Theo dõi trên

Mặt trái của việc công khai văn bản trên mạng

13/09/2021, 09:08 - Lượt đọc: 12

BT- Chia sẻ các văn bản liên quan đến cuộc sống người dân về công tác phòng chống Covid-19, các chế độ chính sách... trên mạng xã hội thì cũng nên. Tuy nhiên, việc chia sẻ cần cân nhắc để không ảnh hưởng đến ai, nhất là vấn đề chế độ chính sách.

“Khóc dở mếu dở”

Không thể phủ nhận tiện ích của mạng xã hội (MXH), cung cấp tin tức, kiến thức về tất cả mọi lĩnh vực đời sống xã hội cho người dùng. Chỉ với một vài thao tác đơn giản, người dùng sẽ nhận được những thông tin cập nhật kịp thời về lĩnh vực, vấn đề mà mình quan tâm theo dõi. Qua đó giúp họ có thể nắm bắt được các xu thế của đời sống phục vụ cho công việc và cuộc sống của mình. Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực còn tồn tại không ít những yếu tố tiêu cực, ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường xã hội, an ninh trật tự, thậm chí ảnh hưởng cả chính quyền địa phương. Điển hình vài tình huống “khóc dở, mếu dở” xảy ra gần đây, khi UBND tỉnh vừa có văn bản triển khai gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng của Chính phủ hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn vì dịch Covid-19 thì người dân đã gọi điện đến UBND các xã, phường đề nghị được nhận. Chủ tịch UBND phường Thanh Hải - Nguyễn Thị Minh Ngọc chia sẻ: “Có nhiều văn bản xã, phường chưa biết, nhưng người dân đã biết và gọi điện hỏi, chúng tôi không biết trả lời thế nào với họ. Như vấn đề gói cứu trợ 26.000 tỷ đồng, chúng tôi còn đang loay hoay làm công tác chống dịch chưa nhận được văn bản chỉ đạo triển khai của thành phố cũng như của UBND tỉnh, đã có người dân gọi điện hỏi. Trả lời chưa nhận được văn bản thì họ khẳng định tỉnh đã triển khai và cung cấp văn bản cho chúng tôi”. Chung cảnh ngộ, phường Đức Nghĩa bị người dân kéo đến UBND phường hỏi, làm xáo trộn công tác chống dịch của phường. Chủ tịch UBND phường Đức Nghĩa  - Đỗ Quốc Bảo cho biết: Tỉnh vừa triển khai quyết định hỗ trợ, người dân đã in, photo quyết định kèm theo giấy đăng ký hỗ trợ kéo đến phường nộp để nhận tiền. Trong khi thành phố vừa mới nhận văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh chưa kịp triển khai đến phường.

Ngoài ra còn nhiều văn bản khác của UBND tỉnh bị chia sẻ trên mạng xã hội thời gian qua. Nếu đó là những thông báo, văn bản, công văn nhắc nhở... liên quan đến tình hình dịch Covid-19 địa bàn tỉnh, cần công khai để người dân biết thì rất phù hợp. Cán bộ, công chức, viên chức cần nắm rõ quy định, không chia sẻ những văn bản mang tính nội bộ lên mạng xã hội.

 Cần hiểu trước khi chia sẻ

Một chủ trương lớn của cấp có thẩm quyền được triển khai bằng văn bản thì phải có thời gian để cụ thể hóa cho phù hợp với thực tế. Nên khi người dân nhận được văn bản mới, nhất là về chế độ chính sách của UBND các cấp, cần biết đây cũng là lúc các cấp, ngành đang bắt đầu triển khai. Cấp tỉnh triển khai  xuống huyện, thị, rồi cấp này lên kế hoạch triển khai đến xã, phường, thông báo cho người dân biết để làm thủ tục, hướng dẫn, giải quyết.

Việc người dân biết trước các văn bản để nắm chủ trương cũng tốt, nhưng cần hiểu về quy trình triển khai, không phải cứ có văn bản là được giải quyết ngay. Qua tìm hiểu, phần lớn các văn bản được công khai từ chính các group của các cơ quan, tổ chức, ngay cả chi bộ, khu phố... Thành viên trong group chia sẻ cho người thân, bạn bè rồi cứ vậy chia sẻ cho nhau qua mạng xã hội. Những văn bản như quyết định, công văn, báo cáo... cấp tỉnh chỉ nên lưu hành nội bộ, hoặc chia sẻ cũng như cung cấp đúng nơi, đúng đối tượng. Nếu công khai thì người chia sẻ phải có trách nhiệm giải thích rõ cho người được nhận hiểu để không ảnh hưởng đến ai và tránh rủi ro xảy ra.

Lê Ninh



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mặt trái của việc công khai văn bản trên mạng