Theo dõi trên

Bầu cử Quốc hội Pháp: Đảng của ông Macron thắng khiêm tốn hơn dự đoán

19/06/2017, 16:21

Đảng “Nền Cộng hoà tiến bước” của Tổng thống Pháp và liên minh giành đa số tuyệt đối tại Quốc hội nhưng không thắng áp đảo như dự đoán.

Nhiệm kỳ Tổng thống Pháp 5 năm của ông Emmanuel Macron sẽ được hậu thuẫn mạnh mẽ bởi một quốc hội mà đảng “Nền cộng hoà tiến bước” của ông chiếm đa số. Đó là điều đã được dự đoán và đã trở thành hiện thực.

                
      
      Đảng “Nền cộng hoà    tiến bước” của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã giành được đa số    tuyệt đối tại Quốc hội Pháp khoá tới. (Ảnh: Getty)

Với việc cùng với liên minh “Phong trào Dân chủ” – MoDem thuộc phe trung dung giành tổng cộng khoảng trên 61% (361-370 ghế) tổng số ghế của Quốc hội Pháp, đảng “Nền cộng hoà tiến bước” của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã giành được đa số tuyệt đối tại Quốc hội Pháp khoá tới, sau vòng 2 cuộc bầu cử lập pháp tại Pháp hôm qua (18/6).

Tuy nhiên, chiến thắng này không lớn như kỳ vọng, tức là đảng “Nền cộng hoà tiến bước” không đạt được tỷ lệ dự đoán trước vòng 2 là từ 75-78% tổng số ghế tại Quốc hội Pháp. Đây có thể coi là một bất ngờ nếu xét đến lợi thế lớn mà đảng này giành được sau vòng 1 cuộc bầu cử hôm 11/6.

Một trong các nguyên nhân chính giải thích cho thành tích không được như kỳ vọng này của đảng “Nền cộng hoà tiến bước” là tâm lý của cử tri Pháp. Sau vòng 1, có khoảng 60% cử tri Pháp tỏ ý muốn có một sự khác biệt ở vòng 2, cụ thể là ở việc không để cho đảng của Tổng thống Macron chiếm một đa số quá áp đảo tại Quốc hội vì e ngại điều đó có thể triệt tiêu mọi sự phản biện.

Đó có thể là lí do khiến nhiều cử tri Pháp đã điều chỉnh lá phiếu của mình theo hướng ủng hộ các thành phần đối lập với đảng “Nền cộng hoà tiến bước” nhằm duy trì được một đối trọng tương đối trong Quốc hội Pháp.

Theo nhiều nhà phân tích chính trị thì tâm lý cân bằng này đã luôn là một đặc điểm nổi bật của cử tri Pháp trong quá khứ và nay lại được thể hiện, bất chấp việc tỷ lệ cử tri vắng mặt vào khoảng trên 56%, cao nhất trong các cuộc bầu cử lập pháp tại Pháp từ năm 1958 đến nay.

Kết quả này, cộng với việc tỷ lệ cử tri vắng mặt kỷ lục rõ ràng đã gửi đi nhiều thông điệp đến chính quyền và đảng của Tổng thống Macron. Đó là, dù vẫn chiếm đa số và nắm trọn quyền lực hành pháp và lập pháp trong tay nhưng sự phản kháng đối với ông Macron vẫn tồn tại và từ giờ đến cuộc bầu cử một nửa Thượng viện Pháp cuối năm nay, nếu không thể hiện tốt, sự ủng hộ đối với chính quyền và đảng của ông Macron rất có thể sẽ bị đe đoạ.

Trong khi đó, đối với các đảng đối lập với đảng của ông Macron thì kết quả vòng 2 lại lạc quan hơn dự đoán, đặc biệt là với đảng cánh hữu “Những người cộng hoà”. Đảng này và các đảng liên minh bên cánh hữu giành khoảng gần 130 ghế tại Quốc hội Pháp, vượt xa con số ước tính ban đầu là khoảng 80-90 ghế. Tương tự, đảng Xã hội và liên minh cánh tả dù đang suy yếu nhưng cũng giành khoảng 50 ghế.

Với đảng cực hữu Mặt trận quốc gia của bà Marine Le Pen, cuộc bầu cử lần này là một thất bại khi chỉ giành được khoảng 10 ghế, không đủ thành lập một nhóm Nghị sĩ tại Quốc hội.

Kết quả chính thức cuối cùng của cuộc bầu cử lập pháp tại Pháp năm nay sẽ được công bố chính thức vào ngày mai khi công tác kiểm phiếu hoàn tất và nếu không có các khiếu nại. Tuy nhiên, một trong những tranh cãi lớn đã nổ ra, liên quan đến cựu Thủ tướng Pháp Manuel Valls. Ông Valls tuyên bố chiến thắng sít sao tại đơn vị bầu cử số 1 ở tỉnh Essonne, ngoại ô phía Nam thủ đô Paris với chỉ 139 phiếu nhiều hơn đối thủ là một ứng cử viên của đảng “Nước Pháp bất khuất”.

Tuy nhiên, đối thủ của ông Valls đã tố cáo có sự gian lận và tuyên bố sẽ khiếu nại ngay trong ngày hôm nay để kiểm tra lại phiếu bầu. Sự việc này đáng chú ý một phần nữa bởi ông Valls được cho là một trong những ứng cử viên có thể được Tổng thống Pháp Macron và đảng “Nền cộng hoà tiến bước” ủng hộ làm lãnh đạo chủ chốt tại Quốc hội Pháp nếu như đắc cử.

Quang Dũng/VOV



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Quán triệt và triển khai thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư về chống khai thác IUU
BTO- Ban Bí thư Trung ương Đảng vừa tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW, ngày 10/4/2024 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU) và phát triển thủy sản bền vững. Đồng chí Trương Thị Mai - Thường trực Ban Bí thư khóa XIII, Trưởng ban Tổ chức Trung ương chủ trì hội nghị.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bầu cử Quốc hội Pháp: Đảng của ông Macron thắng khiêm tốn hơn dự đoán