Theo dõi trên

Ngăn chặn tình trạng khai thác khoáng sản trái phép

02/05/2017, 08:37 - Lượt đọc: 53

Bài 2: Bất lực hay buông lỏng quản lý?

BT- Đối với hành vi khai thác cát lậu, các địa phương và ngành chức năng đã xử phạt hàng trăm trường hợp, có trường hợp xử phạt nhiều lần, nhưng vấn đề đặt ra tại sao “cát tặc” vẫn lộng hành?

                
Hoạt động khai thác, vận chuyển cát trái    phép trong phần đất của ông Hồ Ngọc Thạch.

Xã, huyện “kêu” khó

Như phản ánh trong bài trước, việc ông Hồ Ngọc Thạch tổ chức khai thác khoáng sản trái phép, quy mô lớn một cách công khai tại thôn Lập Phước, xã Tân Lập, để làm sáng tỏ vấn đề và có có cái nhìn đa chiều, chúng tôi đến UBND xã Tân Lập tìm gặp lãnh đạo xã. Ông Trần Nam - Phó Chủ tịch UBND xã Tân Lập thừa nhận có việc ông Hồ Ngọc Thạch tổ chức khai thác khoáng sản trái phép và tình trạng này đã diễn ra gần chục năm nay. Phó Chủ tịch UBND xã Tân Lập giải thích: “Thời gian qua, địa phương thường xuyên phối hợp các ban, ngành của huyện kiểm tra, xử lý; hàng tháng xã đều báo cáo lên cấp trên về tình hình khai thác khoáng sản. Đối với trường hợp Công ty Như Ý, xã liên tục phối hợp với Phòng Tài nguyên - Môi trường, Công an huyện Hàm Thuận Nam bắt và xử phạt nhiều lần, nhưng đối tượng vẫn tổ chức khai thác cát lén lút. Quá trình thực hiện, xã gặp không ít khó khăn do thiếu nhân lực, trong khi đó theo quy định hiện hành để xử lý vi phạm phải bắt quả tang, nhưng đối tượng rất manh động, khi khai thác “lụi” đều bố trí người canh gác (kể cả ban đêm). Khi phát hiện có đoàn kiểm tra, đối tượng sẽ dừng khai thác nên địa phương chỉ lập biên bản ghi nhận hiện trường, yêu cầu ký cam kết không tái phạm… dẫn tới việc xử lý rất khó”.

Liên quan vụ việc, Phòng Tài nguyên - Môi trường đã cung cấp hàng loạt các quyết định, kế hoạch kiểm tra, qua đó mỗi năm đều xử lý hàng chục trường hợp về hành vi khai thác, vận chuyển khoáng sản trái phép. Riêng đối với trường hợp của ông Hồ Ngọc Thạch, Thanh tra Sở Tài nguyên – Môi trường, Chủ tịch UBND huyện cũng ban hành các quyết định xử phạt theo thẩm quyền, ngoài phạt tiền, huyện còn áp dụng biện pháp xử phạt bổ sung như: tịch thu các tang vật, phương tiện liên quan. Dù vậy, vấn đề đặt ra: Chính quyền bất lực hay buông lỏng quản lý khi một mỏ khai thác cát lậu lộ thiên nằm cạnh quốc lộ 1A, cách UBND xã chỉ khoảng 1 km nhưng vẫn tồn tại gần 10 năm nay?

Ông Nguyễn Văn Hiến - Phó Chủ tịch UBND huyện Hàm Thuận Nam cho biết: Trước mắt, huyện sẽ chủ động và phối hợp với Tổ kiểm tra liên ngành của tỉnh tăng cường kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm trên lĩnh vực khoáng sản, trong đó sẽ lưu ý đến trường hợp của ông Hồ Ngọc Thạch ở Tân Lập.  

