Vì sao tội phạm gia tăng?

Vấn đề và sự kiện - Ngày đăng : 11:25, 19/02/2016

BTO- Năm 2015 khép lại với những lo lắng, bất an của người dân trước tình hình tội phạm diễn biến ngày càng dã man, hung hãn và manh động hơn. Đặc biệt tội phạm giết người tính chất ngày càng nghiêm trọng, liên tục xảy ra các vụ giết nhiều người trong một gia đình, đối tượng gây án hầu hết còn trẻ, chưa có tiền án, tiền sự, nhưng hành vi phạm tội rất chuyên nghiệp, dã man, tàn độc. Điển hình là vụ giết 6 người ở Bình Phước, giết 4 người ở Nghệ An, giết 4 người ở Yên Bái, rồi các vụ giết người ở Thanh Hóa, Bắc Giang, Gia Lai, Hải Phòng, Nam Định…
Xét xử vụ giết người ở Bình Phước
Lê Văn Luyện trước vành móng ngựa

Trong 5 năm qua (2011 – 2015), tội phạm giết người do nguyên nhân xã hội gia tăng đáng báo động. Đã xảy ra nhiều vụ giết người tàn bạo, chặt xác phi tang gây bức xúc trong dư luận. Trung bình mỗi năm xảy ra khoảng 1.000 vụ giết người do mâu thuẫn nội bộ gia đình, cộng đồng dân cư. Đặc biệt, trong đó có khoảng 14 – 15% là các vụ người thân trong gia đình giết hại lẫn nhau. Loại tội phạm có tổ chức gia tăng như: giết người cướp tài sản, tổ chức mạng lưới đánh bạc, cá độ, buôn người, hoạt động mại dâm, buôn bán ma túy xuyên quốc gia. Tội phạm chống người thi hành công vụ cũng manh động, liều lĩnh hơn. 5 năm qua có 26 cảnh sát hy sinh, 210 cảnh sát bị thương khi làm nhiệm vụ.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập sâu vào kinh tế thế giới, ở Việt Nam ngày càng xuất hiện các loại tội phạm mới, xuyên quốc gia như: rửa tiền, buôn người, ma túy, xâm hại môi trường, vi phạm sở hữu trí tuệ…

Vì sao ở Việt Nam lại có nhiều tội phạm như vậy? Theo Bộ Công an có mấy lý do khách quan sau:

5 năm qua, do tác động khủng hoảng kinh tế toàn cầu, nhiều doanh nghiệp bị giải thể, lao động thiếu việc làm, thất nghiệp nhiều, đời sống khó khăn. Mặt khác sự đổ vỡ hàng loạt vụ “tín dụng đen” làm phát sinh nhiều vụ án xâm phạm tính mạng, sức khỏe, liên quan đến đòi nợ thuê.

Sự phát triển vũ bảo của công nghệ thông tin tạo ra nhiều loại hình dịch vụ viễn thông, internet mới, khó quản lý. Đồng thời xuất hiện hàng loạt mã độc tinh vi, nguy hiểm, có khả năng tấn công mạng, đánh cấp thông tin người dùng qua mạng internet.

Nhiều chuẩn mực đạo đức xã hội xuống cấp, công chúng đặc biệt là lớp trẻ đang bị “đầu độc” bởi quá nhiều sản phẩm văn hóa nghe – nhìn, giải trí có nội dung kích động bạo lực trên internet, game online…

Số người nghiện ma túy gia tăng (hiện có trên 200.000 người nghiện), xu hướng ngày càng trẻ hóa, số thanh thiếu niên sử dụng ma túy đá tăng nhanh, hiệu quả cai nghiện thấp, kéo theo sự gia tăng phức tạp về an ninh trật tự.

Trong khi ấy, nguồn lực đầu tư tài  chính cho chương trình mục tiêu Quốc gia phòng chống tội phạm đã bị cắt giảm trên 50% do kinh tế khó khăn, ngân sách eo hẹp. Nhiều địa phương không tự cân đối được ngân sách, nên không bố trí cho công tác phòng chống tội phạm. Phương tiện, chế độ đãi ngộ cho lực lượng công an xã còn rất khó khăn.

Thực hiện các cam kết của tổ chức thương mại thế giới, Hiệp định thương mại tự do, Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương và hình thành cộng đồng ASEAN, đất nước ta sẽ có cơ hội phát triển nhanh hơn. Nhưng trật tự xã hội sẽ phức tạp hơn, tội phạm hình sự xu hướng tăng, tính chất, mức độ nghiêm trọng hơn, nhất là tội phạm có tổ chức, xuyên quốc gia, sử dụng “vũ khí nóng”, ma túy, giết người, sử dụng công nghệ cao…

Điều quan tâm mong muốn của nhân dân trong năm mới là làm sao tội phạm bớt hoành hành, để họ yên tâm làm ăn, sinh sống. Trong Hội nghị trực tuyến sơ kết 5 năm phòng, chống tội phạm, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có nói, đại ý: kinh tế phát triển mà tội phạm hoành hành, nhân dân thấp thỏm lo sợ bất an, thì cũng không ý nghĩa gì. Thà rằng nghèo một chút, nhưng cuộc sống bình yên, hạnh phúc vẫn hơn!

Đặng Dũng