Chọn vấn đề bức xúc để giám sát, phản biện

Xã hội - Ngày đăng : 14:06, 02/01/2019

BT- Qua 5 năm (2013 - 2018), thực hiện Quyết định 217 và 218 của Bộ Chính trị, Mặt trận các cấp trong tỉnh đã xác định chọn những nội dung quan trọng, trọng tâm, bức xúc của nhân dân để tiến hành giám sát. Qua đó, phát huy dân chủ, quyền và trách nhiệm của MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia xây dựng Đảng, chính quyền. 
         
      Các    nội dung giám sát tập trung vào các vấn đề nổi cộm, bức xúc của nhân    dân như giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân;    việc tiếp nhận, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo; việc giải    quyết các chế độ bảo hiểm y tế cho đối tượng hộ nghèo, cận nghèo    được hưởng bảo hiểm y tế...

Theo UBMTTQVN tỉnh, từ năm 2015 đến nay Mặt trận cấp tỉnh thực hiện được 8 cuộc giám sát, đã kiến nghị 53 ý kiến với UBND tỉnh và các sở, ban, ngành liên quan. Đến nay đã được giải quyết 27 ý kiến, còn các ý kiến khác đang tiếp tục giải quyết. Các hoạt động giám sát tập trung vào các vấn đề, lĩnh vực có ý nghĩa cấp bách với toàn xã hội như giám sát UBND tỉnh về chính sách thực hiện việc bồi thường thiệt hại về nhà ở cho một số hộ dân ở xã Vĩnh Tân bị ảnh hưởng do việc nổ mìn thi công Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 4. Giám sát Sở Tài nguyên và Môi trường về giải quyết tình hình ô nhiễm môi trường tại thôn Ung Chiếm, xã Hàm Thắng (Hàm Thuận Bắc). Giám sát Sở Xây dựng về việc tham mưu UBND tỉnh giải quyết phản ánh, kiến nghị của cử tri khu phố 8, thị trấn Võ Xu, huyện Đức Linh về việc cấp giấy phép xây dựng cho Công ty TNHH Thanh Quang... Sau giám sát, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã phân công Ban Dân chủ - Pháp luật cơ quan Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tiếp tục theo dõi việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát.

Riêng đối với Mặt trận các huyện, thị xã, thành phố, hàng năm đã chủ động lựa chọn các nội dung giám sát phù hợp với tình hình thực tế, xin ý kiến cấp ủy cùng cấp và thực hiện quyền giám sát theo quy định. Đến nay đã thực hiện được 75 cuộc giám sát và có 240 ý kiến kiến nghị đến UBND cấp huyện, phòng, ban có liên quan giải quyết (trong đó có 168 ý kiến được UBND cấp huyện, các phòng, ban trả lời). Cùng với đó, Mặt trận cấp xã cũng đã tiến hành giám sát 589 cuộc, kiến nghị 1.867 ý kiến, kiến nghị đến UBND cấp xã, các ngành liên quan giải quyết (đến nay có 934 ý kiến được trả lời, còn lại các ý kiến đang được xem xét).

Bên cạnh đó, Mặt trận các cấp trong tỉnh đã triển khai thực hiện tốt công tác tham gia xây dựng chính sách, pháp luật, đặc biệt chú trọng các dự án luật có liên quan trực tiếp tới quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, tổ chức bộ máy nhà nước và của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Tham gia góp ý dự thảo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý vào dự thảo báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh. Triển khai đặt hòm thư góp ý tại trụ sở cơ quan Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp. Tổ chức thực hiện đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân theo Quyết định số 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) trong hệ thống Mặt trận các cấp trên địa bàn tỉnh. Kết quả, Ban Thường trực Mặt trận tỉnh đã phối hợp tham mưu cho Thường trực Tỉnh ủy tổ chức được 3 đợt đối thoại giữa Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh với công dân trên địa bàn TP. Phan Thiết, thị xã La Gi và huyện Tuy Phong. Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp huyện, cấp xã phối hợp tổ chức cho công dân trong xã, huyện đối thoại trực tiếp với Bí thư và Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã…

Có thể khẳng định những kết quả bước đầu trong thực hiện Quyết định số 217, 218 của Bộ Chính trị đã góp phần giải quyết các nguyện vọng chính đáng của nhân dân, hạn chế tình trạng khiếu kiện vượt cấp kéo dài, tăng cường mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân.

 Thanh Thủy