Theo dõi trên

Con đường trắc trở mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang đối diện

08/01/2019, 08:27 - Lượt đọc: 6

Áp lực đang gia tăng lên Chủ tịch Tập Cận Bình khi hàng loạt lễ kỷ niệm lớn của Trung Quốc đang đến gần mà “quả bom thương mại” chưa được xử thấu đáo.

Khi ông Tập Cận Bình bước lên sân khấu tại Đại lễ đường nhân dân ở Bắc Kinh vào tháng 3/2018, ông chính thức trở thành nhà lãnh đạo Trung Quốc quyền lực nhất kể từ thời Mao Trạch Đông. Ông tái đắc cử chức vụ Chủ tịch nước Trung Quốc, với giới hạn nhiệm kỳ đã được gỡ bỏ, và do vậy về lý thuyết ông có thể tại vị lâu dài. Trong tổng số 2.980 đại biểu Quốc hội Trung Quốc, chỉ có 2 vị bỏ phiếu chống.

                
      
      Chủ tịch Trung Quốc    Tập Cận Bình (bìa phải) và Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Getty.

Chỉ vài tháng trước đó, ông tái đắc cử chức vụ Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc - đảng cầm quyền tại quốc gia đông dân nhất thế giới này.

Thách thức nổi lên sau khi ông Tập củng cố quyền lực

Nhưng 9 tháng sau đó, sóng gió đã nhanh chóng nổi lên. Nền kinh tế Trung Quốc đã hứng chịu nhiều đòn đánh mạnh từ chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung. Và căng thẳng giữa Bắc Kinh và Washington đã lan sang cả các lĩnh vực chính trị và quân sự.

Sức ép từ Tổng thống Mỹ Trump cùng những chính sách của ông dù ít dù nhiều đã tạo ra các áp lực lớn cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Hiện việc đình chiến thương mại với Mỹ (đạt được nhờ cuộc gặp trực tiếp giữa ông Trump và ông Tập) chỉ còn kéo dài hơn 2 tháng nữa.

Trong khi đó, các thách thức về thương mại mà ông Tập phải đương đầu do sức ép từ phía chính quyền ông Trump lại xuất hiện vào thời điểm nhạy cảm – ngay trước năm 2019, năm được cho là quan trọng nhất đối với sự nghiệp của ông Tập hiện nay.

Năm 2019 là năm có rất nhiều lễ kỷ niệm trọng đại của Trung Quốc, trong đó có sự kiện 70 năm ngày thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.

Cách thức ông Tập điều hành các sự kiện lớn của năm 2019 cớ thể ảnh hưởng lớn tới tương lai nền kinh tế Trung Quốc và xác định vị thế của ông trong hàng ngũ các lãnh tụ của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Sức ép từ lễ kỷ niệm 70 năm...

Cứ mỗi 10 năm, Trung Quốc lại tổ chức hàng loạt các sự kiện kỷ niệm rầm rộ. Lần này, lễ kỷ niệm 70 năm thành lập Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là một dịp có ý nghĩa vô cùng lớn lao đối với ông Tập và các đồng chí của ông.

Giới chức Trung Quốc sẽ kỷ niệm các thành công kinh tế của họ cũng như tuổi đời lớn của chế độ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa – hiện lớn hơn thời gian tồn tại của Liên Xô – siêu cường XHCN một thời đã sụp đổ sau 69 năm kể từ khi ra đời.

Năm 2019 cũng đánh dấu 100 năm phong trào Ngũ Tứ mà Đảng Cộng sản Trung Quốc coi là tiền đề cho sự ra đời của tổ chức này.

Các lễ kỷ niệm của Trung Quốc không đơn thuần là nghi lễ kỷ niệm, đây còn được xem là cột mốc cho các tiến bộ và chính sách mới. Chẳng hạn, lễ kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc vào năm 2021 đã được xác định là mốc để Trung Quốc tạo ra một xã hội khá giả.

 “Đòn đánh đa dạng và hiểm hóc” của ông Trump

Trong suốt năm 2018, Tổng thống Mỹ Trump đã áp thuế quan Mỹ lên lượng hàng hóa Trung Quốc có giá trị hàng trăm tỷ USD. Ông Trump cũng yêu cầu Trung Quốc chấm dứt hỗ trợ tài chính trên quy mô lớn cho việc nghiên cứu và phát triển công nghiệp nội địa.

Bắc Kinh vấp phải lực đẩy bất lợi lớn từ phía Mỹ trên hàng loạt mặt trận, không chỉ thương mại mà còn cả chính trị và quân sự.

Chính quyền Tổng thống Mỹ Trump đã đẩy mạnh sự hiện diện quân sự ở Biển Đông (để thách thức các tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc) và gây sức ép với Trung Quốc trong vấn đề gián điệp kinh tế.

Có nhiều dấu hiệu cho thấy ông Tập Cận Bình có thể khó sớm khắc phục được thế đối đầu thương mại với ông Donald Trump. Trong bài phát biểu quan trọng tại Đại lễ đường nhân dân vào ngày 18/12/2018, dường như ông Tập cố gắng hướng cử tọa về sự vĩ đại khi vượt qua các gian lao.

Các điện tín bị rò rỉ mà báo Mỹ New York Times có được đã tiết lộ chi tiết về một cuộc gặp thượng đỉnh của Trung Quốc với Liên minh châu Âu, trong đó ông Tập được trích dẫn phát biểu như sau: “Trung Quốc đã trải qua đói nghèo và gian khó khi bị bao vây. Người Trung Quốc sẽ lại đối mặt với khó khăn một lần nữa”.

Chức càng cao thì trách nhiệm càng lớn

Việc dỡ bỏ giới hạn đối với chức vụ chủ tịch Trung Quốc cũng như việc khắc tên của ông Tập Cận Bình vào Hiến pháp Trung Quốc, một mặt tạo điều kiện cho ông Tập tại vị dài lâu, mặt khác lại tạo áp lực cho chính ông khi tình hình bất lợi, cụ thể là khi chiến tranh thương mại với Mỹ đang gây thiệt hại cho kinh tế Trung Quốc.

Rõ ràng khi quyền lực tập trung vào ông Tập Cận Bình thì mọi việc thành hay bại của Trung Quốc đều sẽ gắn nhiều với tên tuổi ông.

Ngày càng có nhiều chỉ dấu cho thấy chính phủ Trung Quốc đã đánh giá thấp Tổng thống Mỹ Trump và ngỡ rằng họ đã nắm được ông Trump sau khi phát động cả một chiến dịch “tấn công quyến rũ” vào năm 2017 (khi ông Trump đi thăm Trung Quốc).

Phản ứng mau lẹ của ông Trump theo hướng đối đầu Trung Quốc đã khiến giới lãnh đạo Trung Quốc phải xem xét lại cách tiếp cận đối với ngoại giao quốc tế. Theo CNN, trong nội bộ Trung Quốc đã có một số nhân vật đặt nghi vấn về các ngôn từ cứng rắn mà ông Tập sử dụng cho các vấn đề đối ngoại trong các năm qua.

Rana Mitter, giám đốc Trung tâm Trung Quốc tại Đại học Oxford nhận định: Việc bỏ giới hạn 2 nhiệm kỳ của chủ tịch nước Trung Quốc không nhất thiết đồng nghĩa với việc bản thân ông Tập có thể làm hơn 2 khóa.

Trung Hiếu/VOV



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Con đường trắc trở mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang đối diện