chục cây rừng ở Đông Giang