Theo dõi trên

Gian nan chặng đường Hy Lạp thoát khỏi gói cứu trợ quốc tế

21/08/2018, 15:16

Các chính sách thắt lưng buộc bụng, mà báo chí Hy Lạp gọi là “tàn bạo”, đã tác động nghiêm trọng đến đời sống của nhân dân Hy Lạp.

Nền kinh tế Hy Lạp đã có tín hiệu tích cực khi nước này vừa chính thức thoát khỏi gói cứu trợ cuối cùng của nhóm "bộ ba" chủ nợ gồm Liên minh châu Âu (EU), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF).

                
      
      Người dân Hy Lạp vẫy    cờ trước nhà Quốc hội. (Ảnh: Reuters)

Như vậy, sau 8 năm thực hiện chính sách "thắt lưng buộc bụng", Hy Lạp đã bước ra khỏi cuộc khủng hoảng nợ công lớn nhất trong lịch sử, từng đẩy nước này tới bờ vực phá sản.

Vậy đâu là những yếu tố giúp Hy Lạp làm được điều đó?

Sự hi sinh rất lớn

Trên lý thuyết, Hy Lạp đã chính thức thoát khỏi cảnh bị đặt dưới sự giám sát về tài chính của các chủ nợ, và đã lấy lại chủ quyền của mình trong lĩnh vực tài chính, tức là được chủ động thực hiện các chính sách, ví dụ như việc tìm kiếm tín dụng trên các thị trường trái phiếu quốc tế…

Có thể nói, đây là một cột mốc quan trọng không chỉ với nền kinh tế Hy Lạp nói riêng mà còn với cả khu vực đồng tiền chung châu Âu – eurozone nói chung, vì Hy Lạp chính là ngòi nổ đầu tiên tạo nên cuộc khủng hoảng nợ công đẩy toàn bộ khu vực eurozone vào khủng hoảng từ năm 2009 cho đến tận vài năm gần đây. Và nay Hy Lạp cũng chính là nền kinh tế cuối cùng bước ra khỏi khủng hoảng, sau Cộng hoà Ireland vào năm 2013, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha năm 2014 và đảo Síp vào năm 2016.

Như thế cũng có thể coi là châu Âu đã khép lại được cuộc khủng hoảng nợ công nghiêm trọng nhất trong lịch sử của khối này, mà vào thời điểm tồi tệ nhất còn thực sự đe doạ sự tồn tại của khu vực đồng tiền chung eurozone.

Nguyên nhân giúp Hy Lạp vượt qua được cuộc khủng hoảng cực kỳ nghiêm trọng này, đầu tiên chính là nhờ những nỗ lực to lớn và những hy sinh cực kỳ đau đớn của chính phủ và nhân dân Hy Lạp, đặc biệt là chính phủ của Thủ tướng Alexis Tsipras.

Kể từ khi lên nắm quyền vào tháng 1/2015, ông Tsipras đã phải đối mặt với những tình huống mang tính sống còn, giữa việc chấp nhận các áp đặt vô cùng khắc nghiệt của các chủ nợ để thực hiện các cải cách đau đớn với xã hội Hy Lạp, trong các lĩnh vực lao động, hưu trí, an sinh xã hội, cắt giảm hàng trăm nghìn việc làm trong lĩnh vực công… để đổi lại là các gói cứu trợ để cứu đất nước thoát khỏi phá sản.

Các chính sách thắt lưng buộc bụng, mà báo chí Hy Lạp gọi là “tàn bạo” này đã tác động nghiêm trọng đến đời sống của nhân dân Hy Lạp. Trong 8 năm khủng hoảng, GDP của Hy Lạp giảm 1/4, tỷ lệ thất nghiệp lên tới 28% và tiền lương hưu giảm xuống chỉ còn 40% so với trước kia.

Nhưng nhờ sự kiên quyết và kiên định của chính phủ ông Tsipras, Hy Lạp đã từng bước ra khỏi khó khăn, để đến cuối năm 2017, tăng trưởng kinh tế đã quay lại mức 1,4% sau gần một thập kỷ tăng trưởng âm và được dự đoán sẽ ổn định ở mức 2,3%/năm trong vài năm tới.

Và quan trọng nhất, đó là sự hy sinh của người dân Hy Lạp. Cần nhắc lại rằng, vào tháng 7/2015, trong cuộc trưng cầu ý dân do ông Tsipras tổ chức, đa số người dân Hy Lạp đã bác bỏ các chính sách khắc khổ do nhóm “Bộ ba chủ nợ” đưa ra, nhưng sau đó, trước tình thế bi đát của nền kinh tế Hy Lạp, người dân nước này đã phải chấp nhận hy sinh và sống thực tế hơn. Đây là điều quan trọng giúp Hy Lạp từng bước ra khỏi khó khăn.

Sự hợp tác với châu Âu

Vai trò của chính phủ và cá nhân Thủ tướng Alexis Tsipras là rất lớn. Ông Tsipras và đảng Syriza cầm quyền của ông vốn được coi là các đảng dân tuý và chiến thắng cuộc bầu cử tháng 1/2015 vì các lời hứa phản đối các chính sách khắc khổ từ các chủ nợ. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến cuộc trưng cầu ý dân tháng 7/2015 nhằm phản kháng sự áp đặt từ nhóm chủ nợ.

