Theo dõi trên

Iran cảnh báo sẽ không để một giọt dầu nào đi qua eo biển Hormuz

31/08/2018, 14:06 - Lượt đọc: 12

Iran cảnh báo sẽ đóng cửa tuyến vận chuyển dầu mỏ nhộn nhịp nhất thế giới nếu bị Mỹ phong tỏa hoàn toàn các giao dịch dầu mỏ và khí đốt.

Hãng thông tấn bán chính thức Mehr dẫn lời Tổng Tư lệnh các lực lượng vũ trang Iran Tướng Mohammad Hossein Bagheri ngày 30/8 nói rằng, khoảng 1/3 lượng dầu mỏ của thế giới đi qua eo biển Hormuz sẽ bị chặn lại hoàn toàn, nếu các chính sách của Tổng thống Mỹ Donald Trump thành công trong việc đưa xuất khẩu dầu mỏ của Iran về con số 0.

                
      
      Iran cảnh báo sẽ    phong tỏa tuyến vận chuyển dầu mỏ nhộn nhịp nhất thế giới qua eo    biển Hormuz. Ảnh: KT

Phong tỏa tuyến vận chuyển dầu

Tướng Mohammad Hossein Bagheri cũng đáp trả lời cảnh báo của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis ngày 28/8 về việc Iran “đang bị đặt trong tầm ngắm” do các hành động của Taheran trong khu vực cũng như những lời đe dọa đóng cửa éo biển Hormuz. Tướng Bagheri nói rằng: “Quân đội Mỹ cũng như các lực lượng khác trong khu vực Trung Đông hiểu rõ vấn đề này. Nếu họ mắc sai lầm trong khu vực, họ sẽ phải trả một cái giá rất đắt”.

Ông nhấn mạnh “những động thái của lực lượng Mỹ ở Vùng Vịnh đang được theo dõi chặt chẽ và nếu lực lượng Mỹ có bất cứ động thái nào trái với luật pháp quốc tế, hành động của họ sẽ bị ngăn chặn một cách quyết liệt”.

Lực lượng vệ binh cách mạng Iran cũng đang thúc giục Tổng thống Hassan Rouhani có lập trường cứng rắn hơn nữa trong việc đối phó với Mỹ, đồng thời tuyên bố sẵn sàng ủng hộ việc đóng cửa eo biển Hormuz. Các chuyên gia nói rằng, những động thái như vậy có thể khiến giá dầu tăng vọt, nhưng chưa chắc đã xảy ra một cuộc xung đột quân sự, bởi rất nhiều nước phụ thuộc vào tuyến vận chuyển dầu mỏ này.

Hồi tháng 5/2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chính thức tuyên bố rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran (còn gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện JCPOA), được ký dưới thời người tiền nhiệm Barack Obama. Dù các bên còn lại gồm Trung Quốc, Anh, Pháp, Đức và Nga vẫn ủng hộ thỏa thuận hạt nhân với Iran, chính quyền của Tổng thống Trump tuyên bố thỏa thuận này chưa đủ để ngăn chặn Tehran phát triển tên lửa đạn đạo.

Chính quyền Mỹ cũng tái áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm bóp nghẹt nền kinh tế của Cộng hòa Hồi giáo theo dòng Shiite. Vòng trừng phạt đầu tiên của Mỹ nhằm vào Iran đã có hiệu lực trong tháng này. Vòng trừng phạt tiếp theo đặc biệt nhằm vào xuất khẩu năng lượng của Iran, dự kiến sẽ được áo dụng vào tháng 11 tới.

Được thế giới ủng hộ

Không giống như những lần trước khi Iran đe dọa đóng cửa eo biển Hormuz, vị thế của Tehran hiện nay nhận được sự ủng hộ của thế giới nhiều hơn so với Mỹ, đặc biệt là trong vấn đề trừng phạt.

Các đồng minh châu Âu của Mỹ gồm Pháp, Đức, Anh chỉ trích động thái đơn phương của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump, đồng thời nỗ lực tìm cách cứu thỏa thuận hạt nhân.

Các nước châu Âu cũng ngày càng tỏ ra thất vọng với sự thống trị của Mỹ trong hệ thống tài chính toàn cầu. Tuần trước, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas đã đề xuất thành lập các kênh thanh toán độc lập với Mỹ, tạo ra Quỹ Tiền tệ châu Âu (EMF) và xây dựng hệ thống độc lập để đẩy mạnh sự chủ động trong các giao dịch tài chính của châu Âu.

Trung Quốc cam kết sẽ tiếp tục mua dầu mỏ Iran và cùng Nga tuyên bố chống lại các biện pháp trừng phạt của Mỹ. (Trung Quốc và Nga cũng là các bên trong thỏa thuận hạt nhân).

Dọa rút khỏi thỏa thuận hạt nhân

Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif cảnh báo, Iran cũng có thể rút khỏi thỏa thuận hạt nhân. Trong một trạng thái trên Twitter ngày 30/8, ông nói “Tuân thủ thỏa thuận hạt nhân không phải là lựa chọn duy nhất của Iran”.

Trước đó, lãnh tụ tinh thần tối cao Iran, Đại giáo chủ Ayatollah Ali Khamenei cũng cảnh báo, Tehran có thể từ bỏ thỏa thuận hạt nhân với các cường quốc trên thế giới, nếu thỏa thuận này không phục vụ các lợi ích của Iran sau khi Mỹ rút lui. Tuy nhiên, ông Khamenei cũng cho rằng nên tiếp tục các đối thoại với Liên minh châu Âu (EU), bên đang nỗ lực “giải cứu” thỏa thuận.

“Sẽ rất tốt nếu thiết lập các mối liên hệ, tiếp tục đàm phán với châu Âu; tuy nhiên bạn nên ngừng kỳ vọng vào họ trong các vấn đề JCPOA hay vấn đề kinh tế. Cần phải theo dõi chặt chẽ quá trình giải quyết các vấn đề, xem xét những lời hứa hẹn của họ một cách thận trọng”, ông Khamenei nói.

Thùy Linh/VOV



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Iran cảnh báo sẽ không để một giọt dầu nào đi qua eo biển Hormuz