Theo dõi trên

Iran lạc quan nhưng vẫn cứng rắn về tương lai thỏa thuận hạt nhân

18/01/2017, 15:53

Tổng thống Iran nhấn mạnh, đây là một thỏa thuận đa phương, do đó nó sẽ không dễ dàng bị đảo ngược chỉ vì quan điểm khác biệt của một mình nước Mỹ.

Tổng thống Iran, Hassan Rouhani ngày 17/1 nói rằng, ông vẫn lạc quan về thỏa thuận hạt nhân mà nước này đã ký với các cường quốc trong đó có Mỹ, Nga, Pháp, Anh, Trung Quốc và Đức và thỏa thuận này không dễ gì có thể bị hủy bỏ. Tuy nhiên, ông cũng tuyên bố, không có lý do gì phải đàm phán lại nếu Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump yêu cầu việc này.

Phát biểu tại cuộc họp báo nhân dịp một năm kể từ khi thỏa thuận hạt nhân có hiệu lực, Tổng thống Iran, ông Rouhani nêu rõ: thỏa thuận này đã hoàn tất, được Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thông qua và trở thành văn kiện quốc tế. 

                
      
         Tổng thống Iran, Hassan Rouhani. (ảnh: AFP).

Ông Rouhani nhấn mạnh, đây là một thỏa thuận đa phương, do đó nó sẽ không dễ dàng bị đảo ngược chỉ vì quan điểm khác biệt của một mình nước Mỹ với chính quyền mới và việc đàm phán lại văn kiện này lại càng vô lý.

Ông Rouhani nói: “Người Mỹ trước đây đã từng phá vỡ cam kết và hành động sai lầm, do đó chúng ta phải chuẩn bị cho mình trước mọi tình huống. Nhưng tôi lạc quan về tương lai của thỏa thuận hạt nhân. Thỏa thuận này không phải là thứ mà một tổng thống vừa được bầu nói ‘Tôi không thích nó’ thì có thể đảo ngược nó”.

“Bạn có thể không thích rất nhiều thứ. Nhưng bạn không nên ghét điều gì đó tốt cho bạn. Người Mỹ không hiểu rằng, thỏa thuận hạt nhân là điều may mắn đối với họ. Thỏa thuận này đã tạo ra bầu không khí mới trên thế giới và nó có lợi cho tất cả các bên”, ông Rouhani nói thêm.

Trong suốt thời gian tranh cử, tỷ phú Donald Trump nhiều lần lên tiếng phản đối thỏa thuận hạt nhân, gọi đây là thỏa thuận tồi nhất mà ông từng chứng kiến. Vị doanh nhân 70 tuổi này cũng tỏ ý nghi ngờ tính hiệu quả của văn kiện vì cho rằng nó sẽ không ngăn cản Iran sở hữu vũ khí hạt nhân. Thậm chí, ông Trump tuyên bố sẽ chấm dứt thỏa thuận này.

Trong khi đó, chính các giới chức Mỹ đã nhiều lần lên tiếng cảnh báo ông Trump về thỏa thuận hạt nhân với Iran. Nhân dịp tròn 1 năm thỏa thuận hạt nhân, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã cảnh báo, ông Trump không nên loại bỏ thỏa thuận đã được các cường quốc thế giới ủng hộ. 

Thỏa thuận hạt nhân với Iran là kết quả sau nhiều năm nỗ lực và tượng trưng cho sự đồng thuận giữa các cường quốc thế giới, chứ không chỉ đơn thuần là một thỏa thuận giữa Mỹ với Iran. Thỏa thuận này cũng đã đạt được những kết quả đáng kể để Mỹ và thế giới trở thành nơi an toàn hơn, và ngăn chặn theo cách có thể kiểm chứng được việc Tehran sở hữu một vũ khí hạt nhân. 

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cũng cho rằng, nếu hủy bỏ thỏa thuận hạt nhân với Iran sẽ là một thiệt hại không thể sửa chữa được của chính quyền Trump. Trong một tuyên bố đưa ra chỉ vài ngày trước khi ông Trump nhậm chức Tổng thống Mỹ, Ngoại trưởng Kerry cho biết, ông không tin thỏa thuận sẽ bị hủy bỏ, nhưng nếu điều đó xảy ra thì nó sẽ làm tổn hại đến sự uy tín của Mỹ.

Ngoại trưởng Mỹ nói: “Nếu Mỹ quyết định thay đổi một cách đột ngột và nói với các nước khác rằng, ‘tôi sẽ không theo đuổi thỏa thuận này’, thì tôi cược với bạn rằng, những bằng hữu và đồng minh của Mỹ - những người cùng đàm phán thỏa thuận này sẽ không đồng tình”.

“Nga, Trung Quốc, Đức, Pháp và Anh sẽ vẫn nói rằng đây là một thỏa thuận tốt mà chúng ta nên duy trì. Khi mà Iran cùng những nước còn lại vẫn theo đuổi thỏa thuận này, thì chúng ta lại tự biến mình thành kẻ lập dị. Sự tín nhiệm của Mỹ sẽ bị tổn hại mà khó lấy lại được”, Ngoại trưởng John Kerry cho hay.

Mặc dù Tổng thống đắc cử Donald Trump kịch liệt chỉ trích Iran và thỏa thuận hạt nhân giữa nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức) với Iran, song hiện vẫn chưa rõ chính sách của ông khi tiếp quản Nhà Trắng sẽ là như thế nào.

Tuần trước, Bộ trưởng Quốc phòng được đề cử, Tướng James Mattis cho biết nếu được phê chuẩn vào vị trí người lãnh đạo Lầu Năm Góc nhiệm kỳ tới, ông sẽ ủng hộ thỏa thuận hạt nhân Iran.

Bên cạnh đó, ông Trump cũng sẽ phải cân nhắc kỹ lưỡng về thỏa thuận hạt nhân bởi các nước còn lại trong nhóm P5+1 là Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc và Đức đã tuyên bố sẽ giữ nguyên lập trường đối với thỏa thuận hạt nhân lịch sử.

Thùy Linh/VOV



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Iran lạc quan nhưng vẫn cứng rắn về tương lai thỏa thuận hạt nhân