Vượt qua nỗi đau để đến trường

Cuộc thi "HOA HỌC ĐƯỜNG" - Ngày đăng : 11:06, 06/02/2018

BTO - Đến thôn Láng Gòn, xã Tân Xuân huyện Hàm Tân, hỏi về hai chị em mồ côi thì bất kì ai cũng biết. Bởi, không chỉ chăm ngoan, hai chị em Ngân, Nga còn học rất giỏi. Nếu cô chị Tuyết Ngân 12 năm liền đều là học sinh xuất sắc thì cô em Tuyết Nga cũng 8 năm liền là học sinh xuất sắc, luôn nằm trong đội tuyển thi học sinh giỏi Toán của trường THCS Tân Xuân và không ít lần giành được giải nhất, nhì.

Không may mắn như những đứa trẻ khác, lên 2 tuổi,Tuyết Nga đã thiếu vắng hơi ấm của mẹ. Người mẹ đã nhẫn tâm dứt bỏ lại đứa con mình dứt ruột đẻ ra mà không một lần quay trở lại. Vì còn nhỏ, nên vắng hơi mẹ, Tuyết Nga khóc suốt  đêm đến khản cả giọng. Chiều chiều, em mang ghế ngồi bên lề đường trước nhà để đợi mẹ về, dù có hôm ngủ gà ngủ gật bên đường nhưng em vẫn nhất định không cho ai ẵm vào vì sợ mẹ về sẽ không nhìn thấy.

Vào tuổi lên ba, lên bốn, bé Nga lại thường hay hỏi  “sao mẹ đi lâu về thế chị hai?” “sao mẹ bỏ chị em mình để đi đâu thế?”“em muốn mẹ cơ…”. Không biết trả lời em ra sao, hai chị em lại ôm nhau khóc, khóc chán rồi nín, nín rồi lại khóc…

Vắng mẹ nhưng còn bóng cha. Vốn hết mực thương yêu con nên anh Võ Phi Lan muốn bù đắp cho hai con những nỗi mất mát của tình mẹ. Hằng ngày, anh bôn ba ngoài đường kể cả những trưa hè nắng rát hay trời mưa gió để có thêm ít đồng bạc lẻ về nuôi con ăn học. Có lẽ do lao động quá sức, lại ăn uống kham khổ nên anh Lan mắc bệnh và mất sau đó ít năm. Nỗi đau mất cha chưa lâu, chỉ thời gian ngắn sau đó, bà nội cũng vĩnh viễn ra đi vì căn bệnh ung thư quái ác.

Kể từ ngày ấy, hai chị em sống côi cút trong căn nhà nhỏ trống vắng tình thân. Căn phòng lạnh lẽo chỉ có khói hương nghi ngút cả ngày. Dù vẫn còn quá nhỏ nhưng Tuyết Nga sớm hiểu được những cơ cực mình sẽ  gánh chịu trong thời gian tới. Em nói với chị hai “phải quyết tâm học thật giỏi sau này mới thoát nghèo”. Những bài tập khó em hỏi chị hai, hỏi bạn bè và thầy cô ở trường. Ngoài giờ đi học, Tuyết Nga phụ cô út bán hàng để có thêm tiền đóng học phí. Nhờ cần cù chăm chỉ và biết vươn lên trong cuộc sống, Tuyết Nga luôn được thầy yêu bạn mến.

Cô Nguyễn Thị Lan Hương giáo viên chủ nhiệm lớp 8/1 trường THCS Tân Xuân của Tuyết Nga cho biết “Em là học sinh ngoan, có tính tự lập cao, luôn nỗ lực vươn lên trong học tập, giao việc gì cho em cũng hoàn thành rất tốt. Hiểu rõ hoàn cảnh của em nên giáo viên trong trường luôn phụ đạo  cho em miễn phí”.

Cuộc sống không phụ người nỗ lực, ai cũng mừng vui khi năm học vừa qua, Tuyết Nga vinh dự đại diện cho học sinh nghèo vượt khó của tỉnh Bình Thuận đi giao lưu với học sinh cả nước tại Hà Nội.

Nhìn cô bé vừa bước qua tuổi 15 nhưng trông rắn rỏi và đầy nghị lực.Cũng phải, cái tuổi của em bao bạn bè chỉ biết ăn, học và vô tư bay nhảy thì em lại phải tự lo cho mình mọi chuyện. Cái ăn cái mặc luôn là gánh nặng đối với em. Dù rất thương cháu nhưng cô Út Hương vẫn còn phải lo cho 3 đứa con của mình ăn học. Bởi thế, ngoài giờ học ở trường Tuyết Nga phụ bán hàng, thi thoảng xin đi phụ đám cưới để kiếm thêm ít tiền trang trải cuộc sống.

Năm học này cô chị gái Tuyết Ngân đã vào đại học. Trong căn nhà trống đêm đêm chỉ mình em chống chọi với nỗi buồn, sự cô đơn nhưng em nói mình sẽ cố gắng vì một ngày mai tươi sáng. Tuyết Nga mỉm cười chia sẻ “lớn lên con sẽ làm cô giáo vì con thích trẻ con, con cũng sẽ dạy miễn phí cho học sinh nghèo như thầy cô con đang dạy cho con bây giờ”.

Nghe em nói, tôi thấy lòng mình như nghẹn lại. Bởi, cái ý nghĩ đang chạy nhanh trong đầu “Cái ăn cái mặc còn phải nhờ cô út san sẻ từng ngày thì tiền đâu mà đóng học phí để nuôi dưỡng ước mơ?”. Có lẽ còn quá nhỏ để em hiểu được rằng sự khốn khó với em cũng mới chỉ bắt đầu. Dù thế, tôi vẫn cứ tin rằng với nghị lực và lòng quyết tâm của mình Tuyết Nga sẽ thực hiện được điều đó.

 Tuyết Phan