“Trắng tay” vì vi phạm lãnh hải nước ngoài

Pháp luật - Ngày đăng : 08:51, 09/07/2019

BT- Theo thống kê, năm 2018 toàn tỉnh xảy ra 6 vụ/9 tàu cá/63 lao động khai thác hải sản bất hợp pháp bị các nước bắt giữ. Từ đầu năm 2019 đến nay, toàn tỉnh xảy ra 3 vụ vi phạm vùng biển các nước bị bắt giữ; trong đó 2 vụ/3 tàu cá/ 20 lao động bị nước ngoài bắt giữ, xử lý. Các lao động bị bắt giữ đều phải chịu những hình thức xử lý hết sức nghiêm khắc như: phá hủy tàu, tịch thu tài sản, thậm chí người còn bị phạt tù, phạt tiền...
                
Anh Huỳnh Kim Bảo bên người con gái lớn bị    bệnh trầm cảm.

Trở về với gia đình sau 4 tháng bị bắt, phạt tù và nộp phạt, anh Hoàng Thái Bình, ở phường Phước Hội (La Gi) hiểu rõ hơn ai hết về sự mất mát, những gì mà mình và gia đình phải gánh chịu cho hành vi khai thác hải sản vi phạm vùng biển nước ngoài của mình. Bị bắt năm 2018 khi đang cùng 6 thuyền viên khai thác hải sản vi phạm vùng biển Indonesia, chiếc tàu cá BTh 99170Ts với công suất 225CV cùng tài sản trên tàu của anh bị nước bạn tịch thu. Thiệt hại ước tính lên đến hơn 1 tỷ đồng. Không còn tàu, khi về nước anh phải chọn làm lao động biển thuê để trang trải cuộc sống gia đình.

Anh Bình tâm sự: “Bị bắt, mất tàu đồng nghĩa với việc “mất đi cần câu cơm”, thu nhập bấp bênh hơn, không còn được như trước, cuộc sống gia đình cũng vất vả hơn rất nhiều”.

Cũng như anh Bình, anh Huỳnh Kim Bảo, thuyền trưởng của tàu BTh-98160Ts ở phường Tân Thiện, thị xã La Gi cũng bị Thái Lan xử phạt 18 tháng tù hoặc nộp hơn 200 triệu đồng để được bảo lãnh nếu muốn về nước. Không có tiền anh phải chấp nhận án phạt tù. Chấp hành tù được 8 tháng, không chịu nổi, anh đành phải nhờ người thân cầm cố, vay mượn 165 triệu đồng để nộp tiền bảo lãnh về nước. Số tiền vay mượn trở thành gánh nặng lớn cho cuộc sống hiện tại của anh. Khó khăn lại chồng chất khó khăn. Khi anh đang một mình nuôi 3 người con, với đứa lớn bị trầm cảm nặng không chữa trị được. “Đối với tôi từ khi được trở về nước, việc khai thác hải sản vi phạm vùng biển nước ngoài trở thành một nỗi ám ảnh không thể nào quên trong cuộc đời ngư nghiệp của mình”, anh Bảo tâm sự.

Đây chỉ là 2 trong số rất nhiều trường hợp khai thác hải sản vi phạm vùng biển bị các nước bắt giữ xử lý. Với mỗi trường hợp vi phạm chế tài, biện pháp xử lý của các nước đều rất nghiêm khắc. Hậu quả, sự mất mát mà mỗi ngư dân phải gánh chịu cho hành động của mình rất nặng nề; và đó là những bài học đắt giá cho những ai có ý định đánh bắt bất hợp pháp ở vùng biển các nước.

Trung Thành