Theo dõi trên

Nỗi đau đằng sau “cái chết trắng”!

22/05/2019, 08:26

BT - Nói đến ma túy, hẳn ai cũng biết hệ lụy của nó. Chỉ cần một chút ham vui, tò mò nếm thử, sẽ khó có đường lùi. Người nghiện thì luôn nghĩ  làm sao để thỏa mãn. Còn người thân thì lại đau đáu đi tìm lời giải - làm gì để thoát nghiện?

Chưa thể thống kê hết số gia đình có con em nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh, khi mà từ 499 người nghiện vào năm 2010, đến nay đã lên đến gần 3.000 người. Những hệ lụy mà ma túy mang lại không chỉ là bên ngoài xã hội, mà nó còn là nỗi đau xé lòng của các đấng sinh thành, là gánh nặng cho bao gia đình. Hai trường hợp chúng tôi phản ánh dưới đây là điển hình. 

Nước mắt bậc làm cha mẹ

Chúng tôi đến Công an phường Đức Nghĩa - TP. Phan Thiết vào một ngày đầu tháng 5, cũng là thời điểm đơn vị này đang đẩy mạnh công tác ngăn ngừa, phòng chống ma túy ở địa bàn trọng điểm. Đúng lúc, các cán bộ, chiến sĩ đơn vị đang đưa một đối tượng nghiện ma túy về trụ sở. Thanh niên này còn khá trẻ, cái tuổi tràn đầy sức sống và lòng nhiệt huyết, thế nhưng người thanh niên ấy với vẻ ngoài đô con, nhưng dường như thiếu đi sự mạnh mẽ. Qua tìm hiểu chúng tôi mới biết, đối tượng là Nguyễn Văn Tốt (24 tuổi, nhà ở khu phố 8, phường Đức Nghĩa). Tốt đã nhiều lần bị Công an phường bắt giữ về hành vi quậy phá gia đình vì “đói thuốc”, và lần này cũng tương tự khi không cho cha mẹ tổ chức đám giỗ người thân trong gia đình, vì không đáp ứng cho Tốt thỏa mãn cơn nghiện.

Nguyễn Văn Tốt bị đưa về công an phường sau khi quậy phá.

Để tìm hiểu về Tốt và gia đình, thông qua người dẫn đường đang làm trong Đội Dân phòng của phường, chúng tôi mới tìm được nhà, nằm sâu trong nhiều con hẻm ngoằn ngoèo. Lúc đến nơi, mọi người trong gia đình Tốt đang tất bật làm đồ cúng. Khi được giới thiệu là phóng viên, người phụ nữ trung niên, với nét mặt khắc khổ, mắt đỏ hoe vì vừa khóc xong, liền đứng dậy giới thiệu là mẹ của Tốt - bà Nguyễn Thị Rớt. Nét mặt đau khổ cùng ánh mắt mỏi mệt, nhưng qua các cử chỉ, bà dường như đang kỳ vọng điều gì đó ở tôi, khi bảo bằng mọi cách phải giúp gia đình đưa Tốt đi cai nghiện, chứ để ở nhà một ngày cũng không ổn. Bởi sáng nay, khi mọi người đang soạn đồ chuẩn bị làm cơm cúng, nhưng Tốt không cho, luôn miệng nói: Không cúng gì hết, dẹp đi và đập hết bát chén, cầm dao lùa mọi người trong nhà ra ngoài đường.

Quay về quá khứ, bà Rớt vẫn không quên tuổi thơ Tốt là đứa con ngoan hiền, chí thú làm ăn. Nhưng đến năm 19 tuổi, Tốt bị chúng bạn rủ rê dẫn đến nghiện ma túy và hiện đang thuộc đối tượng cai nghiện tại gia đình. Từ ngày nghiện cho đến nay, Tốt thường về nhà hành hung và không ít lần Tốt cầm dao kề cổ và phóng vào người cha mẹ và người thân. “Gia đình luôn sống trong sự hoảng sợ. Nhà có bao nhiều tài sản quý giá cứ đội nón ra đi. Bao nhiêu con dao phải cất giấu kỹ, không dám để ra ngoài vì sợ con lên cơn làm bậy”, bà Rớt kể thêm.

