Theo dõi trên

Vụ tráo máy nông cụ ở La Dạ: Giám đốc thẩm hủy án, điều tra lại

09/01/2020, 09:39 - Lượt đọc: 12

BT- Mới đây, Tòa án nhân dân (TAND) cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh xét xử giám đốc thẩm đối với ông Huỳnh Thúc Mẫn (nguyên Chủ tịch UBND xã La Dạ) và bà Dương Ngọc Như Hiền (nguyên kế toán UBND xã La Dạ). Theo đó, tòa đã chấp nhận kháng nghị của Chánh án TAND cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh, hủy toàn bộ bản án phúc thẩm của TAND tỉnh Bình Thuận và bản án sơ thẩm của TAND huyện Hàm Thuận Bắc đối với ông Mẫn và bà Hiền. Đồng thời chuyển hồ sơ vụ án cho Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh để điều tra lại theo đúng quy định của pháp luật.

                
Ông Mẫn và bà Hiền tại phiên tòa phúc thẩm.

Trong vụ án này, ông Mẫn là người chịu trách nhiệm chính đối với việc triển khai thực hiện Quyết định số 755/QĐ-TTg năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Trong quá trình giám sát và cấp vốn hỗ trợ cho các hộ dân, ông Mẫn đã có hành vi làm trái quy định, như không tổ chức họp dân để thông báo chủ trương của Chính phủ mà tự quyết định việc cấp máy móc cho dân; không cấp vốn bằng tiền mặt mà mua máy móc, nông cụ về phát cho người dân; trường hợp được phép mua máy móc để cấp cho dân thì không công khai, minh bạch trong việc lựa chọn nhà thầu, không tổ chức đấu thầu để lựa chọn đơn vị cung ứng. Còn bà Hiền biết rõ việc cấp vốn hỗ trợ cho các hộ dân bằng tiền không phải bằng máy móc, nông cụ nhưng đã tham mưu, giúp sức cho ông Mẫn dự thảo, ký kết hợp đồng, nghiệm thu máy móc, nông cụ và thanh toán hợp đồng. Theo các cơ quan tiến hành tố tụng quy kết, hành vi của ông Mẫn và bà Hiền đã gây thất thoát, lãng phí hơn 780 triệu đồng.

Tuy nhiên, Hội đồng xét xử giám đốc thẩm nhận định, trường hợp của ông Mẫn và bà Hiền không đủ yếu tố cấu thành tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” theo quy định tại Điều 219 Bộ luật Hình sự năm 2015. Bởi, theo quy định tại Điều 1, Luật Quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước năm 2008, thì nguồn vốn hỗ trợ cho các hộ dân chính sách không phải là tài sản thuộc đối tượng điều chỉnh bởi luật này. Mặt khác, theo quy định tại điểm b, khoản 1, Điều 6 và khoản 10, Điều 11, Thông tư liên tịch số 04 năm 2013 của Ủy ban Dân tộc, Bộ Tài Chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn thực hiện Quyết định 755, thì UBND xã chỉ là chủ thể giám sát và thay mặt Chính phủ cấp vốn cho người dân mà không phải là chủ thể được giao quản lý, sử dụng nguồn vốn do Chính phủ tài trợ.

Ngoài ra, theo báo cáo của UBND tỉnh, toàn tỉnh chỉ có 8 xã/33 xã thực hiện việc hỗ trợ bằng tiền cho các hộ dân, còn lại hỗ trợ bằng máy móc có sự tổ chức kiểm tra, nghiệm thu của các ban ngành. Trong vụ án này, thành phần tham gia nghiệm thu máy móc tại xã La Dạ gồm có đại diện UBND xã La Dạ và đại diện các phòng ban của huyện gồm Phòng Dân tộc, Phòng Kinh tế hạ tầng, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phòng Tài chính – Kế hoạch. Cũng theo quy định tại Thông tư liên tịch số 04/2013 thì UBND cấp xã có trách nhiệm giám sát và cấp vốn hỗ trợ cho người dân theo danh sách đã được UBND cấp huyện duyệt. Như vậy, Hội đồng xét xử cho rằng, cần phải điều tra làm rõ UBND tỉnh Bình Thuận, UBND huyện Hàm Thuận Bắc và Ban Dân tộc huyện Hàm Thuận Bắc có chủ trương cho UBND cấp xã trên toàn tỉnh mua máy cấp cho người dân hay không, nếu có thì trách nhiệm của các cơ quan này như thế nào, trách nhiệm của UBND xã như thế nào, trên cơ sở đó mới xem xét trách nhiệm hình sự, trách nhiệm dân sự đối với ông Mẫn và bà Hiền. 

    
      Theo hồ sơ vụ án, thực hiện Quyết định số 755 của Thủ tướng Chính phủ,   UBND xã La Dạ được cấp hơn 1,5 tỷ đồng để hỗ trợ 306 hộ dân tộc thiểu số   và hộ nghèo, mỗi gia đình 5 triệu đồng. Ông Mẫn sau đó ký hợp đồng với   ông Hồ Minh Thắng về việc cung cấp cho người dân 438 máy nông cụ cùng   phụ kiện xuất xứ Việt Nam và liên doanh hợp tác, có giá trị hơn 1,5 tỷ   đồng. Sau đó, ông Thắng lại giao máy nông cụ là hàng không rõ nguồn gốc   xuất xứ, trôi nổi, không hóa đơn chứng từ. Khi nhận máy, nhiều nông dân   phản ánh máy bị đánh tráo, trên thân máy có 2 loại tem của 2 nhãn hiệu   dán chồng lên nhau và giá trị không đủ 5 triệu đồng mà họ được nhận. Vào   cuộc, Hội đồng định giá trong tố tụng huyện Hàm Thuận Bắc kết luận mỗi   máy nông cụ chỉ có giá trị từ 1,3 - 3,5 triệu đồng. Theo các cơ quan   tiến hành tố tụng, hành vi của ông Mẫn và bà Hiền đã gây thiệt hại hơn   780 triệu đồng. Trong đó, ông Thắng thu lợi bất chính gần 500 triệu   đồng. Ông Mẫn và bà Hiền gây thất thoát hơn 280 triệu đồng. Tại hai cấp   tòa sơ thẩm và phúc thẩm, ông Mẫn bị tuyên phạt 3 năm 6 tháng tù, bà   Hiền 2 năm tù cùng về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản   của Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”. Cả 2 phải liên đới nộp lại số   tiền hơn 280 triệu đồng cho UBND xã La Dạ.

K.CHI



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Phan Thiết cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, công trình trọng điểm
BTO-Chiều 28/3, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ( khóa XIV) làm việc với tập thể Ban Thường vụ Thành ủy Phan Thiết về tình hình thực hiện nhiệm vụ trong thời gian qua, phương hướng nhiệm vụ trong thời gian tới . Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Hoài Anh chủ trì.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vụ tráo máy nông cụ ở La Dạ: Giám đốc thẩm hủy án, điều tra lại