Theo dõi trên

Ngăn chặn khai thác cát lậu: Có giải pháp nhưng khó khăn trong thực thi  

13/07/2017, 08:55

BT- Thời gian qua, trên khắp các địa bàn của tỉnh liên tục phát hiện những vụ khai thác khoáng sản trái phép. Trong đó các huyện Hàm Thuận Bắc, Hàm Tân, Tánh Linh, Hàm Thuận Nam là những địa phương thường xảy ra, sau đó lan khắp các địa phương khác trong toàn tỉnh. Sau khi báo chí phản ánh những vụ khai thác cát lậu, UBND tỉnh đều có văn bản chỉ đạo ngành chức năng và chính quyền địa phương kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm. Tuy nhiên, việc xử lý dường như chưa đủ mạnh, nên nạn “cát tặc” vẫn cứ tiếp diễn, chưa có hồi kết.

                
Một điểm khai thác cát lậu ở hồ Biển Lạc.

Thực trạng phức tạp

Theo con số thống kê cho thấy, năm 2016 toàn tỉnh có 173 vụ khai thác cát trái phép, xử phạt vi phạm hơn 960 triệu đồng. Từ đầu năm 2017 đến nay lại có tới 148 vụ, xử phạt hơn 1 tỷ 165 triệu đồng. Riêng số vụ do Đội liên ngành của tỉnh phát hiện, xử lý (năm 2016 phát hiện 15 vụ, xử phạt 190 triệu đồng và từ đầu năm đến nay xử lý 10 vụ, phạt 265 triệu đồng, tịch thu 1 xe múc và 3 máy hút cát). Hàm Thuận Bắc là địa phương có số vụ khai thác cát trái phép nhiều nhất: năm 2016 có 67 vụ, xử phạt 151.700.000 đồng, tạm giữ 13 máy hút cát; nhưng từ đầu năm 2017 cấp xã xử phạt 62 vụ/ 84.900.000 đồng, UBND huyện xử phạt 4 vụ/106.000.000 đồng.

Gần đây nhất trong tháng 6, chỉ trong 1 ngày ở huyện Hàm Thuận Nam có tới 2 vụ khai thác cát trái phép bị đoàn kiểm tra liên ngành bắt quả tang và huyện Hàm Thuận Bắc cũng có 2 trường hợp tương tự. Ngoài ra, khu vực hồ Biển Lạc – nơi giáp ranh giữa hai huyện Tánh Linh và Đức Linh vẫn còn xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép. Ngày 28/6, đoàn kiểm tra liên ngành của huyện Đức Linh đã kiểm tra, lập biên bản xử lý 2 đối tượng khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn xã Vũ Hòa, khu vực khai thác trái phép là hồ Biển Lạc, giáp ranh với xã Gia An. Điều đáng nói là hiện tại giấy phép khai thác, tận thu cát ở hồ Biển Lạc đã hết hạn ngày 31/5, nghĩa là ở thời điểm này mọi hoạt động khai thác, vận chuyển cát trên khu vực này đều trái phép. Mới đây nhất là tình trạng khai thác cát trái phép ở khu vực động cát Giếng Sen diễn ra liên tục, khiến địa hình khu vực bị xáo trộn, thay đổi. Động cát Giếng Sen là một trong những di chỉ khảo cổ thuộc nền văn hóa Sa Huỳnh ở Bình Thuận tại thôn 2, xã Hồng Sơn, huyện Hàm Thuận Bắc. Cách di chỉ khảo cổ học Động Bà Hòe 5km về hướng Nam. Đây là nơi đã thu được nhiều hiện vật có giá trị lịch sử văn hóa thuộc nền văn hóa Sa Huỳnh (cách 2.500 - 3.000 năm) như: hũ gốm, mộ chum, rìu đồng, vòng đồng, đồ trang sức…Tình trạng khai thác cát trái phép đã làm cho di chỉ khảo cổ bị xâm hại một cách nghiêm trọng.

 Nguyên nhân dẫn đến “cát tặc” tràn lan ?

