Theo dõi trên

Vượt biên tìm “miền đất hứa”:  Ảo mộng vô ích và mạo hiểm

02/03/2017, 08:54

BT- Nhiều người ảo tưởng ra nước ngoài để được đổi đời với cuộc sống sung sướng nên bất chấp những hiểm nguy và vi phạm pháp luật…

Ảo mộng đổi đời  

Sau Tết Đinh Dậu, một trong những câu chuyện gây xôn xao thị xã La Gi, đó là việc các gia đình bà Trần Thị Thanh Loan, Trần Thị Lụa, Nguyễn Thị Phúc (cùng ngụ thị xã La Gi) với tổng cộng 16 người tổ chức xuất cảnh trái phép qua Úc bằng đường biển. Theo đó, các đối tượng này đã mua một ghe của ngư dân Bình Định neo đậu tại cửa biển Lộc An, huyện Đất Đỏ (Bà Rịa-Vũng Tàu) với giá 185 triệu đồng để vượt biên. Qua công tác xác minh, đối tượng Loan được một phụ nữ bên Úc hỗ trợ về tài chính hàng tháng gần 500 AUD để mua ghe và nhu yếu phẩm. Theo hồ sơ, Trần Thị Thanh Loan cùng chồng vào năm 2014 cũng đã tổ chức đưa người vượt biển sang Úc trái phép. Theo đó, với hy vọng đổi đời, đối tượng này bán hết nhà cửa và tổ chức cho nhiều người vượt biên với phí thu mỗi người 50 triệu đồng. Sau khi đi vào ngày 7/3/2015 tại cảng La Gi, đến ngày 20/3/2015, ghe của Loan cả thảy 46 người, trong đó có nhiều trẻ em khi vào vùng biển nước Úc đã bị Hải quân nước này phát hiện và bắt giữ, sau đó trao trả về nước. Cả bà Lụa và Loan bị TAND tỉnh tuyên phạt lần lượt 30 và 36 tháng tù giam về tội tổ chức người khác trốn đi nước ngoài trái phép. Khi đang trong thời gian được hoãn chấp hành hình phạt tù thì các đối tượng tiếp tục tổ chức vượt biên. Trong lần vượt biên gần đây, qua những người quen biết của bà Loan, hiện tất cả 16 người đã bị cảnh sát Indonesia bắt giữ tại đảo Java sau khi thuyền đụng phải đá ngầm làm chết máy trôi dạt.  

Vô ích và kiệt quệ

Những năm qua, công tác phổ biến giáo dục pháp luật liên quan đến việc ra người ngoài trái quy định và tổ chức vượt biên trái phép được chính quyền cơ sở quan tâm tăng cường tuyên truyền. Thế nhưng không ít người vẫn nuôi ảo mộng về cuộc sống sung sướng nơi xứ người, trong khi thực tế dù ở đâu thì cũng phải lao động, đổ mồ hôi mới có.

Qua tìm hiểu của chúng tôi, các đối tượng sau khi vượt biên bị trả về đều là những thành phần lười lao động, nhưng mơ mộng về cuộc sống sung sướng, giàu sang. Không ít trong số họ nghe theo những lời ngon ngọt của các đối tượng nằm trong các đường dây đưa người vượt biên trái phép. Hầu hết những người nghe theo lời dụ dỗ đã vay mượn hoặc bán hết tài sản để vượt biên. Sau khi bị các nước trong khu vực bắt giữ và trả về trở nên tay trắng và kiệt quệ. Riêng trường hợp của bà Trần Thị Thanh Loan và Trần Thị Lụa, việc vượt biên lần này còn với mục đích trốn tránh việc thi hành bản án mà trước đó 2 đối tượng này đã thu tiền và tổ chức cho nhiều người vượt biên trái phép. Điều đáng nói, hành vi vượt biên ngoài việc vi phạm pháp luật và hơn nữa là nguy hiểm đến tính mạng, tương lai mịt mù, nhưng không ít người hiện nay còn ảo mộng ra nước ngoài bằng còn đường phi pháp. Đồng thời, không ít đối tượng và phần tử xấu lợi dụng sự thiếu hiểu biết còn cổ vũ, hô hào, xuyên tạc.

Tình trạng nhập cư trái phép đến các nước trong khu vực, đặc biệt là Úc những năm gần đây gia tăng bằng nhiều con đường khác nhau, trong đó chủ yếu bằng tàu thuyền. Nhiều người trong số đó đã bỏ mạng giữa biển khơi. Mới đây, ông Hugh Borrowman, Đại sứ Úc tại Việt Nam khẳng định việc vượt biên đến Úc là hành trình rất nguy hiểm và Chính phủ Úc cam kết ngăn chặn những đối tượng tổ chức đưa người vượt biên trái phép và không hoan nghênh những người tìm cách đến Úc qua con đường bất hợp pháp.

Trần Huỳnh



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vượt biên tìm “miền đất hứa”:  Ảo mộng vô ích và mạo hiểm