Mỹ điều thêm quân tới Syria nhằm
Mỹ điều thêm quân tới Syria nhằm kiềm chế ảnh hưởng của Iran
Mỹ đã điều thêm
quân tới Syria và lên kế hoạch cho việc duy trì sự hiện diện ở đây, bất chấp
thông báo rút quân của Tổng thống Trump hồi tháng 12/2018.
Hãng thông tấn Thổ
Nhĩ Kỳ Anadolu dẫn các nguồn địa phương ngày 28/1 cho biết, Lầu Năm Góc đã điều
600 quân tới hỗ trợ quá trình rút quân của Mỹ khỏi Syria sau khi liên quân do Mỹ
dẫn đầu hẫu thuẫn lực lượng người Kurd địa phương hoàn thành cuộc chiến chống
IS.
CNN dẫn 2 nguồn quan
chức quốc phòng Washington ngày 23/1 nhận định, lực lượng bổ sung của Mỹ, có thể
là bộ binh đã được triển khai ở Syria để hỗ trợ việc rút quân.
 |
Mỹ điều thêm quân tới
Syria nhằm hạn chế ảnh hưởng của Iran. Ảnh: Department of Defence. |
Lầu Năm Góc khẳng
định nhiệm vụ của Mỹ ở Syria là
đánh bại IS, nhưng một số quan chức Washington đã mở rộng nhiệm vụ này ở đây,
bao gồm việc lật đổ chính quyền Tổng thống Syria Assad và đẩy lùi các lực lượng
do Iran hậu thuẫn.
Một trong những
trọng tâm của sứ mệnh chống Iran là việc Mỹ thiết lập một đơn vị đồn trú gần khu
vực biên giới Al-Tanf phía nam của Syria giáp với Jordan và Iraq. Syria cùng với
các đồng minh là Nga và Iran kêu gọi Mỹ rời khỏi vị trí này nhưng theo một cựu
chỉ huy quân sự và một quan chức chính phủ Mỹ nhận định thì Lầu Năm Góc có thể
sẽ lựa chọn ở lại.
Trong khi Tổng thống
Trump chỉ trích gay gắt chính sách của người tiền nhiệm vì tài trợ cho lực lượng
nổi dậy lật đổ ông Assad và thể hiện mong muốn Mỹ sẽ rời đất nước Trung Đông
này, ông cũng cho thấy sự sẵn sàng trong việc tiến hành các hành động quân sự,
khi Mỹ 2 lần tấn công Syria nhằm đáp trả các cuộc tấn công được cho là sử dụng
vũ khí hóa học ở đây. Tổng thống Mỹ cũng thể hiện lập trường cứng rắn với Iran
khi cáo buộc quốc gia này đang tìm cách lan rộng hệ tư tưởng của Hồi giáo dòng
Shiite trong khu vực qua việc hậu thuẫn các lực lượng dân quân nước ngoài mà một
vài lực lượng trong số đó có liên hệ với các tổ chức khủng bố.
Một số nhóm Iran ủng
hộ có vai trò đáng kể trong cuộc
chiến chống IS của chính phủ Iraq và Syria nhưng lại phản đối sự hiện
diện của Mỹ tại 2 quốc gia này. Trong khi IS ngày càng co cụm để cố thủ thành
trì cuối cùng, các lực lượng địa phương và khu vực có liên hệ với Iran đã giành
được ảnh hưởng đáng kể tại Baghdad và Damascus, đe dọa đến những lợi ích của
Washington trong khu vực.
Trước thông
báo rút quân của Tổng thống Trump hồi tháng 12/2018, Bloomberg dẫn lời
một số quan chức Israel ngày 25/1 cho biết Israel đang gây sức ép để Mỹ duy trì
hiện diện ở Al-Tanf nhằm cản trở một số tuyến đường nhất định kết nối các lực
lượng đồng minh của chính phủ Syria từ Tehran tới Beirut. Israel cũng ngày càng
công khai trong một vài tuần gần đây về các chiến dịch không kích của nước này
nhằm tấn công các mục tiêu được cho là của Iran ở Syria.
Không lâu sau thông
báo rút quân của ông Trump, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và Cố vấn An ninh Quốc
gia John Bolton đã có các chuyến công du tới Trung Đông nhằm tái đảm bảo với các
đồng minh về cam kết của Mỹ trong khu vực. Ông Bolton nhận định căn cứ Al-Tanf
vẫn có vai trò quan trọng về mặt chiến lược nhằm ngăn cản tầm ảnh hưởng của Iran
và cho biết khoảng 200 quân Mỹ sẽ duy trì vô thời hạn ở đây.
Việc rút quân dần
dần của Mỹ trong khi khiến các đồng minh an tâm hơn thì lại làm Thổ Nhĩ Kỳ khó
chịu "đứng ngồi không yên". Tổng thống Erdogan sau khi hủy cuộc gặp với ông
Bolton, đã kêu gọi Tổng thống Trump xúc tiến việc rút quân với hy vọng Ankara có
thực hiện chiến dịch tấn công các tay súng người Kurd do Lầu Năm Góc hậu thuẫn
trong cuộc chiến chống IS.Thổ Nhĩ Kỳ cũng kêu gọi Mỹ giao lại các căn cứ ở đông
bắc cho lực lượng nổi dậy ở Syria do Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ.
Kiều Anh/VOV