Nhãn mùa nghịch

Đời sống - Ngày đăng : 16:39, 12/06/2020

BT- Và sau bao bận chặt trồng, trồng chặt, người dân ở đây chọn cây nhãn là cây ăn trái chịu hạn rồi khai thác cây trồng ấy để tăng chất lượng, năng suất, diện tích, khẳng định thương hiệu “Nhãn xuồng Thắng Hải” qua Cục Sở hữu trí tuệ… 

Nhãn Suối Bang

“Hình như trời Thắng Hải đón chào khách hay sao ấy. Nhiều ngày không mưa, sáng nay mưa một trận tối trời đất…”- chị Phó Chủ tịch UBND xã Thắng Hải, nói vui với chúng tôi như thế khi gặp mặt. Cứ như đó là sự mong mỏi nhiều ngày, nhiều tháng trước đó của chị, của những người dân ở đây và cả những cây trái ở vùng giáp ranh với Bình Châu – Vũng Tàu này. Ven đường đi là những vườn nhãn xanh mát có trái và cả không trái nhưng hình như vườn nào cũng có trồng xen mít. Từ lúc nào chẳng biết, mô hình mít trồng xen nhãn được xem là đặc trưng của vùng Suối Bang, Thắng Hải, Hàm Tân. Đã nghe mô hình này ở đâu đó trong một hội nghị sản xuất và bây giờ, chính hình ảnh ấy khiến tôi biết mình đang ở thôn Suối Bang.

Đang trưa. Không có tiếng gà gáy eo óc mà người ta hay nghĩ đến không gian ở vùng giáp ranh vốn đất rộng người thưa. Cũng không thoang thoảng mùi nhãn chín mà tôi tưởng tượng khi từng đi vào vùng nhãn chuyên canh của Tiền Giang. Nhưng dù không hương thơm, bây giờ, Suối Bang đang vào mùa nhãn trái vụ. Nhãn xuồng, nhãn da bò, thanh nhãn…đang chín. “Giá nhãn đang ở mốc 40.000 – 45.000 đồng/kg, thương lái mua tận vườn. Không cao cũng không thấp so với cùng thời điểm năm trước. Nhưng vụ nghịch năm nay, hiện chỉ có 15 ha nhãn cho trái nên mỗi vườn cũng chỉ cho 1-2 tạ nhãn. Nếu có nước thì số vườn có trái còn nhiều hơn, vì cả thôn hiện có 70 ha nhãn đang thời kỳ cho trái trên tổng diện tích khoảng 130 ha nhãn.” - Trưởng thôn Suối Bang Trần Văn Luyến nói như khẳng định có nước là có tất cả.

Mà đúng thật, ở vùng nông nghiệp thì đó là chân lý. Hơn nữa, thực tế tại đây chứng minh rất rõ điều đó. Trước đây, nơi này vườn nhãn mênh mông, hợp thổ nhưỡng, nhãn cho trái thơm ngon, đạt năng suất cao hơn những nơi khác. Nhưng cũng không thoát cảnh được mùa, mất giá và đụng hàng dội chợ. Nhãn lại là trái cây tươi. Qua nhiều bận phụ thuộc hên xui ấy, mấy năm nay, người dân ở đây quyết tâm thay đổi giống mới và sản xuất trái vụ. Mùa vụ chính của nhãn là khi trời đổ mưa, nhãn sẽ ra bông, kết trái, tức thời điểm hiện giờ. Còn để làm trái vụ, người dân tích cực tưới nước cho cây, từ 4-5 tháng trước để bây giờ cây cho trái. Cây ra bông đậu trái và chín trong vòng 4 tháng nhưng vườn nào dồi dào nước, nhãn cho thu hoạch sớm hơn 10 ngày, tức 110 ngày. Hành trình ấy không đơn giản và có thể nói là phải “trông trời, trông đất, trông mây” thì mới mong thu về con số 300 - 400 triệu đồng/ha. Ông Luyến phân tích thêm: “Nếu thuận thời tiết, có nước tưới dồi dào, 1 gốc nhãn cho thu 30-40 kg nhãn mà 1 ha có khoảng 400 gốc, nhãn có giá 40.000 đồng/kg, tính ra thu nhập là con số không nhỏ. Nhưng thực tế, điều đó chỉ thi thoảng. Vì có nhiều yếu tố trở ngại, nhãn cho trái nhiều hay ít là tùy vào thời tiết, nước tưới… Mà nước thì đang là nỗi lo lớn nhất của dân trong thôn, trong đó có gia đình tôi”.    

