Theo dõi trên

Vụ tranh chấp đất ở phường Bình Tân: Hiện trạng khu đất có gì?

03/12/2019, 09:21

BT- Một vụ việc tranh chấp quyền sử dụng đất kéo dài nhiều năm. Một bên nói khai hoang từ năm 1991 nhưng không xây dựng kiềng đá chẻ. Một bên nói sử dụng từ năm 1993 và có dựng hàng rào thép gai và kiềng đá chẻ để bảo vệ đất. Khi tổ xác minh xuống kiểm tra thì có người cố tình thay đổi hiện trạng khu đất?

                
Ông Trần Tâm bên khu đất đang tranh chấp.

 Người nói xây kiềng, người nói không có

Mới đây, UBND phường Bình Tân, thị xã La Gi đã tổ chức buổi hòa giải tranh chấp đất đai giữa ông Trần Văn Doái (trú khu phố 8) và ông Trần Tâm (trú khu phố 9). Buổi hòa giải không thành do 2 bên đều cho rằng đây là đất của mình.

Diện tích đất 2 bên đang tranh chấp nằm tại khu phố 8, phường Bình Tân (La Gi). Theo bản đồ địa chính được Bộ Quốc phòng đo vẽ năm 1999 - 2000 thì đất tranh chấp thuộc khu đất số 162, tờ bản đồ số 27, tỷ lệ 1/2000, diện tích 257.136,6 m2, quy chủ là đất hoang. Đất tranh chấp chưa được cấp quyền sử dụng đất. Trong biên bản hòa giải tranh chấp đất đai ngày 12/11/2019 thể hiện, tại buổi hòa giải ông Phan Thanh Hương (người được ông Trần Văn Doái ủy quyền) cho rằng: Nguồn gốc đất tranh chấp do gia đình ông Doái khai phá năm 1991, sử dụng làm chòi lá để đựng đồ giàn lưới rùng, phơi cá, phơi ruốc. Hiện trạng trên đất trống, xung quanh có một số trụ xi măng, có đoạn kẽm gai do ông Trần Tâm chôn đặt vào tháng 4/2019. Trên đất hoàn toàn không có đá chẻ như lời trình bày của ông Tâm. Đến năm 2008 thì phát sinh tranh chấp với bà Thương và khoảng năm 2015 thì bà Thương bỏ đi khỏi địa phương. Đến tháng 4/2019 thì ông Tâm đến bao chiếm trồng trụ xi măng trên đất nên phát sinh tranh chấp. Qua phiếu lấy ý kiến khu dân cư khu phố 8, đã nói lên được nguồn gốc đất của ông Trần Văn Doái.

Ngược lại, ông Võ Văn Mùa (người được ông Trần Tâm ủy quyền) đã nêu ý kiến: Nguồn gốc khu đất khai hoang năm 1993, đến năm 2003 ông Tâm xây kiềng đá chẻ xung quanh ranh. Năm 2017 ông Tâm trồng trụ xi măng bị đập phá. Đến năm 2018 trồng lại trụ xi măng, kẽm gai như hiện nay. Hiện trạng khu đất có trụ xi măng, kẽm gai và một số viên đá chẻ. Hiện nay dưới mặt đất cạnh ranh giới hướng Bắc giáp đất phường quản lý còn lại một số viên đá chẻ nằm âm dưới đất. Tại buổi hòa giải ông Mùa đã trình bày các giấy tờ liên quan chứng cứ nguồn gốc đất có một vài hộ dân xác nhận và trên thửa đất có kiềng đá chẻ do ông Tâm xây cất, nhưng do lâu năm bị cát vùi lấp, đồng thời trong thời gian tranh chấp bị ai đó đập bỏ.

 Nhân chứng nói gì?

Cũng tại buổi hòa giải ngày 12/11, ông Hồ Thành Nông, nguyên là xóm trưởng tại khu vực này nêu ý kiến: “Tôi làm xóm trưởng ở đây từ năm 1990 nên biết rõ nguồn gốc đất do ông Doái khai phá vào năm 1991. Tôi tưởng là tranh chấp đất giữa bà Thương với ông Doái. Nhưng nay là tranh chấp giữa ông Doái với ông Tâm. Tôi không biết ông Tâm là ai. Ông Doái có làm đơn xin cấp giấy CNQSD đất hay không thì tôi không biết. Nhưng tôi thấy trên thửa đất này trước đây có xây hàng rào 3 lớp đá chẻ nay đã tháo gỡ hết rồi”. Còn ông Trần Thanh Lực là Trưởng khu phố 8, phường Bình Tân nêu ý kiến: Đất này ông Doái khai hoang vào năm 1991 để làm chòi phơi cá. Năm 2008, bà Thương chị ông Tâm đến rào chắn thì xảy ra tranh chấp và vẫn giữ nguyên. Đến năm 2019 ông Tâm đến trồng trụ và rào lại, từ đó xảy ra tranh chấp. Còn ông Nguyễn Dũng Quốc Thống, thành viên tổ xác minh của phường Bình Tân nêu ý kiến: Lần xác minh đợt trước thì có kiềng đá chẻ, nhưng xác minh lần sau thì không thấy kiềng đá chẻ trên hiện trạng mà lại có trụ xi măng và hàng rào kẽm gai. 

