Theo dõi trên

Hạn chót Mỹ rút quân khỏi Afghanistan cận kề: NATO bị đặt vào thế khó

17/02/2021, 16:14 - Lượt đọc: 6

 Dù Mỹ rút quân khỏi Afghanistan như thời hạn mà chính quyền cựu Tổng thống Trump đưa ra hay trì hoãn việc này dưới thời chính quyền Tổng thống Biden thì NATO vẫn bị đặt vào thế khó.

Bất đồng xoay quanh việc rút quân Mỹ khỏi Afghanistan

Hôm nay (17/2), các Bộ trưởng Quốc phòng NATO sẽ bắt đầu họp trực tuyến trong 2 ngày với nội dung trọng tâm là kế hoạch rút quân khỏi Afghanistan trước thời hạn chót 1/5 mà chính quyền của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã cam kết trước đó. Trước thềm diễn ra hội nghị này, tình hình tại Afghanistan có một số diễn biến đáng chú ý và có thể ảnh hưởng tới quyết định của NATO.

Ảnh minh họa: Reuters

Hồi tháng 2/2020, Mỹ và Taliban đã ký một thỏa thuận mở đường cho việc rút các lực lượng Mỹ, cũng như các cuộc đàm phán hòa bình giữa nhóm nổi dậy và chính phủ Afghanistan. Tuy nhiên, Nhà Trắng hồi đầu tháng cũng cho biết chính quyền Tổng thống Joe Biden chưa có bất kỳ quyết định nào liên quan tới kế hoạch rút quân khỏi Afghanistan. Tổng thống Biden sẽ xem xét lại kế hoạch rút quân của cựu Tổng thống Donald Trump sau khi một báo cáo lưỡng đảng đã kêu gọi lùi thời điểm rút quân từ ngày 01/05 tới.

Giữa lúc NATO đang bất đồng về tiến trình rút quân, Taliban tuyên bố sẽ tiếp tục cuộc “thánh chiến” nếu đến tháng 5, các binh sĩ nước ngoài chưa rút khỏi Afghanistan theo thỏa thuận giữa lực lượng này và Mỹ. Phái đoàn đàm phán của Taliban đã đến Tehran theo lời mời của Bộ Ngoại giao Iran và đã có cuộc gặp với Bộ trưởng Ngoại giao Iran Javad Zarif hôm 31/1 để thảo luận về tiến trình thực thi thỏa thuận hòa bình giữa Taliban và Mỹ.

Các động thái trên diễn ra trong bối cảnh bạo lực tiếp tục leo thang trên toàn Afghanistan, với các cáo buộc của chính quyền Kabul nhắm vào phiến quân Taliban. Ngày 31/1, Mỹ và các đồng minh trong NATO đã ra tuyên bố chung yêu cầu lực lượng Taliban chấm dứt các hành động ám sát, bắt cóc và phá hoại cơ sở hạ tầng trọng yếu ở Afghanistan.

Trong bối cảnh đó, tiến trình đàm phán nội bộ về hòa giải dân tộc giữa chính phủ Afghanistan và Taliban - một phần của thỏa thuận ngừng bắn hồi tháng 2/2020, tiếp tục lâm vào thế bế tắc. Tiến trình được khởi động từ tháng 9/2020 và được nối lại hồi đầu tháng 1/2021 tại Doha (Qatar), song đến nay không đạt được bất cứ tiến triển nào do các bên còn nhiều bất đồng về chương trình nghị sự, khung thảo luận và vấn đề tôn giáo.

Ngoài ra, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg hồi đầu tuần cho biết Taliban cần phải tuân thủ các cam kết của mình, đặc biệt là cắt đứt quan hệ với các tổ chức khủng bố quốc tế bao gồm Al-Qaeda, nếu không, NATO sẽ không rời khỏi Afghanistan khi nơi đây vẫn là nơi trú ẩn cho những phần tử khủng bố. Trước đó, chính quyền Afghanistan và nhiều quốc gia phương Tây đã cáo buộc Taliban chưa đáp ứng được điều kiện đề ra do vẫn để xảy ra tình trạng bạo lực và chưa cắt đứt hoàn toàn quan hệ với những nhóm khủng bố, trong đó có Al-Qaeda. Tuy nhiên, Taliban luôn phủ nhận thông tin này.

Có thể nói rằng quyết định của NATO sẽ phải phụ thuộc vào 1 thỏa thuận đạt được với Mỹ trên cơ sở các diễn biến trên thực địa tại Afghanistan cũng như mức độ tuân thủ cam kết của Taliban đối với thỏa thuận đã đạt được với Mỹ hồi đầu năm ngoái.

NATO bị đặt vào thế khó

Sau khi không thể đưa ra được quyết định về kế hoạch rút quân tại Hội nghị Ngoại trưởng NATO hồi cuối năm ngoái, hội nghị của Bộ trưởng NATO hôm nay và ngày mai sẽ đưa ra quyết định cuối cùng về vấn đề này. Nhưng giới phân tích cho rằng, đi hay ở đều đặt NATO vào “thế khó”.

