Về vùng cao nghe tuyên truyền ph
Về vùng cao nghe tuyên truyền pháp luật
BT- Đi đúng giờ, chăm
chú nghe, không bỏ về giữa chừng, mạnh dạn phát biểu... là những gì tôi thấy tại
buổi tuyên truyền, phổ biến pháp luật ở xã vùng cao...
 |
Người dân Đông Giang đi nghe tuyên truyền,
phổ biến pháp luật. |
Không bỏ về giữa chừng
Khác với lần đi công tác
trước, lần này chúng tôi trở lại vùng cao Hàm Thuận Bắc theo đoàn công tác của
Hội Luật gia tỉnh. Mới sáng sớm, nhưng hội trường Trung tâm Văn hóa xã Đông
Giang đã đông vui. Đồng bào thiểu số nơi đây ai cũng ăn mặc giản dị, có cả những
em bé, thậm chí vài tháng tuổi được mẹ địu trên lưng. Tất thảy đều ngồi trước và
trong hội trường, nơi sắp diễn ra hội nghị tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp
luật và trợ giúp pháp lý do Hội Luật gia tỉnh phối hợp với huyện Hàm Thuận Bắc
tổ chức.
Hình ảnh ấy, tôi đã thấy
nhiều lần trong những chuyến đi đưa tin về hoạt động tương tự ở các xã vùng cao
khác. Nó làm tôi nhớ cuộc trao đổi với các học sinh, sinh viên, thanh niên dân
tộc thiểu số xuất sắc, tiêu biểu năm 2020, của Bộ trưởng - Chủ nhiệm Ủy ban Dân
tộc Đỗ Văn Chiến. Ông mong các bạn trẻ được tuyên dương tiếp tục cố gắng hoàn
thiện bản thân, nâng cao trình độ kỹ năng và giữ bản sắc văn hóa và trau dồi
tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình. Đặc biệt chú ý hồn cốt của người dân tộc
thiểu số là trung thực, vượt khó, thật thà, có sức sống mãnh liệt.
Nguyễn Minh Khang – cộng tác
viên của Hội Luật gia tỉnh đi cùng đoàn luôn miệng nói: Chị ơi! đồng bào khổ
quá, chị về vùng cao viết nhiều bài giúp bà con. Tôi không nói nhiều với Khang
mà chỉ gật đầu đồng ý, bởi Khang không nhắc thì không chỉ những người làm báo mà
cả hệ thống chính trị đều quan tâm. Và hội nghị tuyên truyền, phổ biến giáo dục
này đến với đồng bào cũng không ngoài mục đích ấy.
Giữa những câu chuyện đan xen
của tôi, của mọi người, giọng K’Văn Vĩnh, cán bộ tư pháp xã Đông Giang vang lên:
“Hội nghị bắt đầu, hôm nay có vắng một số bà con vì đang mùa thu hoạch điều,
bắp, nhưng như thế cũng đông đủ, có gì bà con về tuyên truyền lại cho những ai
không đến dự”. Mọi người hướng về khán đài hội nghị bắt đầu nghe nói chuyện pháp
luật. Ông Nguyễn Đình Kiên – Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh, phổ biến hơn 10 bộ luật
và các quy định của pháp luật để bà con nắm. Trong đó, ông nhấn mạnh về Luật Hôn
nhân và Gia đình, Luật Bầu cử và các quy định về phòng chống dịch Covid-19. Cả
hội trường im lặng, từ già làng, trưởng thôn cho đến người dân ai cũng chăm chú
lắng nghe…
Mạnh dạn
Hội nghị diễn ra trong không
khí ấm áp, thể hiện tinh thần giúp nhau nâng cao kiến thức pháp luật, người đồng
bào thể hiện ý thức tiếp thu rất tốt. Có lẽ vậy, mà nhiều gia đình ở xã vùng cao
này bây giờ chỉ sinh 1 – 3 con, thậm chí 1 con. Ngoài ý thức kế hoạch hóa gia
đình thì vấn đề tảo hôn nay cũng giảm, nữ Trưởng thôn 2 K’Thị Hoa khẳng định,
tảo hôn trước đây thì có, chứ giờ thì không, nếu phát hiện trường hợp nào là cán
bộ xã, thôn đến vận động ngay.
Cũng như hội nghị khác có 3
phần nội dung, trong đó có phần ý kiến thảo luận, thường thì bà con vùng cao rất
ít có ý kiến, nhưng hiện nay đã mạnh dạn hỏi đáp. Nhớ một đại biểu Quốc hội từng
nhận xét trong một chuyến tiếp xúc cử tri ở vùng cao.
“Trước kia đi tiếp xúc cử tri
ở vùng đồng bào, bà con ít có ý kiến. Bây giờ đã mạnh dạn phát biểu không còn
ngại ngùng”. K’C Rum đứng lên ý kiến bằng tiếng đồng bào: “Nhà mình có 1 con bò
và vài con gà, vịt, không có đất sản xuất, nhưng lại đưa mình ra khỏi hộ nghèo.
Trong khi nhà người ta có đất, có bò vẫn được diện hộ nghèo?”. Chi hội trưởng
Hội Luật gia xã Đông Giang K’ Văn Bển phiên dịch lại, ông Kiên đã giải thích tận
tình cho Rum. Không chỉ chị Rum mà còn người khác đã mạnh dạn nói lên những gì
không hiểu, để được tư vấn giải đáp. K’Văn Nín, xóm 8, thôn 2 cũng cầm micro
dõng dạc hỏi vấn đề cải chính lại giấy khai sinh. Điều đó cho thấy đã từng bước
“xóa nghèo” kiến thức pháp luật ở vùng cao Đông Giang. Ở các xã vùng cao khác
như: Đông Tiến, Phan Lâm, Phan Sơn, Phan Dũng, Phan Tiến... cũng đã như vậy.
“Đồng bào hiện không như ngày xưa, ý thức, chấp hành nghiêm quy định Nhà nước.
Chẳng hạn trước đây, không làm chuồng trại chăn nuôi để gia súc phá hoại hoa màu
gây mất an ninh trật tự, hiện nay hầu như nhà nào cũng làm chuồng trại”, một cán
bộ xã Đông Giang, chia sẻ.
Ông Nguyễn Đình Kiên cho
biết: Đưa pháp luật đến với người dân nói chung và đặc biệt người đồng bào dân
tộc thiểu số nói riêng của hội là công việc thường xuyên và xuyên suốt. Những
năm qua đã phối hợp với các địa phương tuyên truyền nhiều luật như Luật Khiếu
nại, Tố cáo, Đất đai, Hôn nhân và gia đình... Và đặc biệt hiện nay là Luật Bầu
cử, các quy định phòng chống dịch Covid-19 đến với đồng bào. Qua đó người dân
nắm bắt tinh thần của luật để áp dụng làm đúng và làm theo trong cuộc sống.
N.C