Theo dõi trên

Xâm hại tình dục ở trẻ em – SOS !

28/03/2018, 08:28

Bài 2: Làm gì để hạn chế, phòng ngừa và bảo vệ

BT- Mỗi nạn nhân bị xâm hại tình dục (XHTD) là một câu chuyện, hoàn cảnh khác nhau. Tuy nhiên các nạn nhân có một điểm chung là thiếu sự bảo vệ, cũng như nhận thức về tâm sinh lý còn hạn chế…Theo các chuyên gia, mạnh mẽ lên án, tố cáo vụ việc ra ánh sáng cũng là giải pháp để bảo vệ, góp phần ngăn chặn.

Thiếu bảo vệ và trang bị kiến thức

Bà Nguyễn Thị Thu Thảo, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh cho biết: Qua theo dõi những vụ việc XHTD trẻ em gần đây, thì nguyên nhân chủ yếu, thứ nhất là do các bậc cha mẹ, người chăm sóc trẻ thiếu hiểu biết về đặc điểm tâm sinh lý trẻ em, thiếu nhận thức về nguy cơ, cũng như là sự quan tâm chia sẻ vấn đề giới tính với trẻ. Từ đó, dẫn đến các em thiếu hiểu biết về đặc điểm tâm sinh lý, kiến thức, kỹ năng phòng tránh XHTD. Thứ hai do sự phân hóa giàu nghèo với những chêch lệch về điều kiện sống, sự rạn vỡ trong gia đình và xói mòn của các giá trị truyền thống, đã dẫn tới số trẻ em bị bỏ rơi, bị sao nhãng, bị lạm dụng ngày càng tăng. Tại Bình Thuận, trẻ em bị xâm hại thường xảy ra tại các địa bàn nhập cư của thành phố, khu vực lao động nghèo và địa bàn vắng, hay gần đây là khu vực nông thôn, với sự thiếu quan tâm, giám sát của người thân. Thứ ba, công tác truyền thông, giáo dục, vận động xã hội chưa bao phủ hết địa bàn, đối tượng; chất lượng truyền thông trực tiếp chưa cao, chưa đến tay các gia đình, đối tượng là nguy cơ xâm hại. Bên cạnh đó, nhận thức, trách nhiệm, năng lực bảo vệ chăm sóc trẻ em các cấp chính quyền, trong đó có thực hành quyền trẻ em của cha mẹ, người chăm sóc thiếu hụt. Một nguyên nhân nữa đó là mặt trái của nền kinh tế thị trường, sự du nhập của lối sống thực dụng, sa đọa, tác động của phim ảnh khiêu dâm, tình trạng ly hôn, ly thân… dẫn đến những sang chấn tâm lý, hành vi lệch lạc ở trẻ em.

                
   Bà Nguyễn Thị Thu Thảo, Phó Chủ tịch Hội    Liên hiệp Phụ nữ tỉnh.

Cũng theo bà Thảo, một trong những nguyên nhân đó là nhận thức của một bộ phận người dân còn hạn chế. Công tác phát hiện, tố giác tội phạm hiện gặp nhiều khó khăn. Trên thực tế, nhiều vụ án vẫn còn đang bỏ ngỏ, thậm chí có dấu hiệu “chìm xuồng” khi không đủ căn cứ, yếu tố cấu thành tội phạm nên không thể khởi tố theo quy định của pháp luật, tạo điều kiện để các “yêu râu xanh” ngang nhiên lợi dụng các em để thực hiện hành vi suy đồi đạo đức. Một số nạn nhân và gia đình vì mặc cảm và ngại dư luận nên chọn cách im lặng, không tố giác tội phạm, để rồi chính các em phải gánh chịu nhiều tổn thương và những hệ lụy khôn lường… 

Khó khăn trong xử lý

Theo luật sư Đỗ Minh Trúc, Phó Chủ nhiệm Đoàn luật sư Bình Thuận - người thời gian gần đây đã đồng hành, trợ giúp pháp lý miễn phí cho nhiều trường hợp trẻ em bị XHTD trên địa bàn tỉnh, thì thực trạng trẻ em bị XHTD tại Việt Nam hiện nay nói chung và Bình Thuận nói riêng đang ở mức báo động đỏ.

Qua thực tiễn bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho trẻ em bị xâm hại thì thấy rằng, hầu hết các vụ án XHTD rất hiếm khi bị bắt được quả tang. Khi vụ việc xảy ra thì chỉ có hung thủ và nạn nhân, khi người thân phát hiện thường đã qua khá lâu, khiến công tác thu thập chứng cứ gặp nhiều khó khăn. Nhiều trường hợp chứng cứ không thể khắc phục được. Thêm vào đó, việc nạn nhân còn nhỏ tuổi, bị dư chấn tâm lý mạnh dẫn tới việc cho lời khai không thống nhất, thiếu chính xác, thậm chí khai theo gợi ý của người thân dẫn tới những khó khăn, trở ngại rất lớn trong công tác điều tra. Một khó khăn khác trong xử lý vụ việc là nhận thức pháp luật có sự khác biệt giữa các cơ quan tiến hành tố tụng, các khái niệm pháp lý về hành vi XHTD trẻ em còn chưa rõ ràng...Để ngăn chặn tình trạng này cần sự quan tâm đặc biệt của gia đình, nhà trường và toàn xã hội để tạo môi trường tốt nhất, an toàn nhất cho trẻ.  

