Theo dõi trên

Lãnh đạo thế giới nói về biểu tình chống phân biệt biến thành bạo lực

16/06/2020, 15:27 - Lượt đọc: 29

Điều đáng tiếc là nhiều cuộc biểu tình chống phân biệt chủng tộc đã biến thành bạo lực. Trước tình hình này, các lãnh đạo thế giới đã lên tiếng.

Hơn 2 tuần sau cái chết của công dân Mỹ gốc Phi George Floyd, các cuộc biểu tình chống phân biệt chủng tộc tại Mỹ hay nhiều nơi trên thế giới không có dấu hiệu hạ nhiệt. Điều đáng nói là trong khi một số cuộc biểu tình diễn ra ôn hòa, nhiều nơi đã xảy ra bạo loạn, cướp bóc, phá hủy các di sản văn hóa và tấn công nhằm vào lực lượng cảnh sát, khiến nhiều nhà lãnh đạo thế giới lo ngại.

                
      
      Biểu tình chống phân    biệt chủng tộc sau cái chết của Floyd. Ảnh: ABC News.

Các cuộc biểu tình tiếp tục diễn ra tại nhiều thành phố trên khắp nước Mỹ như Washington, New York, Atlanta, Seattle…kêu gọi công bằng cho người da màu sau cái chết của công dân Mỹ gốc Phi George Floyd. Tại Atlanta, người biểu tình chặn một đường cao tốc chính và phóng hỏa một nhà hàng. Trong khi tại Seattle, những người biểu tình lập hàng rào chắn, tạm thời chiếm một số khu vực gọi là "khu tự trị”.

Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 15/6 kêu gọi Thống đốc Washington Jay Inslee đưa Lực lượng Vệ binh Quốc gia đến kiểm soát các hoạt động người biểu tình ở Seattle, nếu không ông sẽ làm điều đó.

Ông Trump nói: “Người biểu tình đã chiếm giữ một số khu vực trong thành phố. Thống đốc bang cần phải huy động Lực lượng vệ binh quốc gia và làm những gì cần phải làm. Như các bạn biết đấy, vấn đề xảy ra tại Seattle có thể lan rộng ra các thành phố khác. Chúng tôi sẽ không để điều này xảy ra”

Không chỉ tại Mỹ mà làn sóng biểu tình chống phân biệt chủng tộc đang lan rộng ra nhiều quốc gia trên thế giới. Nhiều cuộc biểu tình diễn ra ôn hòa nhưng nhiều nơi biểu tình quá khích, nhằm mục tiêu tấn công vào lực lượng cảnh sát, đập phá các tượng đài lịch sử, buộc chính quyền phải can thiệp. Tại Ạnh, hơn 100 người đã bị bắt vì các tội danh bạo lực gây rối, tấn công cảnh sát và sở hữu vũ khí tấn công. Khoảng 6 cảnh sát đã bị thương sau vụ đụng độ. Thủ tướng Anh Boris Johnson cảnh báo, các cuộc biểu tình chống phân biệt chủng tộc tại nước này đang bị "những kẻ cực đoan giật dây", thể hiện qua các cuộc tấn công vào những di tích quốc gia nhằm "hủy hoại quá khứ của đất nước".

Ông Johnson nói: “Đây thực sự là một điều đáng buồn khi bức tượng cựu Thủ tướng Anh Winston Churchill, một anh hùng dân tộc bị tấn công. Đối với tôi đây là một quan niệm sai lầm và vô lý. Các cuộc tấn công này chỉ đại diện cho thiểu số và họ đang sử dụng làn sóng chống phân biệt chủng tộc toàn cầu như một cái cớ để tấn công cảnh sát, gây ra bạo lực và làm thiệt hại tài sản công".

Trước xu hướng biểu tình kéo sập các bức tượng, xóa bỏ di sản thuộc về những nhân vật lịch sử được xem là có liên quan tới phân biệt chủng tộc, chế độ nô lệ, chủ nghĩa da trắng thượng đẳng… Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho rằng việc chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc không nên dẫn tới việc viết lại lịch sử một cách “thù hằn” cũng như cần phải bảo vệ lực lượng cảnh sát trước các vụ tấn công: “Nước Pháp sẽ không tẩy xóa bất kỳ tên ai khỏi lịch sử và sẽ không quên những công trình nghệ thuật, không hạ đổ các bức tượng. Chúng ta không thể xây dựng tương lai trong hỗn loạn. Không có nhà nước pháp quyền cộng hòa thì không có an toàn và không có tự do. Lực lượng cảnh sát là người bảo vệ điều đó. Đó là lý do tại sao họ xứng đáng nhận được sự ủng hộ và lòng biết ơn của mọi người”.

Thế giới ngày nay vẫn đang sống với những hệ lụy từ giai đoạn lịch sử đẩy người da màu xuống đáy xã hội. Vụ việc George Floyd  như “giọt nước tràn ly”, thổi bùng lên ngọn lửa căm phẫn của bộ phận người dân da màu tại Mỹ cũng như nhiều nơi trên thế giới lên tiếng để đảm bảo cho sự an toàn và quyền lợi bình đẳng của mình. Tuy nhiên khi làn sóng mang danh nghĩa chống phân biệt chủng tộc lại biến tướng thành các hành động bạo loạn, cướp bóc gây bất ổn, nhằm vào lực lượng cảnh sát hay phá hủy các tượng đài văn hóa thì đó lại là điều đáng lên án.

Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc dự kiến ngày mai có cuộc họp khẩn thảo luận về làn sóng chống phân biệt chủng tộc hiện nay trên thế giới./.

Phạm Hà/VOV



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Nhiều công trình, dự án trọng điểm sẽ được triển khai năm 2024
Chiều 28/3, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin – Truyền thông và Hội Nhà báo tỉnh tổ chức Hội nghị giao ban báo chí tháng 3/2024. Tham dự buổi họp có đại diện lãnh đạo các sở, ban ngành liên quan và các cơ quan báo chí của tỉnh, Trung ương thường trú tại Bình Thuận.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Lãnh đạo thế giới nói về biểu tình chống phân biệt biến thành bạo lực