Tiết kiệm là quốc sách

Vấn đề và sự kiện - Ngày đăng : 07:36, 14/04/2016

BT - Nhiều ý kiến cho rằng, lãng phí ở nước ta hiện nay đã đến hồi báo động đỏ ở mức rất nguy hiểm. Thực trạng lãng phí đã và đang là vấn đề bức xúc, gây tác hại to lớn cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Một thực tế không thể phủ nhận, đó là nhìn đâu cũng thấy lãng phí: quy hoạch treo; nhiều dự án thu hồi đất, giải phóng mặt bằng rồi bỏ trống; nhiều dự án triển khai dang dở rồi “đắp chiếu”; phát triển nhiều khu công nghiệp nhưng rất ít khu công nghiệp có tỷ lệ lấp đầy các dự án; các công trình, dự án chất lượng xây dựng kém, hiệu quả sử dụng thấp; việc sử dụng xe công, các nguồn lực của tập thể (điện, nước, nhà ở…) còn lãng phí; trong tiếp khách, họp hành, lễ hội, hiếu hỷ, trang bị cơ sở vật chất; thủ tục hành chính rườm rà, chậm được giải quyết… Thực trạng lãng phí đã và đang là vấn đề bức xúc, gây tác hại to lớn cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội của...

Năm 2016 là năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 -2021. Trong bối cảnh đó, việc xây dựng và thực hiện Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2016 phải được coi là nhiệm vụ trọng tâm của các cấp, các ngành, các địa phương.

Theo đó, mục tiêu của kế hoạch thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2016 là tiếp tục đẩy mạnh công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội để sử dụng hiệu quả nguồn lực và góp phần tích cực bổ sung nguồn lực thực hiện các mục tiêu tăng trưởng, phát triển kinh tế, ổn định đời sống, tiêu dùng của nhân dân, bảo đảm an sinh, xã hội.

Yêu cầu đặt ra là các cấp, các ngành, các địa phương cần tiếp tục quán triệt chủ trương tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng; xem tiết kiệm là quốc sách, đẩy mạnh việc quản lý chặt chẽ, tiết kiệm chi tiêu ngân sách; thực hiện tiết kiệm 10% chi thường xuyên, trong đó, phấn đấu tiết kiệm tối thiểu 12% các khoản kinh phí chi hội nghị, hội thảo, tọa đàm, họp, chi tiếp khách, khánh tiết, tổ chức lễ hội, lễ kỷ niệm, sử dụng xăng xe, điện, nước, văn phòng phẩm, sách, báo, tạp chí; tiết kiệm tối thiểu 15% chi đoàn ra, đoàn vào; tiết kiệm triệt để trong quản lý, sử dụng kinh phí của đề tài nghiên cứu khoa học; rà soát các chương trình, dự án để ưu tiên bố trí nguồn lực đối với các chương trình, dự án cần thiết, hiệu quả, cắt giảm các chương trình, dự án có nội dung trùng lặp, kém hiệu quả…

Trong quản lý, sử dụng vốn đầu tư xây dựng cơ bản cần tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm các quy định của Luật Đầu tư công; tăng cường các biện pháp nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với tất cả các khâu trong quá trình đầu tư; bảo đảm công khai, minh bạch trong đấu thầu; rà soát cắt giảm 100% các dự án không nằm trong quy hoạch, kế hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt; thu hồi đối với các dự án đã được cấp phép đầu tư nhưng quá thời hạn quy định không triển khai; cắt giảm, tạm dừng các hạng mục công trình chưa thực sự cần thiết hoặc hiệu quả đầu tư thấp; không để phát sinh thêm và xử lý dứt điểm nợ đọng xây dựng cơ bản. Nâng cao chất lượng công tác khảo sát, thiết kế, giải pháp thi công, thẩm định dự án để phấn đấu tiết kiệm từ 10% đến 15% tổng mức đầu tư; cắt giảm 100% việc tổ chức lễ động thổ, lễ khởi công, khánh thành các công trình xây dựng cơ bản…

Để thực hiện có kết quả chương trình thực hành tiết kiệm chống lãng phí đã đề  ra, cần tiếp tục tổ chức học tập, đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến, quán triệt Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, các chỉ thị, nghị quyết của Ban Bí thư, Chính phủ, về tăng cường thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện trên các lĩnh vực thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, trong đó chú trọng đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong tất cả các lĩnh vực nhất là đất đai, xây dựng, thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội. Thực hiện công khai, giám sát thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; thường xuyên kiểm tra, thanh tra, xử lý các vi phạm về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Đẩy mạnh cải cách hành chính, hiện đại hóa quản lý; thực hiện kiên trì, kiên quyết, có hiệu quả trong công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí; tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, kịp thời khắc phục và xử lý dứt điểm, nghiêm minh các vi phạm qua kiểm tra, thanh tra theo quy định pháp luật.

Hồng Lê