Ở khu phố 8, phường Đức Nghĩa hiện có 486 hộ, với hơn 2.000 nhân khẩu, trong đó có hơn 10 đối tượng nghiện. Ông Đỗ Văn Lai - Trưởng khu phố cho biết, phần lớn những người nghiện ma túy ở địa phương đều rất trẻ. Họ sử dụng ma túy đá, nên dễ gây ảo giác rất nguy hiểm cho cộng đồng. Đây cũng là mối đe dọa tiềm ẩn về an ninh trật tự đối với địa bàn khu dân cư. 

Gia đình ông Mạc Trạch, ngụ khu phố 7, phường Đức Nghĩa cũng có hoàn cảnh tương tự như bà Rớt.  Ông Trạch có 4 người con, tất cả đều ngoan hiền, riêng người con thứ ba 20 tuổi - Mạc Anh, làm cho gia đình ông đau khổ vì vướng vào ma túy. Ông Trạch buồn bã chia sẻ: Mạc Anh vướng vào “cái chết trắng” hơn một năm nay, nhưng gia đình không hề hay biết. Điều đau đớn hơn là người lôi kéo Anh vướng vào, không ai khác lại là con gái của người bác ruột từ Sài Gòn về Phan Thiết tạm trú. Khi ấy, gia đình cứ nghĩ chị em chơi với nhau bình thường nên không để ý, khi phát hiện mới biết người chị này về Phan Thiết tổ chức buôn bán ma túy. “Thông thường giới trẻ dính vào ma túy từ bạn bè rủ rê, nhưng trường hợp này lại chính từ người thân trong nhà”, ông Trạch không giấu nỗi thất vọng nói.

Hiện Mạc Anh cũng trong diện cai nghiện tại gia đình và cộng đồng, thử thách trong 6 tháng. Tuy nhiên, chưa đầy 1 tháng, Anh có biểu hiện tiếp tục tìm đến với “nàng tiên nâu”. Để thỏa mãn cơn nghiện, Mạc Anh thường lấy đồ trong gia đình đi bán và cầm thế. Có tiền Anh đi thâu đêm suốt sáng, mặc cho cha mẹ tìm kiếm lo cho sức khỏe và lo con phạm tội. Bao nhiêu tiền bạc, tài sản trong nhà đã đội nón ra đi, kinh tế gia đình trở nên kiệt quệ.

Cai nghiện tại cộng đồng - áp lực và nỗi lo

Những năm qua, các chính sách cai nghiện, giúp người nghiện tái hòa nhập cộng đồng luôn được các ngành, đoàn thể quan tâm, trong đó có cả việc phối hợp với gia đình giúp đỡ, hỗ trợ để người nghiện làm lại cuộc đời. Tuy nhiên phần lớn người nghiện chỉ cai được một thời gian ngắn, rồi lại tái nghiện. Đây cũng là nỗi trăn trở lớn nhất và dường như là sự bất lực của địa phương và nhiều bậc cha mẹ có con em lỡ sa vào ma túy. Bất đắc dĩ, họ không muốn để con em mình ở với gia đình và bên ngoài xã hội một ngày, một giờ nào, mà muốn đưa đến các cơ sở cai nghiện, cách ly với thế giới bên ngoài đầy cám dỗ. “Mình thương, muốn tốt cho nó, nhưng nó có biết đâu, chỉ cho đi cai nghiện bắt buộc may ra nó mới bước ra khỏi “bóng tối”, làm lại cuộc đời”, ông Mạc Trạch giãi bày. Trường hợp gia đình ông Trạch, bà Rớt cũng là nỗi lòng của nhiều bậc làm cha mẹ khác. Và có lẽ, trong thế giới tận cùng của nỗi đau, có con bị vướng vào ma túy là nỗi đau dai dẳng, khó thoát đối với những bậc làm cha làm mẹ.

