Bất cập trong phòng, chống tham nhũng tại doanh nghiệp nhà nước 

Pháp luật - Ngày đăng : 10:21, 03/10/2019

BT- Tọa đàm khảo sát đánh giá thực trạng hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, giám sát doanh nghiệp nhà nước (DNNN) vừa được Thanh tra Chính phủ tổ chức tại Bình Thuận, nhằm lấy ý kiến xây dựng một đề án của Chính phủ có liên quan, cho thấy nhiều bất cập trong việc phòng ngừa, phát hiện tham nhũng, tiêu cực. Có ý kiến cho rằng cần xem lại vai trò của đội ngũ kiểm soát viên nội bộ và biện pháp chế tài khi có vi phạm.
                
   Đại diện một đơn vi phát biểu trong buổi    tọa đàm.

Nội dung buổi tọa đàm xoay quanh 5 nhóm vấn đề thanh kiểm tra, kiểm soát, giám sát đối với DNNN gồm: nguy cơ, thực trạng vi phạm pháp luật, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; thực trạng hoạt động thanh kiểm tra, kiểm toán, giám sát; phòng ngừa, phát hiện, xử lý vi phạm pháp luật, tham nhũng, tiêu cực; đề xuất các giải pháp, kiến nghị cần có để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động thanh kiểm tra, kiểm toán; thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả kiểm soát nội bộ nhằm phòng ngừa, phát hiện, xử lý vi phạm pháp luật, tham nhũng, tiêu cực.  

Đề cao kiểm soát viên nội bộ

Một trong nhiều ý kiến xây dựng đề án cho rằng nên xây dựng đội ngũ kiểm soát viên nội bộ tốt hơn để góp phần hạn chế tình trạng tham nhũng, tiêu cực trong các doanh nghiệp. Theo điều 104 Luật Doanh nghiệp về quyền của ban kiểm soát và kiểm soát viên trong doanh nghiệp thì họ được tham gia các cuộc họp của hội đồng thành viên (HĐTV), các cuộc tham vấn và trao đổi chính thức và không chính thức của cơ quan đại diện chủ sở hữu với HĐTV; có quyền chất vấn HĐTV, thành viên HĐTV và giám đốc hoặc tổng giám đốc công ty về các kế hoạch, dự án hay chương trình đầu tư phát triển và các quyết định khác trong quản lý điều hành công ty; xem xét sổ sách kế toán, báo cáo, hợp đồng, giao dịch và tài liệu khác của công ty; kiểm tra công việc quản lý điều hành của HĐTV; yêu cầu thành viên HĐTV, giám đốc, phó giám đốc hoặc tổng giám đốc, phó tổng giám đốc, kế toán trưởng và những người quản lý khác báo cáo, cung cấp thông tin về bất cứ việc gì trong phạm vi quản lý và hoạt động đầu tư, kinh doanh của công ty; trường hợp phát hiện giám đốc, tổng giám đốc và những người quản lý khác làm trái các quy định về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của họ, hoặc phát hiện hành vi vi phạm pháp luật, làm trái các quy định về quản lý kinh tế, trái quy định điều lệ công ty hoặc các quy chế quản trị nội bộ công ty phải báo cáo ngay cho cơ quan đại diện chủ sở hữu công ty, các thành viên khác của ban kiểm soát và cá nhân có liên quan...

Tuy vậy, thực tế hiện nay đội ngũ kiểm soát viên trong doanh nghiệp nhà nước hết sức mờ nhạt vì liên quan đến “cơm áo gạo tiền”, nên quyền và chức năng nhiệm vụ của họ không thể phát huy. “Ngoài việc số lượng kiểm soát viên mỏng, năng lực hạn chế thì hưởng lương và chịu sự kiểm soát ngay chính nơi mình làm việc thì làm sao có thể làm tốt chức năng của mình. Cần có quy định mới cho kiểm soát viên nội bộ, đại diện Sở Nội vụ nêu ý kiến. Cũng liên quan đến vấn đề, bà Nguyễn Thị Minh Tâm – Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, vai trò của kiểm soát viên trong doanh nghiệp rất mờ nhạt khi chúng tôi hỏi, họ không dám trả lời cứ nhìn tổng giám đốc hoặc giám đốc, phó giám đốc... Không phát huy được quyền, năng lực của mình, giải quyết những việc đơn giản còn không làm được thì làm sao có thể làm được việc nhạy cảm khác, cho nên phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực còn hạn chế. Kiểm soát nội bộ đóng một vai trò hết sức quan trọng trong hoạt động kinh tế của các doanh nghiệp và tổ chức. Nó không chỉ giúp doanh nghiệp quản lý hữu hiệu và hiệu quả hơn các nguồn lực kinh tế, mà còn góp phần hạn chế tối đa những rủi ro phát sinh trong quá trình hoạt động.  

Chế tài chưa đủ mạnh

Ngoài việc đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, kiểm soát viên nội bộ và vấn đề công khai minh bạch thì thêm vào đó biện pháp chế tài khi phát hiện có vi phạm. Nhiều đại biểu lấy ví dụ so sánh doanh nghiệp nhà nước với doanh nghiệp tư nhân, một bên “cha chung không ai khóc”, còn bên kia “chiến đấu” sống còn để không bị phá sản. “Sức khỏe” của một doanh nghiệp tư nhân có vấn đề thì giám đốc doanh nghiệp ấy “ăn không ngon ngủ không yên” tìm cách “điều trị” cho bằng được, ngược lại doanh nghiệp nhà nước thì sau khi về hưu  để lại hậu quả cho người kế nhiệm. Cơ chế hoạt động trong các DNNN vẫn chưa nhanh nhạy, gọn gàng, rõ ràng so với DNTN, nhân viên còn nể nang né tránh ngại va chạm, còn vi phạm nhiều quy định  pháp luật nhà nước nên dẫn đến vấn đề xấu nảy sinh. Có thể một phần do biện pháp chế tài hiện nay còn hạn chế, bà Tâm cho biết, hiện nay đi thanh kiểm tra một số đơn vị vi phạm như về lĩnh vực lao động cũng như quy chế dân chủ cơ sở hoặc có kiến nghị đơn vị đó không làm đúng quy định công khai minh bạch, đối thoại với người lao động,... nhận thấy biện pháp chế tài rất hạn chế, không đủ sức răn đe...

Để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong các doanh nghiệp nhà nước đạt hiệu quả hơn, một mặt cần ngăn chặn và xử lý nghiêm hành vi tham nhũng, tiêu cực; mặt khác phải có chế tài đủ mạnh để răn đe.

    
    Theo báo cáo của Thanh   tra tỉnh:     trước năm 2015,   trên địa bàn tỉnh có 48 doanh nghiệp, trong đó 32 doanh nghiệp và công   ty cổ phần có vốn nhà nước. Thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ   về đề án tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, UBND tỉnh đã phê duyệt đề án   tái cơ cấu DNNN giai đoạn 2016 – 2020 của 4 doanh nghiệp có 100% vốn nhà   nước gồm Công ty Xổ số kiến thiết, Công ty Khai thác công trình thủy   lợi, Công ty Lâm nghiệp Bình Thuận và 2 doanh nghiệp cổ phần có vốn nhà   nước là Công ty cổ phần Cấp thoát nước và Công ty cổ phần Môi trường và   Dịch vụ.

Lê Ninh