Áo choàng trắng và hoa

Đời sống - Ngày đăng : 16:30, 27/02/2017

BT- Tháng hai dương lịch. Ở mảnh đất cuối Trung đầu Nam, buổi sáng se lạnh, buổi chiều không thấy gió kiểu “Tháng giêng động dài, tháng hai động tố”. Tháng hai dương lịch có một ngày dành cho những người phục vụ trong ngành y tế: Ngày Thầy thuốc Việt Nam.

Mới đây thôi, ngày Valentine đầy hoa cho đôi lứa yêu nhau. Hoa tràn ra đường phố, giỏ hoa, bó hoa lung linh sắc màu. Thế là chợt chạnh lòng vì Ngày Thầy thuốc thì ít ai tặng hoa cho thầy thuốc, trừ nghi thức trong những buổi lễ kỷ niệm. Thế là “ghen tỵ” với thầy giáo sao ngày 20/11 thầy cô được tặng nhiều hoa quá?

Nghề y là một nghề đặc biệt, liên quan từ lúc con người chưa sinh ra đến lúc nhắm mắt xuôi tay về cõi vĩnh hằng. Khi chưa kết hôn, đôi lứa được tư vấn nên sinh lúc nào, khoảng cách sinh là bao nhiêu năm. Khi mang thai, được dặn dò vệ sinh thai nghén, chích ngừa uốn ván, uống viên sắt, khám thai định kỳ, sàng lọc trước sinh… Vừa chào đời thì người mẹ được thông tin “cho bú sữa mẹ càng sớm càng tốt, bú hoàn toàn trong 6 tháng đầu, bú đến 24 tháng tuổi”…

Nhi khoa kéo dài cho đến lão khoa. Hết bệnh này đến bệnh khác, lây lan, máu mủ, căng thẳng, thức đâu đêm nhưng phải nhanh chóng và chính xác. Đứng trước một bệnh nhân, dù họ là ai thì thầy thuốc luôn mong muốn họ mau lành bệnh. Dù biết bệnh tình sẽ không qua khỏi, nhưng vẫn cứ hy vọng và dốc sức “còn nước còn tát”.

Nghề y là một nghề đặc biệt. Thầy thuốc không có ngày nghỉ, ngày lễ bình thường như các ngành nghề khác. Chợt thấy “so đo” khi thầy cô giáo nghỉ hè, nghỉ tết nhiều ngày, còn thầy thuốc thì phải trực 24/24. Ngay trong ngành cũng có “khác biệt”, đó là trực cho bệnh nhân uống methadol; triền miên, liên tục, suốt năm với một bệnh nhân quen thuộc.

Đâu chỉ có chữa bệnh, cấp cứu, còn phải kể “đến từng ngõ, gõ từng nhà” tuyên truyền phòng chống dịch bệnh. Đội ngũ này có y tế thôn, cộng tác viên thầm lặng và kiên trì bên cạnh những thầy thuốc. Chuyện giải thích, hướng dẫn súc rửa, đậy nắp lu khạp, ngủ mùng, rửa tay trước khi ăn, cách chế chén bột... cứ dài từ năm này qua năm khác, làng trên, xóm dưới và vẫn đang tiếp tục đấy thôi.

Nghề y là một nghề đặc biệt. Học dài ngày, thực tập dài ngày và luôn được đặt trong tình trạng “sẵn sàng chiến đấu”. Không chỉ có thầy thuốc, những người không học y dược nhưng công tác trong các bệnh viện như tài xế xe cấp cứu, hộ lý, bảo vệ, kỹ thuật điện… cũng “hợp đồng tác chiến”.  

Có câu ví von mà chắc là sự thật: “Nghề y là trung tâm tàn phai nhan sắc”! Đó là chưa kể đòi hỏi từ bệnh nhân và người nhà của họ “bác sĩ thì bệnh gì cũng trị được”. Giải thích, trần tình thế nào khi đứng trước sự tin tưởng vượt qua khả năng cho phép của y học? Và, rất buồn khi cứ được thông tin về chỗ này, chỗ kia thầy thuốc bị người nhà bệnh nhân hành hung, rượt đuổi, sỉ vả.

Nghề y là một nghề đặc biệt, thầy thuốc cơ mà! Y đức được đặt cao nhất, lớn nhất từ khi mới vào trường cho đến lúc hành nghề. Ừ thì đã chọn nghề thì hãy chọn luôn những khó khăn, trắc trở của nghề rất đỗi cao quý. Những nụ cười âu yếm của sản phụ nhìn con mình khóc chào đời, những lời chào cảm ơn khi xuất viện là hoa bốn mùa mà cuộc đời này dành tặng; để ta thấy mình sống ý nghĩa hơn giữa đồng loại, đồng bào; để yêu hơn cuộc sống này, để dặn mình trọn vẹn với hai chữ thầy thuốc.

Hồng Thạnh