Thực tế cho thấy nhu cầu nguồn khoáng sản thông thường làm vật liệu xây dựng ở tất cả các địa phương rất cao, trong khi việc cấp phép khai thác vẫn còn nhiều bất cập. Thời gian, thủ tục và chi phí để xin cấp phép khai thác khoáng sản thông thường vẫn phải theo Luật Khoáng sản. Một hồ sơ cấp giấy phép khai thác khoáng sản bao gồm nhiều giấy tờ, như: đơn đề nghị cấp giấy phép khai thác khoáng sản; bản đồ khu vực khai thác khoáng sản, quyết định phê duyệt trữ lượng khoáng sản, dự án đầu tư khai thác khoáng sản kèm theo quyết định phê duyệt và bản sao giấy chứng nhận đầu tư; báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc bản cam kết bảo vệ môi trường, bản sao giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh… Nếu cá nhân, đơn vị có đầy đủ hồ sơ thì thời gian cấp giấy phép khai thác khoáng sản không phải tính bằng tháng mà phải tính bằng năm. Chính vì thế mà một số cá nhân, kể cả doanh nghiệp đều gặp khó khăn trong xin cấp quyền khai thác cát xây dựng. Sở Tài nguyên và Môi trường Bình Thuận cho biết, hiện tại toàn tỉnh chỉ có 18 giấy phép khai thác cát xây dựng, trong đó 6 giấy phép là cát bồi nền. Để hoàn tất thủ tục xin giấy phép khai thác cát xây dựng quy mô từ 50.000 - 60.000 m3, đơn vị xin cấp phép phải mất ít nhất 18 tháng để làm thủ tục với chi phí cấp quyền khai thác cùng các thủ tục khác vào khoảng 6 - 7 tỷ đồng cho thời gian 5 năm khai thác. Qua tìm hiểu cho thấy, nếu các doanh nghiệp được cấp quyền khai thác cát phải đóng các loại thuế, phí bảo vệ môi trường, cát khai thác được phải bán với giá 200.000 đồng/m3 mới có lãi. Trong khi đó, “cát tặc” không phải đóng các loại thuế, phí nên bán phá giá dưới 200.000 đồng/ m3 thu lãi rất cao. Chính vì lợi nhuận khủng đem lại từ hoạt động khai thác cát đã khiến “cát tặc” liều lĩnh, lộng hành.

Một nguyên nhân nữa cũng khá quan trọng là công tác quản lý của UBND cấp xã, huyện sở tại, nơi có hoạt động khai thác khoáng sản trái phép còn hạn chế, thiếu kịp thời, đặc biệt quản lý về đất đai, quản lý tài nguyên khoáng sản, bảo vệ môi trường thậm chí có nơi còn buông lỏng. Mặt khác đội ngũ cán bộ chuyên trách ở cấp huyện, đặc biệt là cấp xã còn thiếu và yếu; nhận thức của các tổ chức, cá nhân về các quy định của pháp luật trong quản lý hoạt động khoáng sản còn hạn chế. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng khai thác cát trái phép diễn ra ở hầu khắp các địa phương trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, thực tế vừa qua cũng cho thấy có những địa phương mạnh tay trong kiểm tra, xử lý “cát tặc”, song họ lại bị các đối tượng này chống đối bằng bạo lực theo kiểu giang hồ như đã từng xảy ra ở Tánh Linh, Hàm Thuận Nam…

Thêm một nguyên nhân nữa là việc xử lý chưa đủ mạnh nên “cát tặc” lờn thuốc. Thông thường các vụ khai thác cát trái phép ở tỉnh chỉ xử phạt vi phạm hành chính. Nếu muốn xử lý hình sự phải chứng minh mức độ vi phạm lớn, có dấu hiệu của tội phạm hình sự thì mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