    
  

    -   Theo kiến nghị của Công an tỉnh cần phải mở rộng cơ sở điều trị nghiện,   làm sao sức chứa phải đạt khoảng 1/3 so với số người nghiện ngoài xã hội.   Đồng thời có lộ trình cải tạo, sửa chữa tăng sức chứa hàng năm để đảm   bảo không tiếp tục rơi vào tình trạng quá tải.    

        - Nghị định 111/2013/NĐ-CP quy định trong thời gian 30 ngày chờ làm thủ   tục cai nghiện, các đối tượng cai nghiện sẽ được giao cho các tổ chức   chính trị - xã hội (Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ…) xã, phường. Đối với   đối tượng là người nghiện ma túy, muốn đưa đi cai nghiện bắt buộc, đầu   tiên phải xác định tình trạng nghiện rồi xử phạt hành chính… Sau đó đưa   về giáo dục tại xã, phường, thị trấn; nếu tái nghiện mới đưa đi cai   nghiện bắt buộc. Thủ tục qua nhiều khâu, nhiều lớp chính là rào cản cho   công tác cai nghiện tập trung hiện nay.

Người nghiện ma túy ngày một nhiều, nhưng cơ sở vật chất cai nghiện quá tải, chưa nói đến việc đưa người đi cai nghiện phải qua nhiều thủ tục, trước khi đưa đi cai nghiện tập trung. Tình trạng trở nên áp lực cho địa phương, đặc biệt là công an phường, vì số con nghiện tăng cao. Một tháng, công an phường giải quyết không biết bao nhiêu vụ việc có liên quan đến ma túy từ trộm cắp, quậy phá. Có những con nghiện bắt – thả như cơm bữa, vì không đủ chứng cứ xử phạt. Trò chuyện với chúng tôi về nỗi vất vả ở địa phương, ông Vũ Ngọc Quang - Phó Công an phường Đức Nghĩa chia sẻ, phần lớn những con nghiện khi bị bắt ở trạng thái không biết gì như người vô thức, hỏi không nói, gọi không nghe…nên khó giải quyết. Mỗi vụ bắt phải cắt cử người canh trực, có những vụ anh em trực thâu đêm suốt sáng, nên rất áp lực. Ông Đỗ Quốc Bảo - Chủ tịch phường Đức Nghĩa cho biết, vấn đề này không riêng phường Đức Nghĩa mà nhiều xã, phường khác cũng tương tự. Cơ chế chính sách cho người cai nghiện hiện nay chưa rõ ràng, thiếu thốn đủ bề, nên rất khó cho các địa phương trong giúp đỡ gia đình và người nghiện thoát nghiện, tái hòa nhập cộng đồng, góp phần bảo đảm an ninh trật tự.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, một bất cập hiện nay là người nghiện ma túy được xem là người mắc bệnh và có thể điều trị tại cộng đồng, hoặc tự nguyện đến cơ sở, nhưng người bệnh lại không đi chữa trị. Thực tế, chính sách cai nghiện tại gia đình và cộng đồng hiện nay không hiệu quả. Điều đó dẫn đến bao nhiêu vấn đề phát sinh xuất phát từ người nghiện, như tình trạng mua bán ma túy, phạm pháp hình sự, ngáo đá… Nếu chúng ta không có biện pháp hữu hiệu, thì việc ma túy - người nghiện gây bất an cho người dân, như thời gian qua vẫn tiếp tục. 

Lê Ninh



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đức Linh cần tập trung thực hiện 9 nhiệm vụ, giải pháp để phát triển toàn diện
BTO-Đồng chí Nguyễn Hoài Anh - Ủy viên Dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đã chỉ đạo như vậy tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Huyện ủy Đức Linh, diễn ra sáng 25/4. Dự làm việc còn có đồng chí Đoàn Anh Dũng – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, các Phó Chủ tịch HĐND, UBND tỉnh, các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy và lãnh đạo các sở, ban, ngành.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nỗi đau đằng sau “cái chết trắng”!