Khi chính quyền Tổng thống Trump quyết định rút quân khỏi Afghanistan, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg từng cảnh báo rằng Afghanistan có nguy cơ trở thành căn cứ của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) vốn đã bị đánh bại ở Syria và Iraq. Dù thừa nhận NATO đã chiến đấu tại Afghanistan quá lâu, ông Stoltenberg cho rằng vẫn chưa đến thời điểm rời đi, trong khi việc rút lui cần sự phối hợp của các bên. Lực lượng Mỹ chiếm không nhiều trong số binh sỹ NATO ở Afghanistan nhưng liên minh lệ thuộc rất lớn vào Mỹ về vận tải, hậu cần và hỗ trợ trên không.

Việc Mỹ rút bớt quân cũng đặt ra câu hỏi về khả năng các nước còn lại cũng rút theo. NATO bắt đầu phụ trách chiến dịch tại đây vào năm 2003, hai năm sau khi liên minh do Mỹ dẫn đầu đến để đối phó với Taliban sau vụ tấn công khủng bố ngày 11/9/2001. Tuy nhiên, khó có thể nói NATO đã hoàn thành mục tiêu ban đầu là “đảm bảo nơi đó sẽ không bao giờ lại là nơi trú ẩn an toàn cho những kẻ khủng bố quốc tế”. Trong tương lai, việc NATO tiếp tục ở lại cũng sẽ gặp rất nhiều khó khăn, trong khi rút lui là điều nhiều bên không mong muốn, khi mục tiêu chưa đạt và nguy cơ khủng bố sẽ lại càng ám ảnh.

Bộ trưởng Ngoại giao Đức Heiko Maas đã bác bỏ việc rút binh sĩ nước ngoài khỏi Afghanistan trước khi kết thúc các cuộc hòa đàm giữa chính phủ Afghanistan và phiến quân Taliban. Ông Maas cũng chỉ trích việc Mỹ đơn phương rút quân sớm khỏi quốc gia Nam Á này, dự kiến vào tháng 5 tới, có thể gây nguy hại cho các cuộc đàm phán hòa bình.

Cho rằng các cuộc đàm phán hòa bình rất phức tạp và chưa thể kết thúc vào tháng 5 như lịch trình của Mỹ, Bộ trưởng Heiko Maas tuyên bố: “Nếu Mỹ rút lực lượng trong khi các đồng minh thuộc NATO khác chưa thể tiếp quản an ninh trong ngắn hạn, thì tình hình sẽ trở nên cực kỳ bất ổn”. Ông Maas nhấn mạnh cách giải quyết hợp lý là phải thực hiện cùng lúc cả hai tiến trình, gồm rút lực lượng nước ngoài gắn với các cuộc đàm phán hòa bình. Theo Bộ trưởng Ngoại giao Đức, khi đàm phán hòa bình kết thúc thành công sẽ là thời điểm thích hợp để rút quân khỏi quốc gia Nam Á này.

Quyết định phụ thuộc lớn vào chính quyền Mỹ mới

Chính sách của NATO với Afghanistan hiện nay phụ thuộc rất lớn vào chính sách của chính quyền mới ở Mỹ.

Như đã biết, kế hoạch rút toàn bộ quân đội Mỹ khỏi Afghanistan bắt nguồn từ thời chính quyền Tổng thống Donald Trump, tuy nhiên, ngay sau khi nhậm chức, Tổng thống Biden cho biết chính quyền của ông sẽ xem xét lại thỏa thuận mang tính bước ngoặt giữa Mỹ với Taliban, tập trung vào việc “liệu nhóm nổi dậy có giảm bớt các cuộc tấn công ở Afghanistan theo đúng cam kết hay không”. Cụ thể, Washington muốn kiểm tra xem Taliban có "tuân thủ các cam kết cắt đứt quan hệ với các nhóm khủng bố, giảm bạo lực ở Afghanistan và tham gia vào các cuộc đàm phán hòa bình với chính phủ Afghanistan và các bên liên quan hay không".

Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan từng nhấn mạnh rằng, Mỹ sẽ hỗ trợ tiến trình hòa bình bằng một nỗ lực ngoại giao khu vực và mạnh mẽ, nhằm mục đích giúp hai bên đạt được giải pháp chính trị bền vững, công bằng và ngừng bắn vĩnh viễn. Ông Sullivan cũng thảo luận về sự hỗ trợ của Mỹ trong việc bảo vệ những tiến bộ đạt được gần đây về quyền của phụ nữ và các nhóm thiểu số như một nội dung trong tiến trình hòa bình.

Chính quyền của Tổng thống Biden cũng có cách tiếp cận trong chính sách đối ngoại khác với chính quyền tiền nhiệm, đó là sẽ lắng nghe và tham vấn nhiều hơn với các đồng minh và đối tác của Mỹ. Do vậy, Mỹ tại thời điểm hiện tại sẽ không vội vàng rút quân khỏi Afghanistan mà sẽ có các cuộc trao đổi chi tiết với các đồng minh của mình thuộc NATO nhằm đạt được đồng thuận trong vấn đề này và đây sẽ là một trong những nội dung chính tại hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng NATO trong tuần này.

Phạm Huân/VOV



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hạn chót Mỹ rút quân khỏi Afghanistan cận kề: NATO bị đặt vào thế khó