Phải sửa từ luật

Trên thực tế, tình trạng khai thác cát trái phép không chỉ diễn ra ở Hàm Thuận Nam mà còn diễn ra ở các địa phương có trữ lượng khoáng sản lớn như: Hàm Thuận Bắc, Hàm Tân, Đức Linh, Bắc Bình… và đây cũng là một vấn đề “nóng” trên cả nước. Để đẩy lùi “cát tặc”, Chính phủ còn mở một đợt cao điểm ngăn chặn trên cả nước (từ 15/3  - 1/6), qua đó cho thấy tính chất, mức độ phức tạp của vấn đề, để ngăn chặn triệt để hành vi trên cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.

Tại Bình Thuận, những năm gần đây, Tỉnh ủy, UBND tỉnh cũng đã quan tâm chỉ đạo cấp ủy Đảng và UBND các cấp trong việc tăng cường quản lý tài nguyên khoáng sản. Dù vậy công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực này hiện đang bộc lộ nhiều vấn đề cần quan tâm. Trước hết phải nói đến Luật Khoáng sản và cần thiết sớm sửa đổi những bất cập, hạn chế luật này. Bởi theo quy định hiện hành, các thủ tục cấp phép khai thác đối với khoáng sản vật liệu xây dựng thông thường hiện nay gần giống như khoáng sản quý hiếm (vàng, bạc, titan, than đá…) là không phù hợp, vì khoáng sản thông thường có giá trị thấp hơn nhiều lần, phương pháp khai thác lộ thiên và thiết bị khai thác đơn giản. Chính vì thủ tục rườm rà và mất rất nhiều thời gian dẫn đến việc doanh nghiệp ngại lập thủ tục hồ sơ xin khai thác. Trong khi đó, nhu cầu cát xây dựng, đất, cát bồi nền phục vụ làm nhà ở, xây dựng cơ bản, xây dựng nông thôn mới là rất lớn, lợi nhuận từ khai thác cát trái phép rất cao là những nguyên nhân khiến tình trạng khai thác cát trái phép diễn ra ồ ạt.

Để ngăn chặn và hạn chế khai thác khoáng sản trái phép, hiện nay cần lập các chốt kiểm tra tại “điểm nóng”, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm, nhất là hành vi chống người thi hành công vụ, tái phạm nhiều lần. Khi có đủ căn cứ cần phải xử lý hình sự để tăng tính răn đe, phòng ngừa chung,  như cách TP. Hà Nội và một số tỉnh đã làm. Mặt khác, có hình thức chấn chỉnh, xử lý trách nhiệm người đứng đầu nếu để xảy ra vi phạm kéo dài, bức xúc trong dư luận theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình và Quyết định số 41 ngày 8/9/2015 của UBND tỉnh. Có như vậy mới đảm bảo công bằng xã hội, tài nguyên khoáng sản không mất đi, ngân sách không bị thất thu, cảnh quan, môi trường sinh thái không bị phá vỡ.

    
    Liên quan   đến việc khai thác cát trái phép, Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Tài   nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Phòng Cảnh sát phòng chống   tội phạm về môi trường (Công an tỉnh), UBND huyện Hàm Thuận Nam, UBND xã   Tân Lập kiểm tra, xác định rõ thời gian Công ty TNHH Như Ý hoạt động   khai thác cát trái phép sau khi bị xử lý vào năm 2014. Làm rõ tình hình   hoàn phục môi trường của ông Hồ Ngọc Thạch; chính quyền địa phương xã,   huyện có nắm tình hình và kiểm tra, xử lý hành vi vi phạm không? Đồng   thời, xem xét trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan; có biện   pháp xử lý nghiêm, dứt điểm vụ việc, không để tái diễn và tiến hành hoàn   phục môi trường theo quy định. Kết quả báo cáo UBND tỉnh trước ngày   15/5/2017.

Phóng sự điều tra: Tấn Thành



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ngăn chặn tình trạng khai thác khoáng sản trái phép