 Các giải pháp chấn chỉnh

Đề cập đến những giải pháp tháo gỡ khó khăn để giải quyết nhu cầu khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường ở địa phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Nam cho biết: UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tập trung rà soát, hướng dẫn, đôn đốc chủ đầu tư các dự án khai thác khoáng sản vật liệu xây dựng thông thường đã được Thường trực Tỉnh ủy cho phép  và các mỏ doanh nghiệp đã trúng đấu giá sớm hoàn chỉnh hồ sơ, thủ tục theo quy định để đi vào khai thác; đơn vị nào không triển khai hoặc không đủ năng lực tài chính thực hiện quá thời gian quy định thì xem xét để tham mưu UBND tỉnh thu hồi giấy phép và đưa ra đấu giá theo quy định. Đối với 15 mỏ vật liệu xây dựng thông thường đã được UBND tỉnh công nhận kết quả trúng đấu giá (chỉ mới có 2 mỏ được cấp giấy phép khai thác), phải tiếp tục đôn đốc để hoàn thành đầy đủ hồ sơ thủ tục đưa vào khai thác ít nhất 70% số mỏ phục vụ nhu cầu thị trường. Các mỏ khoáng sản vật liệu xây dựng thông thường được cấp phép thăm dò, khai thác đã lâu nhưng chưa hoạt động khai thác hoặc chưa hoàn chỉnh thủ tục để đi vào khai thác: Giao Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các sở, ngành liên quan và địa phương định kỳ hàng quý rà soát để chấn chỉnh hoặc tham mưu UBND tỉnh chấn chỉnh, xử lý kịp thời, đưa các mỏ đã cấp phép vào hoạt động ổn định; đơn vị nào chậm thực hiện thủ tục mà không có lý do chính đáng, không chấp hành các quy định pháp luật, không đảm bảo về môi trường thì kiên quyết thu hồi. Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các sở, ngành và địa phương liên quan đẩy nhanh tiến độ triển khai đấu giá quyền khai thác khoáng sản vật liệu xây dựng thông thường theo kế hoạch năm 2017 đã được UBND tỉnh phê duyệt, trong đó tập trung khoáng sản cát xây dựng và vật liệu san lấp, cát bồi nền. Các quy định về đấu giá đã được điều chỉnh tại Nghị định số 158/2016/NĐ-CP ngày 29/11/ 2016 của Chính phủ thì thực hiện theo đúng nghị định mới ban hành, không chờ điều chỉnh quy chế đấu giá của tỉnh. Trong quá trình thực hiện điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 của tỉnh và lập kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện phải gắn với quy hoạch khoáng sản và nhu cầu cấp giấy phép hoạt động khoáng sản từng năm trên địa bàn từng huyện, đảm bảo đủ điều kiện để chủ dự án lập hồ sơ thuê đất theo quy định.  

Tiếp tục đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường trong thời gian chờ sửa đổi Luật Khoáng sản năm 2010, có xem xét, hướng dẫn đơn giản thủ tục đối với loại khoáng sản vật liệu xây dựng thông thường; hướng dẫn quy định đối với trường hợp xin tận dụng khoáng sản dôi dư, vận chuyển phục vụ nhu cầu xây dựng, san lấp mặt bằng tại địa phương trong quá trình cải tạo đất nông nghiệp, đào ao, nạo vét kênh mương, ao, hồ, sông, suối.

Ngoài ra, UBND tỉnh cũng đã có Công văn số 2330/ UBND-KT yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các phòng, ban chức năng phối hợp UBND cấp xã tăng cường công tác quản lý nhà nước về khoáng sản ở địa phương; tăng cường thanh tra, kiểm tra việc khai thác khoáng sản vật liệu xây dựng thông thường; nâng cao nhận thức, xác định rõ trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền cơ sở trong việc ngăn chặn tình trạng khai thác khoáng sản trái phép. Nơi nào để xảy ra vi phạm kéo dài, gây bức xúc trong dư luận thì kiên quyết xử lý nghiêm trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền quản lý địa bàn; Chủ tịch UBND cấp huyện phải kiểm điểm trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh. Trường hợp phát hiện cán bộ, đảng viên có hành vi “bảo kê”, tiếp tay, bao che, dung túng thì tùy tính chất, mức độ vi phạm phải xử lý nghiêm minh theo quy định của Đảng và quy định của pháp luật. Yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường chủ động, tăng cường nắm bắt thông tin dư luận, báo chí để phối hợp với Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường - Công an tỉnh và chính quyền địa phương kiểm tra, ngăn chặn, xử lý các điểm khai thác khoáng sản trái phép. Đối với các điểm, các đối tượng khai thác khoáng sản trái phép đã phát hiện, xử lý thì phải có giải pháp tiếp tục theo dõi, không để tái diễn.

Mấu chốt vấn đề là cần sớm có giải pháp để tìm nguyên liệu thay thế cho nguồn tài nguyên cát đang báo động về sự cạn kiệt. Điều này đồng thời giải quyết được cả tình trạng khai thác cát trái phép như hiện nay và những hệ quả xấu do khai thác cát lậu tràn lan.

Quang Tuấn



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Tập trung những điểm nóng để giải quyết thiếu nước sạch cho dân
BTO-Chiều 23/4, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Hải chủ trì buổi họp nghe báo cáo đề xuất giải quyết việc thiếu nước sinh hoạt trên địa bàn tỉnh. Tham dự cuộc họp tại đầu cầu UBND tỉnh có lãnh đạo các sở, ngành liên quan và được kết nối trực tuyến với các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ngăn chặn khai thác cát lậu: Có giải pháp nhưng khó khăn trong thực thi