Theo dõi trên

Những vụ trọng án trong gia đình:

28/11/2017, 08:41

Bài 1: Nỗi đau người ở lại

BT- Chỉ vì một phút nóng giận không kiềm chế, nhiều người đã đẩy gia đình mình vào bi kịch, người đầu bạc phải tiễn kẻ “đầu xanh”, để rồi sau đó là chuỗi ngày người ở lại phải sống trong thảm cảnh con mất cha, mẹ mất con, em mất anh và những lo toan khó nhọc chồng chất…

                
Bà Chế Thị Ốm thắp nén nhang cho đứa con    trai.

“Giá như…”

Ngôi nhà bà Chế Thị Ốm nằm lọt thỏm trong con hẻm ngoằn ngoèo ở khu phố 15, phường Mũi Né (TP. Phan Thiết). Tại ngôi nhà ấy, 2 tháng trước bà Ốm phải chứng kiến vụ án đau lòng giữa hai người con, khi người em đâm chết anh ruột chỉ vì… chiếc điện thoại. Tiếp tôi, bà Ốm vẫn còn bàng hoàng, không tin đó là sự thật, nước mắt bà cứ rưng rưng. Tôi hiểu. Hàng xóm nơi đây ai cũng hiểu, bởi đâu có nỗi đau nào lớn hơn nỗi đau người mẹ phải chứng kiến cảnh con mình dứt ruột đẻ ra cầm dao giết hại lẫn nhau để rồi người chết, đứa phải đối diện với vòng lao lý.

Lau vội dòng nước mắt đang lăn dài trên má, người phụ nữ tuổi ngoài 50 nghẹn ngào kể: Tui có 6 người con, 5 trai, 1 gái. Hậu (27 tuổi) là anh lớn, còn Hải là đứa thứ ba (17 tuổi). Cuộc sống khắc khổ, con đông nên 4 đứa con đầu phải nghỉ học từ sớm, nay chỉ còn con gái út 10 tuổi đang học tiểu học. Không được học hành đến nơi đến chốn, không nghề nghiệp ổn định, ai thuê gì làm nấy, có hôm đi phụ hồ, hôm đi bốc vác, có lúc phục vụ các quán ăn. “Tội nghiệp vợ con thằng Hậu. Nó chết rồi để lại vợ và 2 con nhỏ bơ vơ. Khi còn sống, nó đi làm kiếm được một - hai trăm ngàn đồng/ngày, nên cũng có chút tiền mua gạo, mua sữa lo cho vợ con và tôi cũng yên tâm. Sau khi thằng Hậu chết, vợ nó ôm con về phường Đức Long sống với ông bà ngoại, thỉnh thoảng mới ra đây thắp nhang mà tui cũng không có tiền mua cho cháu lon sữa. Tiền làm đám ma cho thằng Hậu đến nay tui vẫn còn nợ người ta. Giá như ngày đó anh em nó mỗi người nhường nhịn nhau một tí, thì gia đình tui đâu đau khổ như ngày hôm nay” - bà Ốm kể mà nước mắt lưng tròng.

 “Con dại, cái mang”

Những tưởng trường hợp nhà bà Ốm là tận cùng trong tấn bi kịch của sự nghiệt ngã, thì một gia đình tại thôn 6, xã Hàm Đức, huyện Hàm Thuận Bắc cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Tháng 12/2016, 2 người con của vợ chồng ông Nguyễn Liên (68 tuổi) và bà Kiều Thị Quỳnh (67 tuổi), xảy ra mâu thuẫn. Lúc đó, một người bạn của Thanh (người con lớn) chạy xe máy đến nhà nẹt pô, gây ồn ào nên Minh nhắc nhở. Cho rằng em nhắc nhở như vậy là hỗn, vì thế Thanh đòi đánh và có hành động cầm đá định ném về phía Minh. Sau đó, Minh vào nhà lấy dao thủ sẵn trong người, khi Thanh nhào tới đánh thì Minh dùng dao đâm một nhát vào bụng khiến anh mình tử vong trên đường đến bệnh viện. Tại cơ quan công an, Minh ăn năn, hối hận nhưng tất cả đã muộn.

Gần một năm trôi qua nhưng hậu quả của vụ án mạng đau lòng nơi vùng quê nghèo ấy vẫn còn đó. Thanh có 3 người con, còn Minh có đứa con trai mới hơn 1 tuổi. Án mạng xảy ra, vợ Thanh một mình bỏ đi nơi khác làm ăn đến hai, ba tháng mới về thăm con. Đứa con trai út (11 tuổi) của Thanh đến nay vẫn nhất quyết không chịu đi học. Thanh chết, Minh vào tù.  Cha mẹ Minh đã cạn nước mắt vì con, nhưng gánh nặng cơm - áo - gạo - tiền lại tiếp tục đè lên đôi vai gầy của đôi vợ chồng già. Trong khi đó, gia đình ông Liên thuộc diện cận nghèo, mấy chục năm làm lụng vất vả nhưng cái nghèo, cái khổ vẫn không buông bỏ. Căn nhà tôn vách đất chừng 60 m2 qua thời gian nay đã nứt nẻ, xiêu vẹo phải chắp vá khắp nơi, bị gió lùa tứ phía nhưng vẫn không có tiền tu sửa. Chỗ ngủ của vợ chồng ông Liên và các cháu phải lấy áo mưa che chắn để tránh dột. Cũng bởi thế mà ở tuổi xế chiều, lẽ ra vợ chồng ông Liên đã được nghỉ ngơi, quây quần bên con cháu, nay phải lặn lội chạy ăn từng bữa. “Giờ đây, cứ đến 3 giờ sáng, khi mọi người còn đang ngon giấc thì ổng phải lọ mọ dậy đi lấy đồ ăn sáng bán kiếm tiền trang trải cuộc sống. Có hôm bán ế, ổng phải đi xa hai, ba chục cây số đến 2 giờ chiều mới quay về. Con thằng Minh cũng một tay vợ chồng tôi chăm sóc, chứ vợ nó đi hốt trấu thuê cho người ta được 35.000 đồng/giờ, nhưng đâu phải ngày nào cũng có trấu để hốt. “Con dại, cái mang” - bà Quỳnh tâm sự trong ánh mắt buồn rười rượi…

Lê Phúc



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Sức lan tỏa từ phong trào thi đua “Dân vận khéo”
Thực hiện lời dạy của Bác: “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các cấp đã có nhiều đổi mới trong công tác dân vận ở cơ sở. Từ đó, xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo trên các lĩnh vực, góp phần quan trọng vào việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị của tỉnh.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Những vụ trọng án trong gia đình: