Theo dõi trên

Nỗ lực tháo gỡ khó khăn trong thi hành án dân sự

23/02/2017, 08:57

BT - Hoạt động thi hành án dân sự (THADS) có vai trò quan trọng trong hoạt động tư pháp, làm cho bản án, quyết định của tòa án được chấp hành, góp phần bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân và Nhà nước. Tuy nhiên, vì liên quan đến vấn đề tài sản, tiền bạc, kê biên, bán đấu giá tài sản… nên công tác THADS gặp rất nhiều khó khăn, phức tạp.

Những năm qua, Cục THADS tỉnh có số lượng án ngày càng tăng, nhất là án kinh doanh thương mại có giá trị tài sản phải thi hành lớn. Nhiều vụ việc không có điều kiện thi hành, bán đấu giá tài sản không có người mua nên công tác gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, năm 2016, THADS tỉnh đã đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Đơn vị đã thụ lý tổng số 17.575 việc, trong đó 14.762 việc có điều kiện giải quyết; đã giải quyết xong 10.819 việc (đạt 73,29%, vượt 1,29% so chỉ tiêu Quốc hội giao). Tổng thụ lý về tiền là hơn 1.354 tỷ đồng, hơn 951 tỷ đồng có điều kiện giải quyết và hơn 340 tỷ đồng đã giải quyết xong (đạt 35,79%, vượt 3,79% so Quốc hội giao). Sang những tháng đầu năm 2017, Cục đã thụ lý 9.795 việc, giải quyết xong 2.220 việc/2.389 việc có điều kiện thi hành với số tiền hơn 44 tỷ đồng trên tổng số hơn 904 tỷ đồng có điều kiện thi hành. Có thể thấy, khối lượng công việc nhiều, quá trình làm nhiệm vụ, chấp hành viên và cán bộ THA luôn phải thường xuyên đối mặt với sự chống đối quyết liệt, thiếu sự hợp tác của người phải THA; đồng thời luôn phải chịu sức ép từ phía người được THA…

Đặc biệt, công tác giải quyết các vụ việc liên quan đến tín dụng ngân hàng và THA đối với phần trách nhiệm dân sự của người phải THA đang chấp hành án tại các trại giam, trại tạm giam được xem là khó khăn nhất. Ông Vũ Đức Hải – Cục trưởng Cục THADS tỉnh chia sẻ: “Sở dĩ hai lĩnh vực này được xem là phức tạp là do một số trường hợp các ngân hàng nhận thế chấp tài sản có giá trị thấp hơn nhiều so với số tiền phải THA. Riêng các vụ việc phải THA đối với các đối tượng đang chấp hành án tại trại giam, trại tạm giam, thông thường các đối tượng phạm tội hình sự này không có tài sản để bồi thường thiệt hại về mặt dân sự, hoặc khi chấp hành án tù xong, họ rời khỏi địa phương, nên khó tổ chức THADS. Một trong những khó khăn đối với công tác THA là khi tài sản bị kê biên, các trung tâm bán đấu giá, định giá quá cao, nên dù các chấp hành viên đã hạ giá nhiều lần, nhưng vẫn không bán được”. Ngoài ra, ông Hải cho biết thêm, Luật THADS sửa đổi, bổ sung năm 2014 (có hiệu lực thi hành từ tháng 7/2015) đã “trao” quá nhiều “quyền” cho người phải THA. Đơn cử người phải THA có thêm các quyền như: Tự nguyện thi hành án, thỏa thuận với người thi hành án; yêu cầu tòa án giải thích những điểm chưa rõ, đính chính lỗi chính tả hoặc số liệu sai sót; khởi kiện dân sự để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình trong trường hợp có tranh chấp về tài sản liên quan đến THA; yêu cầu thay đổi chấp hành viên... Chính điều này đã khiến một số người cố tình lợi dụng kẽ hở của pháp luật để trốn tránh, trì hoãn, khiếu nại việc THA làm cho thời gian tổ chức THA bị kéo dài.

Để tháo gỡ những khó khăn trên, theo ông Vũ Đức Hải, sự công tâm của mỗi cán bộ THA và chấp hành viên chính là “chìa khóa” để giải quyết một phần những vướng mắc đó. Ngoài ra, toàn ngành phải đẩy mạnh số vụ thi hành án, đặc biệt là các vụ việc liên quan đến tín dụng, ngân hàng; định kỳ kiểm tra tiến độ thi hành án, trực tiếp nghe báo cáo án, điều chuyển án giữa các chấp hành viên tại Cụcthi hành án; xây dựng tiêu chí rút án từ các Chi cục Thi hành án dân sự trong tỉnh lên Cục Thi hành án để tổ chức thi hành. Ngoài ra, phải nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý, nhất là phát huy vai trò người đứng đầu… Bên cạnh đó, các ngành trong khối nội chính, các cấp chính quyền địa phương cũng cần có sự vào cuộc, phối hợp chặt chẽ, kịp thời để giải quyết những vướng mắc trong quá trình THA.

 M.V



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nỗ lực tháo gỡ khó khăn trong thi hành án dân sự