Nước là chìa khóa

Ông Luyến kể nhà ông hiện có 7 giếng khoan nhưng 5 giếng hiện không có nước, 2 giếng còn lại nước yếu, bơm tốn tiền dầu mà nước lên rất ít. 185 hộ trong thôn Suối Bang này cũng thế, nhà nào cũng có nhiều giếng, vì giếng ở đây sau khi khoan, đào chỉ có nước trong vòng 3-4 năm, sau đó thì hết. Chủ nhà lại đi khoan giếng khác, cứ thế theo thời gian. Nỗi niềm đã thành khắc khoải ấy không chỉ bây giờ mà là từ thuở xưa khi tên con sông, địa danh đều là sự trao gửi tâm tư. Này là con sông chảy qua vùng được đặt tên là sông Đu Đủ. Nơi đây có rất nhiều con suối nhưng cứ đến tết là phơi đáy, duy chỉ có suối Bang là không, thế là tên thôn này đã lấy tên của con suối dồi dào nước nhất ấy. Và sau bao bận chặt trồng, trồng chặt, người dân ở đây chọn cây nhãn là cây ăn trái chịu hạn rồi khai thác cây trồng ấy để tăng chất lượng, năng suất, diện tích, khẳng định thương hiệu “Nhãn xuồng Thắng Hải” qua Cục Sở hữu trí tuệ… Cũng từ đó, 90 hộ nghèo trong thôn tại năm 2011, đến giờ đã có 88 hộ thoát nghèo. 

Nhưng tình hình cho thấy, càng ngày, nước ngầm càng tụt thấp. Đâu chỉ Suối Bang mà còn Suối Tứ, Hà Lãng, 2 thôn cũng trồng cây ăn trái chịu hạn trên nhưng không nhiều lắm cũng đang đối diện với tình cảnh trên. Khi đặt vấn đề này, lãnh đạo xã Thắng Hải lục lại một công trình mà xã đã kiến nghị từ năm 2015. Đó là xây dựng đường ống dẫn nước từ đập Cô Kiều, vốn lấy nước từ hồ Sông Dinh 3, về điểm đầu tiên là thôn Suối Bang dài khoảng 6 km. Sau đó, nước sẽ đổ ra sông Chùa dài thêm 3 km nữa, trên sông có xây 9 đập ngăn nước để người dân tại các thôn khác trong xã bơm nước lên tưới vườn tược. Tuy nhiên, vì thiếu vốn nên tới nay, công trình trên vẫn chưa triển khai trên thực tế.

Và đó là lý do vì sao vùng Suối Bang vào mùa này chỉ có 15 ha nhãn cho trái vụ nghịch. Ai cũng biết, chỉ có cây trái vụ nghịch thì mới có giá cao. Trên đường về, tôi cứ loay hoay trong suy nghĩ chuyện mai này hay gần nhất là năm sau, những giếng nước ở đây tiếp tục ít nước hơn theo quy luật thì chuyện gì sẽ xảy ra. Vùng cây ăn trái trải dài ở đây vốn đã có thương hiệu sẽ như thế nào, khi chỉ mong trời mưa xuống, nhãn có trái lại gặp cảnh đụng hàng dội chợ truyền thống? Trong khi đó, những thủ tục để hoàn thiện sản phẩm, cụ thể là nhãn VietGap… cho mở rộng các thị trường cao cấp như  hệ thống các siêu thị, xuất khẩu thì lại luôn có trở ngại khách quan lẫn chủ quan, lại mất nhiều thời gian… Trong hàng loạt những trở ngại ấy, chỉ có nước sẽ là chìa khóa giúp vùng nhãn này có sức “chịu đựng” để xóa bao khó khăn trên, mà bắt đầu là từ nhãn vụ nghịch.

Ghi chép: Bích Nghị