Ông Võ Văn Mùa cho biết thêm: Nguyên năm 1993, ông Trần Tâm cùng bà Trần Thị Nhất và bà Trần Thị Huệ là chị em ruột, có khai hoang 1 lô đất, hiện nay đo được diện tích là 362,9 m2, tọa lạc tại khu phố 8, phường Bình Tân, thị xã La Gi. Đến năm 2003, số trụ bằng cây và dây kẽm gai bị hư hỏng nên 3 chị em Nhất - Huệ - Tâm có chủ trương chung tiền xây kiềng bằng đá chẻ, trồng trụ bê tông rào bằng kẽm gai để bảo quản đất. Việc xây dựng kiềng đá chẻ có bà Trần Thị Quang (trú tại khu phố 8, phường Bình Tân), ông Nguyễn Văn Hân (SN 1952, trú khu phố 8, phường Bình Tân), ông Nguyễn Út Tèo (SN 1968, trú thôn Bình An 1, xã Tân Bình) là những người nhận xây dựng. Năm 2017, bà Lê Thị Bòn (nhà ở sát phía Nam khu đất của ông Trần Tâm) đến đây xây nhà vẫn thấy hàng rào đá này. Ngoài ra, các ông Lê Thế Hùng, Trần Ngọc Dũng và Nguyễn Đình Khôi là những nhân chứng biết việc khai phá đất từ năm 1993 của gia đình ông Trần Tâm.

Đến năm 2007, ông Trần Tâm có lập nộp hồ sơ xin đăng ký cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất gửi UBND phường Bình Tân và được cán bộ địa chính UBND phường đến đo đạc. Nhưng ông Doái ngăn cản, không cho địa chính đo đạc. Nên hồ sơ của ông Trần Tâm không được UBND phường Bình Tân xem xét cấp giấy CNQSD đất. Tháng 6/2019, việc ông Tâm xin đăng ký cấp giấy CNQSD đất và được địa chính  phường Bình Tân phối hợp với công ty đến đo đạc thửa đất mà ông Tâm đăng ký. Lúc đó ông Doái tiếp tục ra ngăn cản không cho đo đạc nên phát sinh tranh chấp đất. Ngày 8/7/2019, ông Võ Văn Mùa có gửi đơn yêu cầu hòa giải tranh chấp đất với ông Trần Văn Doái đến UBND phường Bình Tân.

“Từ những ý kiến của người làm cán bộ lâu năm ở nơi có khu đất, có thể thấy ông Doái có khai hoang khu đất này vào năm 1991. Nhưng sau đó ông Doái không sử dụng liên tục cho đến nay. Điều này thể hiện qua việc, năm 1993 khi chị em ông Tâm đến đây khai phá và trồng trụ cây, rào kẽm gai giữ đất ông Doái cũng không có ý kiến hay phản ánh lên các cấp chính quyền. Năm 2003, ông Tâm tiến hành xây kiềng đá chẻ bao quanh khu đất. Nếu ông Doái nói đây là đất của mình tại sao không ra ngăn cản dù nhà ông Doái chỉ cách đó vài bước chân. Nếu là đất của ông Trần Văn Doái sao ông không đăng ký cấp giấy CNQSD đất mà ngược lại ông Tâm đã nhiều lần đi đăng ký cấp giấy. Tại buổi hòa giải ngày 12/11, phía ông Doái cũng không cung cấp được giấy tờ gì liên quan đến các vật kiến trúc như: trụ xi măng, dây kẽm gai và đá chẻ. Nhưng phía ông Tâm lại có các giấy tờ chứng minh mình là người đã xây dựng các công trình trên. Thêm vào đó, khi người dân ở đây làm đường bê tông thì gia đình ông Tâm có đóng góp 2 triệu đồng. Số tiền này do bà Bùi Thị Mỹ Hà thu. Điều này cho thấy ông Tâm mới là người có thời gian sử dụng liên tục và ổn định khu đất trên”, ông Võ Văn Mùa cho biết.

Được biết, UBND thị xã La Gi đã thụ lý đơn tranh chấp đất của ông Trần Tâm. Đề nghị các ngành chức năng thị xã sớm giải quyết vụ việc để người dân ổn định cuộc sống.

Nguyễn Luân



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vụ tranh chấp đất ở phường Bình Tân: Hiện trạng khu đất có gì?