Theo dõi trên

Từ 1/3/2021, tiền nợ sử dụng đất phải trả theo giá đất mới

25/02/2021, 15:52

BTO- Nếu không nắm bắt và thực hiện theo chủ trương mới của Nghị định 79 của Chính phủ, thì đến ngày 1/3/2021 tới đây, những cá nhân còn nợ tiền sử dụng đất sẽ không thể có khả năng nộp tiền nợ theo giá đất tại thời điểm trả nợ. Để có thêm thông tin, Báo Bình Thuận online có phỏng vấn nhanh với Luật sư Đỗ Minh Trúc - Phó Chủ nhiệm Đoàn luật sư Bình Thuận về vấn đề này.

 Từ ngày 1/3/2021, các hộ gia đình, cá nhân còn nợ tiền sử dụng đất mà chưa thanh toán thì sẽ phải thanh toán số tiền sử dụng đất còn nợ theo chính sách và giá đất tại thời điểm trả nợ. Đây là một trong những nội dung của Nghị định 79 của Chính phủ vừa mới được sửa đổi đúng không, thưa ông?

Theo Nghị định số 79/2019/NĐ-CP ngày 26/10/2019 của Chính phủ sửa đổi Điều 16 Nghị định số 45/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định về thu tiền sử dụng đất quy định:

Hộ gia đình, cá nhân đã được ghi nợ tiền sử dụng đất trên Giấy chứng nhận theo quy định của pháp luật từng thời kỳ mà đến trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành mà chưa thanh toán hết nợ tiền sử dụng đất thì thực hiện như sau:

- Đối với hộ gia đình, cá nhân đã được ghi nợ tiền sử dụng đất trước ngày 1/3/2016 thì tiếp tục thanh toán tiền sử dụng đất còn nợ theo chính sách và giá đất tại thời điểm cấp Giấy chứng nhận (hoặc theo số tiền ghi trên Giấy chứng nhận đã được xác định theo đúng quy định của pháp luật) đến hết ngày 28/2/2021. Kể từ ngày 1/3/2021 trở về sau thì hộ gia đình, cá nhân phải thanh toán số tiền sử dụng đất còn nợ theo chính sách và giá đất tại thời điểm trả nợ.

- Đối với hộ gia đình, cá nhân đã được ghi nợ tiền sử dụng đất từ ngày 1/3/2016 đến trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành thì tiếp tục thanh toán tiền sử dụng đất còn nợ theo số tiền ghi trên Giấy chứng nhận đã được xác định theo đúng quy định tại Nghị định số 45/2014/NĐ-CP trong thời hạn 5 năm kể từ ngày ghi nợ tiền sử dụng đất.

Quá thời hạn 5 năm kể từ ngày ghi nợ tiền sử dụng đất thì hộ gia đình, cá nhân phải thanh toán số tiền còn nợ theo chính sách và giá đất tại thời điểm trả nợ.

 Như vậy, để đảm bảo việc thanh toán nợ tiền sử dụng đất theo chính sách và giá đất tại thời điểm cấp giấy chứng nhận, các hộ gia đình, cá nhân cần phải làm gì?

Để bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người sử dụng đất trong việc thanh toán nợ tiền sử dụng đất theo chính sách và giá đất tại thời điểm cấp Giấy chứng nhận, các hộ gia đình, cá nhân cần rà soát, xem kỹ trên Giấy chứng nhận đất của gia đình đã cấp có còn ghi nợ tiền sử dụng đất hay không và xác định thời điểm đã ghi nợ.

Trường hợp trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp có ghi nợ tiền sử dụng đất mà đến nay chưa nộp thì các hộ gia đình, cá nhân cần liên hệ ngay với Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh để được hướng dẫn thủ tục trả nợ theo chính sách quy định tại Nghị định 79/2019/NĐ-CP của Chính phủ trước ngày 28/2/2021. 

Trường hợp trả nợ tiền sử dụng đất sau ngày 28/2/2021 sẽ bị tính tiền sử dụng đất phải nộp theo giá đất tại thời điểm trả nợ, trong khi giá đất mới của mỗi năm sẽ cao hơn giá đất tại thời điểm cấp Giấy chứng nhận, thậm chí người nợ tiền sử dụng đất lâu năm có thể sẽ phải nộp số tiền cao gấp hàng chục lần nếu trả nợ sau ngày 28/2/2021.

