Theo dõi trên

Rừng bị phá, có phải xung đột từ bảo vệ và khai thác?

07/11/2019, 10:00 - Lượt đọc: 96

Bài 2: Đâu là nguyên nhân

BT- Lực lượng bảo vệ rừng mỏng, trong khi hành vi của  đối tượng phá rừng ngày một tinh vi, cùng với việc thiếu sự phối hợp chặt chẽ với các hộ nhận giao khoán rừng là nguyên nhân dẫn đến rừng bị tàn phá.

 Khó khăn và bất cập trong việc giữ rừng

Tiếp xúc với những nhân viên quản lý, bảo vệ rừng, và những hộ nhận khoán bảo vệ rừng mới thấu hiểu những khó khăn và bất cập trong việc giữ rừng. Theo đó, diện tích rừng rộng lớn, trong khi lực lượng bảo vệ mỏng mà thủ đoạn của đối tượng ngày một tinh vi, chúng không khai thác tập trung ồ ạt mà chặt nhỏ lẻ ở những vị trí cách xa nhau để tránh bị phát hiện. “Đối tượng tổ chức khá chặt chẽ từ khâu khai thác, cưa xẻ và vận chuyển. Có những nhóm làm trong rừng chỉ chuyên tâm chọn cây thích hợp đủ độ lớn để chặt hạ và xẻ ván, cắt tấm… Chúng còn bố trí các điểm cảnh báo từ xa, khi phát hiện lực lượng chuyên ngành, hoặc có nghi vấn, thì gọi thông báo cho nhóm khai thác trong rừng để cất giấu, tẩu tán tang vật", một nhân viên bảo vệ rừng chia sẻ. Cùng với đó, công cụ hỗ trợ cho lực lượng hạn chế trong khi các đối tượng khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép rất manh động, sẵn sàng chống trả lực lượng bảo vệ rừng. 

Đối với các hộ nhận giao khoán rừng, chính sách hưởng lợi từ rừng giao khoán chưa thực sự tạo được điều kiện để người dân gắn bó bền vững với rừng. Trong khi, đời sống của họ còn nhiều khó khăn vì những sản phẩm phụ từ rừng không còn nhiều như trước. Hơn nữa sự phối hợp giữa chủ rừng và các hộ nhận khoán trong công tác quản lý rừng chưa chặt chẽ, rõ ràng là nguyên nhân của việc mất cây rừng. Phổ biến nhất ở vùng rừng mà chủ rừng cấp phép cho tổ chức hay cá nhân khai thác lâm sản phụ. Ở các xã Mỹ Thạnh, Hàm Thạnh (Hàm Thuận Nam), nhiều hộ nhận giao khoán rừng đang không còn mặn mà với việc bảo vệ diện tích nhận khoán vì có “bên thứ 3” (bên ký hợp đồng khai thác lâm sản phụ của rừng với chủ rừng) xuất hiện. “Nhà nhận khoán gần 40 ha, mỗi tuần đi tuần rừng 1 - 2 lần, nếu thấy ai chặt cây rừng, hoặc phát hiện mất cây rừng, cháy rừng... thì ngăn chặn và báo cho kiểm lâm. Tuy nhiên, hiện nay chúng tôi rất bức xúc, nhiều người vào diện tích bảo vệ của chúng tôi khai thác cây le, tre, lồ ô một cách tùy tiện không thông báo trước rất khó quản lý. Khai thác thì cũng phải để cho cây le phát triển, đằng này chặt hạ sạch...”, N.V.T - một hộ nhận giao khoán rừng ở xã Mỹ Thạnh bức xúc.

Qua tìm hiểu, bên thứ 3 sau khi ký được hợp đồng với chủ rừng thì thuê người vào rừng khai thác. Những người này khai thác theo cách của riêng mình, miễn sao đủ số lượng vận chuyển về giao cho chủ, trong khi quy định khai thác theo thời kỳ và chỉ chặt vài cây trong 1 bụi, số còn lại duy trì giống. Đã từng xảy ra tình trạng lời qua tiếng lại giữa hộ giao khoán rừng với người của bên thứ 3. Vấn đề cũng đã được phản ánh với các chủ rừng (Ban Quản lý rừng) trong những cuộc họp giữa chủ rừng với các hộ nhận giao khoán. Bí thư Đảng ủy xã Mỹ Thạnh - Phạm Văn Thị cho biết, vấn đề khai thác lâm sản phụ của rừng liên quan sở, Ban Quản lý cấp giấy phép. Trong khi tổ chức, cá nhân được cấp phép vào rừng khai thác gây ra nhiều bức xúc  cho các hộ nhận giao khoán bảo vệ rừng. Họ khai thác triệt để, bỏ lại phần phụ dư thừa dễ gây cháy rừng. Rồi phương tiện vào vận chuyển gây ra sạt lở suối, “ổ voi, ổ gà” xuất hiện làm hư hỏng nhiều đường rừng... Hoạt động này đã ảnh hưởng lớn đến hệ sinh thái, môi trường rừng, chúng tôi đã kiến nghị nhiều với đại biểu HĐND các cấp qua các cuộc tiếp xúc cử tri.

 Nỗ lực quản lý hơn

Ai cũng hiểu rừng có vai trò rất quan trọng đối với cuộc sống của con người cũng như môi trường: cung cấp nguồn gỗ, củi, tạo ra oxy, tích nước, là nơi cư trú động thực vật và  bảo tồn các nguồn gen quý hiếm, bảo vệ và ngăn chặn gió bão, chống xói mòn đất… Mặc dù pháp luật đã ban hành nhiều luật bảo vệ, chống phá rừng, nhưng không ít người, vì lợi ích trước mắt mà vẫn cố tình vi phạm pháp luật, tàn phá rừng. Để ngăn chặn những hành vi phá rừng, địa phương và các ngành liên quan đóng vai trò rất quan trọng trong việc kiểm tra, giám sát.

Đối với việc khai thác lâm sản phụ từ rừng cần có cơ chế kiểm soát tốt khi doanh nghiệp hoặc cá nhân được cấp phép không nắm kỹ những quy định khai thác đã tác động trực tiếp đến rừng và cả những hộ nhận khoán... Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh, chức năng các ban quản lý rừng đã được quy định trong Luật Lâm nghiệp và kế hoạch phát triển rừng giai đoạn 2016 - 2020 của Sở NN & PTNT. Hàng năm khi được phép khai thác lâm sản phụ, cần có sự giám sát của Hạt Kiểm lâm địa bàn...

Để đảm bảo cân bằng lợi ích giữa khai thác và bảo vệ, phát triển rừng, cần tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức bảo vệ, tái sinh rừng, thực hiện các biện pháp khai thác hợp lý, có như vậy rừng mới phát triển bền vững.

Lê Ninh



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Rừng bị phá, có phải xung đột từ bảo vệ và khai thác?