Tuy nhiên, ông Tsipras đã sớm nhận ra rằng nếu theo đuổi con đường chống đối đó, Hy Lạp sẽ sớm phá sản, bị đẩy khỏi eurozone và tương lai sẽ vô cùng bi đát. Từ nhận thức đó, ông Tsipras đã kiên định duy trì mục tiêu là áp dụng đến cùng các cải cách khắc nghiệt, bất chấp phải đối đầu với chính các thành viên trong nội bộ đảng Syriza.

Nhờ có sự vững vàng của ông Tsipras mà “bộ ba” chủ nợ có được một đối tác ổn định và qua đó duy trì được các cam kết mà Hy Lạp phải thực hiện. Vì thế có thể nói, trong sự hợp tác giữa Hy Lạp với châu Âu thì vai trò của chính phủ Hy Lạp dưới thời ông Tsipras là rất lớn.

Tất nhiên, cũng không thể phủ nhận vai trò của châu Âu bởi trong suốt chiều dài cuộc khủng hoảng nợ công tại Hy Lạp, Liên minh châu Âu đã kiểm soát tương đối tốt các bất đồng chính trị gay gắt giữa một bên là Hy Lạp cùng các nước Nam Âu, như Bồ Đào Nha, Italia, vốn là các nước phản đối các áp đặt khắc nghiệt về chính sách tài khoá với một bên là các nước vốn coi kỷ luật ngân sách là tối thượng, như Đức.

Vì thế, dù bị coi là đã đối xử quá khắt khe với Hy Lạp nhưng có thể nói, nếu không có sự cứng rắn từ phía châu Âu thì Hy Lạp cũng khó có thể hoàn thành được cải cách mang tính đột phá trong tổ chức xã hội của mình.

Chặng đường dài phía trước

Mặc dù đạt được những kết quả khả quan, chính phủ Hy Lạp cũng thừa nhận nước này còn một chặng đường dài phải vượt qua, mà chỉ cần đi chệch hướng là mọi công sức có thể "đổ xuống sông xuống biển".

Tuy Hy Lạp đã thoát khỏi sự giám sát tài chính của các chủ nợ nhưng con đường để nền kinh tế nước này tiến đến tự chủ hoàn toàn và lớn mạnh vẫn còn rất dài. Tăng trưởng GDP của Hy Lạp tuy đã quay trở lại nhưng còn rất khiêm tốn, và quan trọng nhất, đó là các gánh nặng về nợ công vẫn còn rất lớn.

Hiện tại nợ công của Hy Lạp vẫn ở mức trên 180% GDP của nước này, là tỷ lệ cao nhất tại châu Âu, trong khi mức nợ công trung bình của các nước trong khu vực đồng tiền chung châu Âu chỉ vào khoảng 86% GDP. Để so sánh thì nước có tỷ lệ nợ công thấp nhất trong Liên minh châu Âu là Estonia, chỉ ở mức 8,7% GDP.

Chính vì thế, mặc dù sau ngày 20/8 Hy Lạp đã không còn bị đặt dưới sự kiểm soát của các chủ nợ nhưng về lâu dài nước này vẫn bị châu Âu xếp vào dạng phải theo dõi đặc biệt. Hy Lạp cũng phải cam kết duy trì mức thậm dư ngân sách sơ cấp, tức là khi chưa tính lãi suất của các khoản nợ, ở mức 3,5% GDP từ nay đến năm 2022 và ở mức 2,2% GDP cho đến tận năm 2060, tức là trong hơn 40 năm nữa.

Những điều này cho thấy là dù đã qua khỏi thời kỳ đen tối nhất nhưng nền kinh tế Hy Lạp vẫn đang rất mong manh, đặc biệt là lĩnh vực ngân hàng, và bất kỳ một sự chệch hướng nào đều có thể đẩy Hy Lạp trở lại với cơn ác mộng như trước kia.

Hồi cuối tháng 6/2018 vừa qua thì nhóm các chủ nợ của Hy Lạp đã họp và đưa ra thoả thuận giãn nợ cho Hy Lạp nhằm giúp nước này có nguồn ngoại tệ lớn hơn để đảm bảo cho các nhà đầu tư. Tuy nhiên, sự quay lại của Hy Lạp trên thị trường tín dụng quốc tế sẽ còn rất nhiều khó khăn bởi không dễ gì lấy lại lòng tin của các nhà đầu tư quốc tế sau nhiều năm chìm trong khủng hoảng. Những thách thức trong tương lai với Hy Lạp, vì thế, vẫn còn rất nặng nề.

Quang Dũng/VOV



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
“Tai mắt” đặc biệt ở khu dân cư
Vấn đề giữ gìn vệ sinh môi trường, nhất là môi trường biển là nhiệm vụ cấp thiết ở Hàm Tiến - một phường trọng điểm về du lịch của TP. Phan Thiết. Không chỉ ra quân dọn rác, việc dọn rác từ trong ý thức người dân, doanh nghiệp cùng chung tay mới giải quyết được vấn đề “dọn rác từ gốc”…
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Gian nan chặng đường Hy Lạp thoát khỏi gói cứu trợ quốc tế