  Trường hợp thanh toán trả nợ sau ngày 28/2/2021 thì sẽ ra sao?

Theo quy định tại Nghị định 79/2019/NĐ-CP của Chính phủ nêu trên, nếu người sử dụng đất được ghi nợ tiền sử dụng đất trước ngày 1/3/2016 thì tiếp tục thanh toán tiền sử dụng đất còn nợ theo chính sách và giá đất tại thời điểm cấp Giấy chứng nhận đến hết ngày 28/2/2021. Kể từ ngày 1/3/2021 trở về sau thì người sử dụng đất phải thanh toán số tiền sử dụng đất còn nợ giá đất mới.

Trường hợp nếu người sử dụng đất được ghi nợ tiền sử dụng đất từ ngày 1/3/2016 đến trước ngày 10/12/2019 thì tiếp tục thanh toán tiền sử dụng đất còn nợ theo số tiền ghi trên Giấy chứng nhận đã được xác định theo đúng quy định tại Nghị định số 45/2014/NĐ-CP trong thời hạn 5 năm kể từ ngày ghi nợ tiền sử dụng đất.

 Tại địa bàn tỉnh Bình Thuận, quy định trên đã được áp dụng như thế nào đối với các trường hợp đang nợ tiền sử dụng đất, thưa ông?

Việc ghi nợ tiền sử dụng đất trước đây được thực hiện theo quy định tạiĐiều 16, Nghị định số 45/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định về thu tiền sử dụng đất theo đó thì hộ gia đình, cá nhân được chuyển mục đích sử dụng đất; được cấp Giấy chứng nhận phải nộp tiền sử dụng và hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước giao đất tái định cư mà có khó khăn về tài chính, có nguyện vọng ghi nợ thì được ghi nợ số tiền sử dụng đất phải nộp trên Giấy chứng nhận sau khi có đơn đề nghị kèm theo hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận hoặc hồ sơ xin chuyển mục đích sử dụng đất hoặc hồ sơ giao đất tái định cư hoặc có đơn xin ghi nợ khi nhận thông báo nộp tiền sử dụng đất.

 Người sử dụng đất được trả nợ dần trong thời hạn tối đa là 5 năm; sau 5 năm kể từ ngày ghi nợ mà chưa trả hết số tiền sử dụng đất thì người sử dụng đất phải nộp tiền sử dụng đất còn lại theo giá đất tại thời điểm trả nợ. Trường hợp hộ gia đình, cá nhân thanh toán nợ trước thời hạn thì được hỗ trợ giảm trừ vào tiền sử dụng đất phải nộp theo mức hỗ trợ là 2%/năm của thời gian trả nợ trước thời hạn và tính trên số tiền sử dụng đất trả nợ trước thời hạn.

Trên địa bàn tỉnh Bình Thuận cũng áp dụng quy định nêu trên để tạo điều kiện cho rất nhiều hộ gia đình, cá nhân có khó khăn về tài chính, có nguyện vọng ghi nợ thì được ghi nợ số tiền sử dụng đất phải nộp. Đến nay pháp luật đã có sự thay đổi về ghi nợ tiền sử dụng đất cụ thể là tại Nghị định số 79/2019/NĐ-CP ngày 26/10/2019 của Chính phủ sửa đổi Điều 16 Nghị định số 45/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ. Tuy nhiên, có thể vẫn còn nhiều hộ gia đình, cá nhân không biết hoặc không nắm rõ về sự thay đổi này nhằm đảm bảo quyền lợi của mình. Do vậy, các cơ quan chức năng cần có biện pháp tuyên truyền hiệu quả và thông báo sâu rộng để các hộ gia đình, cá nhân có ghi nợ tiền sử dụng đất trước đây được biết. 

Khánh Ngọc (thực hiện)



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Quán triệt và triển khai thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư về chống khai thác IUU
BTO- Ban Bí thư Trung ương Đảng vừa tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW, ngày 10/4/2024 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU) và phát triển thủy sản bền vững. Đồng chí Trương Thị Mai - Thường trực Ban Bí thư khóa XIII, Trưởng ban Tổ chức Trung ương chủ trì hội nghị.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Từ 1/3/2021, tiền nợ sử dụng đất phải trả theo giá đất mới