Nước Mỹ sẵn sàng cho lễ nhậm chứ
Nước Mỹ sẵn sàng cho lễ nhậm chức đặc biệt nhất trong lịch sử
Lễ nhậm chức của
Tổng thống đắc cử Joe Biden và Phó Tổng thống đắc cử Kamala Harris hôm 20/01 tới
được đánh giá sẽ không giống với bất kỳ lễ nhậm chức nào khác trong lịch sử nước
Mỹ.
Tại Mỹ, lễ nhậm chức
tổng thống thường là một buổi lễ tưng bừng, đánh dấu sự chuyển giao quyền lực
một cách hòa bình. Tuy nhiên sau vụ bạo loạn xảy ra tại Quốc hội Mỹ hôm 06/01vừa
qua cùng với dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, lễ nhậm chức của Tổng thống
đắc cử Joe Biden và Phó Tổng thống đắc cử Kamala Harris hôm 20/01 tới được đánh
giá sẽ không giống với bất kỳ lễ nhậm chức nào trước đó trong lịch sử nước Mỹ.

Ông Biden và bà Kamala Harris. Ảnh: AMNY.
Hơn 25.000 Vệ binh
Quốc gia, 4.000 cảnh sát Tư pháp và hàng chục nghìn cảnh sát đang phủ khắp thủ
đô Washington DC, biến khu trung tâm thành một pháo đài quân sự trước lễ nhậm
chức. Hơn một chục bang tại Mỹ cũng đã kích hoạt lực lượng Vệ binh Quốc gia để
giúp bảo vệ các tòa nhà sau khi FBI cảnh báo về các cuộc biểu tình vũ trang, với
các phần tử cực đoan cánh hữu bị kích động. Nhiều người dân thủ đô cho biết, an
ninh đang được tăng cường tại nhiều nơi để đảm bảo lễ nhậm chức diễn ra suôn sẻ:
“Có nhiều điều khác
lạ khi tôi thấy rất nhiều xe Vệ binh Quốc gia đậu trên đường phố. Tôi biết là để
đảm bảo an toàn, nhưng cũng không cảm thấy thích thú khi chứng kiến điều này,
đặc biệt là đối với một ngày vui 20/01”.
“Trung tâm thành phố
nhìn thật khác lạ với súng lớn, xe tăng và những thứ tương tự. Mọi người cũng
gặp khó khăn khi đi vào thành phố. Tôi hi vọng mọi thứ sẽ sớm trở lại bình
thường”.
Hai ngày trước lễ
nhậm chức, nước Mỹ được đánh giá khá yên bình. Ngày hôm qua (17/01) được coi là
thời điểm nóng về an ninh khi có nhiều thông tin phong trào "boogaloo" chống
chính phủ đưa ra kế hoạch tổ chức các cuộc biểu tình ở tất cả 50 bang. Tuy nhiên
đến chiều qua, chỉ một số ít người biểu tình đã xuống đường, trong khi lực lượng
an ninh và giới truyền thông còn đông hơn rất nhiều.
Ngoài vấn đề an
ninh, Lễ nhậm chức Tổng thống Mỹ năm nay cũng khác biệt do dịch Covid-19, với
quy mô người tham gia hạn chế hơn. Các thành viên Quốc hội, thay vì nhận được
200.000 vé mời như trước đây, sẽ chỉ được một vé cho mình và một vé cho khách
mời. Toàn bộ lễ diễu hành cũng như một số nghi thức quan trọng của buổi lễ sẽ
được phát sóng trực tiếp trên sóng truyền hình.
Các biện pháp y tế
được áp dụng trong buổi lễ như bắt buộc người tham dự phải đeo khẩu trang, kiểm
tra thân nhiệt và giữ khoảng cách an toàn. Việc Tổng thống Trump không tham dự
lễ nhậm chức cũng tạo nên một điều đặc biệt. Theo đó, ông sẽ là Tổng thống thứ 4
trong lịch sử nước Mỹ từ chối tham dự lễ nhậm chức của người kế nhiệm, lần gần
đây nhất cách đây 125 năm.
Tổng thống đắc cử
Joe Biden cho rằng đây là một điều tốt: “Tôi được biết rằng ông Trump sẽ không
tham dự lễ nhậm chức. Tôi nghĩ đây là một trong số ít vấn đề tôi và ông Trump
đều có chung quan điểm. Là một điều tốt khi ông không tham dự lễ nhậm chức”.
Dự kiến, trong bài
phát biểu nhậm chức, Tổng thống đắc cử Joe Biden sẽ "công bố tầm nhìn để đánh
bại đại dịch, xây dựng lại nước Mỹ tốt hơn, đoàn kết và hàn gắn đất nước". Được
nhận định là nhậm chức vào thời điểm khó khăn nhất kể từ thời Tổng thống
Franklin Roosevelt năm 1933, dự kiến ông Biden sẽ đưa ra nhiều quyết định quan
trọng trong ngày đầu tiên của mình hơn bất kỳ Tổng thống nào khác trong lịch sử
nước Mỹ.
Trong đó, có nhiều
quyết định để lật ngược các chính sách mà chính quyền người tiền nhiệm đã đơn
phương áp dụng như đưa Mỹ tái gia nhập Thỏa thuận Khí hậu Paris và công bố dự
luật nhập cư.... Cùng với những biện pháp kích thích kinh tế và đối phó với dịch
Covid-19 cho thấy Tổng thống đắc cử Joe Biden đã sẵn sàng hành động quyết liệt
trong các vấn đề chính sách và không ngần ngại đối đầu với phe Cộng hòa ngay
trong những ngày đầu nắm quyền.
Phạm Hà/VOV