Mạnh mẽ tố cáo và lên án!

Đừng im lặng – đó là quan điểm của luật sư Đỗ Minh Trúc, đối với những trường hợp trẻ em bị XHTD. Thực tế, số vụ XHTD trẻ em không được đưa ra ánh sáng còn rất nhiều. Vì nhiều lý do khác nhau, không ít vụ việc không được xử lý, dù có nhân chứng, bằng chứng, giám định y khoa, lời khai của nạn nhân. Trong những trường hợp này, kẻ gây ra tội ác vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật, còn nạn nhân và gia đình phải chịu sự xấu hổ, mặc cảm bởi điều tiếng xung quanh. Nhiều gia đình phải bán nhà, chuyển đi nơi khác để con mình không phải chịu tai tiếng và nhanh quên ám ảnh từ việc bị xâm hại.

                
   Luật sư Đỗ Minh Trúc, Phó Chủ nhiệm Đoàn    Luật sư Bình Thuận.

Hậu quả mà trẻ em phải chịu sau khi bị XHTD vô cùng to lớn. Các em không chỉ chịu những đau đớn về thể xác, mà tổn thương tinh thần rất khó điều trị, ám ảnh nạn nhân suốt đời. Do vậy, khi có hành vi bị XHTD trẻ em thì nạn nhân và gia đình không nên im lặng, phải hành động để tội ác được đưa ra ánh sáng và bị pháp luật nghiêm trị. Cụ thể là cần mạnh mẽ tố cáo đến các cơ quan chức năng, nhờ Trung tâm Trợ giúp pháp lý hỗ trợ.

Để giảm các vụ XHTD trẻ em xuống mức thấp nhất, trước hết các bậc ông bà, cha mẹ, người thân trong gia đình phải thường xuyên quan tâm, sẻ chia với con cháu của mình, để từ đó kịp thời nhận biết được những thay đổi về tâm, sinh lý cần thiết của các em. Ngoài ra, cha mẹ cũng cần phải trang bị cho con cái biết cách phòng vệ trước những đối tượng có ý đồ thực hiện hành vi đồi bại. Làm được điều này, không chỉ có gia đình mà cả xã hội phải làm thật tốt công tác phòng ngừa, tập trung phổ biến các phương thức, thủ đoạn dụ dỗ trẻ em để XHTD. Các ngành chức năng nên mở các buổi ngoại khóa, tập huấn để trang bị thêm kiến thức, kỹ năng phòng ngừa, tự bảo vệ cho các nhóm đối tượng có nguy cơ cao, như trẻ em gái có hoàn cảnh gia đình éo le, khó khăn về kinh tế. Tuyệt đối không được để trẻ em ở nhà một mình khi người lớn đi vắng, không để trẻ em bước ra khỏi nhà, lang thang đến những nơi vắng vẻ…

    
  

    “Pháp luật Việt Nam khá nghiêm khắc với kẻ XHTD trẻ em. Những vụ án được   đưa ra pháp luật đều được xử lý nghiêm minh. Tuy nhiên, vấn đề là những   kẻ thực hiện hành vi có bị đưa ra pháp luật hay không còn tùy thuộc quá   trình điều tra, tiếp nhận đơn thư hay nạn nhân có dám tố cáo. Hành trình   tìm đến công lý của các nạn nhân và gia đình rất khó khăn một phần vì   định kiến, dư luận. Nhưng hình phạt như thế nào đi nữa cũng không bù đắp   hết những mất mát về tinh thần mà gia đình bị hại đã phải gánh chịu”.

     Luật sư Đỗ Minh   Trúc.

Phúc Sinh – Khánh Chi



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Phát huy truyền thống lịch sử hào hùng, vững bước xây dựng quê hương
Trong không khí hào hùng của những ngày tháng tư lịch sử, mỗi người dân Bình Thuận lại bồi hồi nhớ về thời khắc thiêng liêng của 49 năm trước, đó là Ngày giải phóng quê hương (19/4/1975) và Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975). Gần nửa thế kỷ sau khúc ca khải hoàn, vượt qua bao khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Thuận đã và đang nỗ lực xây dựng quê hương, những đổi thay hôm nay mang dấu ấn thật đáng tự hào.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Xâm hại tình dục ở trẻ em – SOS !