Theo dõi trên

Hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân được ký giữa sự tẩy chay của các nước lớn

22/09/2017, 15:26

 Ngày 21/9, khoảng 50 nước thành viên LHQ ký Hiệp ước quốc tế cấm vũ khí hạt nhân bên lề Đại hội đồng đang diễn ra tại thành phố New York, Mỹ.

Đây là một sự kiện có ý nghĩa biểu tượng cao giữa lúc cuộc khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên đang ngày một leo thang và những bất đồng liên quan tới việc có tiếp tục duy trì hay không Thỏa thuận hạt nhân Iran đạt được năm 2015.

                
      
      Tổng thư ký Liên Hợp    Quốc Antonio Guterres (thứ hai từ phải sang) cùng đại diện các nước    hoan nghênh việc ký Hiệp ước quốc tế về cấm vũ khí hạt nhân. (Ảnh:    AFP)

Tổng thống Brazil Michel Temer là người đầu tiên đặt bút ký Hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân, tiếp sau là các nhà lãnh đạo Mexico, Áo, Thụy Điển, Bangladesh, Malaysia,...

Phát biểu tại lễ ký, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres đã đánh giá đây là một bước tiến quan trọng nhằm đạt được mục tiêu toàn cầu về một thế giới không có vũ khí hạt nhân.

“Hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân đã phản ánh mối lo ngại ngày càng tăng về những nguy cơ của vũ khí hạt nhân, trong đó có các thảm họa nhân đạo, cũng như hậu quả đối với môi trường”, ông Guterres nói. “Hiệp ước này là một bước tiến quan trọng nhằm đạt được mục tiêu toàn cầu không có vũ khí hạt nhân. Hiện thế giới vẫn còn khoảng 15.000 vũ khí hạt nhân và không thể cho phép những thứ vũ khí hủy diệt này gây nguy hiểm cho thế giới cũng như các thế hệ tương lai của chúng ta”.

Văn kiện được 122 quốc gia tại Liên Hợp Quốc thông qua hồi tháng 7 sau hàng loạt phiên đàm phán do Áo, Brazil, Mexico, Nam Phi và New Zealand chủ trì.

Khác với vũ khí sinh học hay hóa học, hiện không có hiệp ước nào cấm sử dụng vũ khí hạt nhân. Vì thế đây sẽ là lần đầu tiên có một điều ước quốc tế quy định cấm một cách toàn diện việc phát triển, thử, chế tạo, sản xuất, chiếm hữu, tàng trữ, chuyển giao, kiểm soát, sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân.

Khi tham gia Hiệp ước, các quốc gia cũng phải cam kết không cho các quốc gia đồn trú, lắp đặt hoặc triển khai vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ và tại các khu vực trong phạm vi tài phán và kiểm soát của mình.

Bản hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân sẽ bắt đầu có hiệu lực 90 ngày sau khi 50 nước đã thông qua văn kiện này.

Theo Chiến dịch Quốc tế Xóa bỏ Vũ khí Hạt nhân (ICAN), đây là một tín hiệu rõ ràng nhất cho thấy, phần lớn thế giới bác bỏ vũ khí hạt nhân  không coi đây là các loại vũ khí hợp pháp. Điều này sẽ tạo ra một tiêu chuẩn mới.

Tuy nhiên, không quốc gia nào trong 9 nước sở hữu vũ khí hạt nhân, gồm Mỹ, Nga, Anh, Trung Quốc, Pháp, Ấn Độ, Pakistan, Israel và Triều Tiên đồng ý tham gia. Những cường quốc hạt nhân cho rằng kho vũ khí của họ đóng vai trò ngăn chặn tấn công và các nước này vẫn cam kết tiếp cận từng bước về giải trừ vũ khí được nêu trong Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT).

Trong một thông cáo chung đưa ra trước thềm cuộc họp, các quốc gia thành viên NATO chỉ trích đây là một hiệp ước nguy hiểm không tính đến thực tế môi trường an ninh quốc tế, đồng thời nhấn mạnh, văn kiện không có bất kỳ hiệu quả nào đối với việc cắt giảm kho vũ khí hạt nhân toàn cầu.

Có thể nói, vấn đề hạt nhân đã thực sự làm nóng khóa họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc lần này.

Ý định của Mỹ xem xét lại thỏa thuận hạt nhân Iran hay những lo ngại liên quan tới chương trình hạt nhân của Triều Tiên bao trùm hầu hết các phiên thảo luận cũng như những bài phát biểu. Một ngày trước sự kiện, Tổng thống Donald Trump trong bài phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã cảnh báo sẽ “hủy diệt” Triều Tiên nếu nước này tấn công hạt nhân nhằm vào Mỹ hay các đồng minh.

Chính vì thế, dù vẫn còn nhiều hoài nghi xung quanh hiệu quả của văn kiện khi những cường quốc sở hữu vũ khí hạt nhân đều không thông qua, song văn kiện có thể xem là một thông điệp chính trị về quyết tâm và nguyện vọng tha thiết của nhân dân thế giới xóa bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân, tiến tới một thế giới không có vũ khí hạt nhân.

Với sự nỗ lực không mệt mỏi của những nước không có vũ khí hạt nhân trong suốt 70 năm qua, kết quả lần đầu tiên đã có một điều ước quốc tế quy định cấm một cách toàn diện việc phát triển, thử, chế tạo, sản xuất, chiếm hữu, tàng trữ, chuyển giao, kiểm soát, sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân.

Thu Hoài/VOV



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân được ký giữa sự tẩy chay của các nước lớn