Góc nhìn giáo dục: Phòng truyền thống trường học

Giáo dục - Thanh niên - Ngày đăng : 09:05, 30/03/2018

BT- Nhiều học sinh thắc mắc, không biết mục đích của phòng truyền thống trong nhà trường là để làm gì? Mới nghe tưởng câu hỏi ngớ ngẩn, nhưng khi các em nêu thực trạng về phòng truyền thống ở trường, chúng tôi mới ngớ ra.
                
Một góc phòng truyền thống. Ảnh minh họa

Truyền thống và phòng truyền thống

Khi trao đổi, nhiều em tỏ ra hiểu nhầm về hàm ý của từ truyền thống. Nghĩa là các em liệt kê xâu chuỗi hàng loạt những chuyện xấu rồi quy ra gọi đó là truyền thống. Hiểu như thế có lẽ các em dừng lại ở mức độ nhất định nào đó về cách giải thích, định nghĩa trong từ điển, như theo “Từ điển Hán Việt” của Đào Duy Anh giải thích “truyền thống”  ()  là “Đời nọ truyền xuống đời kia”; còn trong “Từ điển tiếng Việt” thì định nghĩa truyền thống là “Thói quen hình thành đã lâu đời trong lối sống và nếp nghĩ, được truyền lại từ thế hệ này sang thế hệ khác”(1). Như vậy, cũng có những sự việc, hiện tượng xấu, không mấy tốt đẹp, nhiều khi cũng hình thành thói quen rồi cứ diễn đi diễn lại, gây ảnh hưởng tác hại không nhỏ đến đời sống tinh thần. Nếu hiểu theo hướng này dùng từ “hệ thống” () hợp lý và dễ chấp nhận hơn là từ “truyền thống”, như khi nêu một nhận xét: “Không phải nó mới mắc lỗi lần đầu mà đã liên tục lặp đi lặp lại mang tính “hệ thống” rồi đấy”, chứ không thể nói “mang tính “truyền thống” rồi đấy”.

Còn “truyền thống” là “những thói quen hình thành lâu đời” nhưng đó là thói quen mang tính tốt đẹp, có khi đó là những đức tính, những biểu hiện cao cả, thiêng liêng, thể hiện niềm tự hào, luôn được lưu giữ để truyền lại, nhằm mang tính giáo dục tác động tích cực đến đời sống tinh thần - đạo lý, nhân cách. Như truyền thống yêu nước, truyền thống nhân đạo, truyền thống hiếu học, hiếu nghĩa, truyền thống lao động cần cù và sáng tạo… Từ xưa đến nay nghĩa truyền thống trong tâm thức cộng đồng là nói đến những cái tốt, cái hay, cái đẹp được lưu giữ để truyền từ đời này sang đời khác, mong muốn cho những thế hệ con cháu đời sau noi gương, có những hành xử nối tiếp ngày một thăng hoa, hoàn mĩ, tốt đẹp hơn. Khi cha ông đã “truyền” cho con cháu là truyền những gì quý giá thiết thực gắn liền với đời sống. Như Nguyễn Khoa Điềm từng nói trong “Mặt đường khát vọng”: “Họ giữ và truyền cho ta hạt lúa ta trồng/Họ chuyền lửa qua mỗi nhà, từ hòn than qua con cúi/ Họ truyền giọng điệu mình cho con tập nói”… Còn cái xấu, cái ác thì phải cảnh báo, tìm mọi cách ngăn chặn, tiêu diệt, chứ có ai truyền cái xấu, cái ác để gây nguy hại, tai họa con cháu, nòi giống bao giờ. Khi nghe chúng tôi trao đổi như thế, các em tỏ ra rất thích thú, nhưng một em nói: “Thế mà ở trường em trong buổi chào cờ có thầy lên phê bình rằng lớp 11L có truyền thống quậy phá”.  

Mục đích xây dựng phòng truyền thống trong trường học là để trưng bày, lưu giữ những tư liệu, kỷ vật quý báu thể hiện niềm tự hào gắn liền với quá trình phát triển của nhà trường, để giáo viên, học sinh, phụ huynh thường ngày lui tới tham quan, tìm hiểu, hoặc những thế hệ học sinh đã trưởng thành đi xa thỉnh thoảng có dịp trở về ghé thăm, nhằm tác động đến nhận thức, tình cảm, bồi đắp vào nét đẹp tâm hồn của mỗi người đã từng xuất thân – gắn kết từ ngôi trường ấy. Như vậy khi xây dựng phòng truyền thống nhà trường là để học sinh lui tới ngắm nhìn, tìm hiểu, để thấy được những thành tích mà trường đã làm nên, nhắc nhở, khơi gợi niềm tự hào mà noi theo tiếp tục đóng góp, xem đó là trách nhiệm và niềm vinh dự của bản thân. Có thể xem phòng truyền thống như một bảo tàng” của nhà trường, nên cần hết sức chăm sóc để phát huy tác dụng giáo dục. Nếu xây dựng được phòng truyền thống đúng ý nghĩa, nó sẽ là hành trang tiếp sức cho các thế hệ học sinh noi theo chắp cánh bay lên.

 Thực trạng về sự hững hờ

Việc học sinh trao đổi làm “chúng tôi ngớ ra” là hiện nay hầu như phòng truyền thống ở các trường chẳng mấy người ghé thăm, bởi nguồn tư liệu trưng bày nghèo nàn, đơn điệu. Nhiều trường bỏ công xây dựng phòng truyền thống nhưng rồi quanh năm đóng cửa, không chịu sửa sang, nhện giăng, bụi bám… Xây dựng phòng truyền thống như vậy để làm gì? Hay là chỉ làm cho đủ tiêu chí (một trong những tiêu chí) để được đánh giá xếp loại đạt trường chuẩn quốc gia! Chúng tôi nghĩ, tập trung đầu tư xây dựng cái gì thì phải xem hiệu quả tác dụng thiết thực của nó và nên chấm dứt chủ nghĩa hình thức vô bổ trong trường học.

Võ Nguyên

(1): Viện Khoa học xã hội Việt Nam – Viện Ngôn ngữ học, Trung tâm từ điển ngôn ngữ xuất bản, Hà Hội, 1992.