Theo dõi trên

Palestine "lạc quan thận trọng" trước thông điệp từ Nhà Trắng

31/01/2021, 11:01

Một  loạt thông điệp những ngày qua của tân Tổng thống Mỹ Joe Biden nhận được phản ứng tích cực từ Palestine. Dù vẫn còn những hoài nghi, song đây vẫn được xem là tín hiệu tích cực cho tiến trình hòa bình Trung Đông nhiều trắc trở.

Vốn chờ đợi từ lâu một chính sách ngoại giao cân bằng tại khu vực, chính quyền Palestine đã ngay lập tức hoan nghênh ý định của chính quyền mới tại Mỹ mở lại các văn phòng của Tổ chức giải phóng Palestine (PLO) tại Washington. Những ngày qua, truyền thông địa phương cũng trích dẫn lời của nhiều quan chức Palestine bày tỏ sự lạc quan và tin tưởng, Tổng thống mới của nước Mỹ sẽ đảo ngược một số quyết định liên quan cuộc xung đột Israel- Palestine.

Ông Joe Biden (khi đó là Phó Tổng thống Mỹ gặp Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas tại Ramallah ngày 9/3/2016. Ảnh: Reuters

Theo nhà phân tích Khalin Jahshan, Giám đốc điều hành Trung tâm Arab tại Washington, chính quyền mới của Mỹ muốn đánh giá lại nhiều quyết định của chính quyền tiền nhiệm, mà họ cho là gây ảnh hưởng tiêu cực tới  lợi ích của Mỹ tại khu vực. Điều này sẽ được thể hiện bằng những điều chỉnh ngoại giao có tác động về lâu dài, mà cụ thể là khôi phục đối thoại với người Palestine, từ đó mở đường cho thúc đẩy tiến trình hòa bình Trung Đông.

Với cam kết ủng hộ “giải pháp hai nhà nước”, thông điệp từ Nhà Trắng trên thực tế là cách tiếp cận truyền thống của Mỹ trước thời cựu Tổng thống Donald Trump và cũng là lập trường được người Palestine chấp thuận.

Theo Tân Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, giải pháp này vẫn là cách duy nhất để thúc đẩy hòa bình giữa Israel-Palestine.

“Cách tốt nhất và có thể là cách duy nhất để đảm bảo tương lai của Israel với tư cách là một nhà nước Do thái Dân chủ và trao cho người Palestine Nhà nước pháp quyền mà họ mong muốn là thông qua giải pháp 2 nhà nước. Đây là một thách thức và điều quan trọng là phải đảm bảo rằng không bên nào thực hiện các bước đi và hành động đơn phương có thể khiến tình hình trở nên phức tạp hơn, từng bước tạo dựng niềm tin nhằm tạo môi trường thúc đẩy giải pháp cho quan hệ giữa Israel và Palestine.”

Kể từ khi chính thức bước chân vào Nhà Trắng hôm 20/1 vừa qua, đúng như những gì đã tuyên bố trong suốt chiến dịch tranh cử, ông Joe Biden đã liên tục có những thông điệp cho thấy thiện chí nối lại quan hệ với chính quyền Palestine. Người tiền nhiệm Donald Trump bị cáo buộc đã thực hiện một chính sách ngoại giao “đầy thành kiến” với Palestine khi công nhận Jerusalem là thủ đô Israel và hợp pháp hóa các khu định cư ở Bờ Tây.

Theo ông Jibril Rajoub, một quan chức cấp cao thuộc đảng Fatah của Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas, việc mở lại lãnh sự quán tại Đông Jerusalem, cũng như văn phòng của Tổ chức Giải phóng Palestine tại Washington và cam kết đối với giải pháp 2 nhà nước là những dấu hiệu tích cực rất đáng hoan nghênh. Ông đồng thời hi vọng, chính quyền mới tại Mỹ sẽ đặt ra giới hạn đỏ đối với những biện pháp đơn phương và bành trướng của Israel.

Dù vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều về ý định của Mỹ, nhất là đối với mối quan hệ ưu tiên mà Mỹ vẫn luôn dành cho đồng minh Israel, song theo các nhà phân tích, vượt lên trên những thách thức ngoại giao, sự thay đổi chính quyền tại Mỹ sẽ nhanh chóng được cảm nhận, mà trước tiên có thể là khôi phục các chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế và nhân đạo cho nhân dân Palestine. Sự hỗ trợ tài chính của Mỹ là rất quan trọng trong bối cảnh Palestine vẫn phụ thuộc vào hỗ trợ trực tiếp quốc tế. Những hạn chế của Israel và sự không chắc chắn liên quan tới tình hình địa chính trị khu vực được ví như hòn đá tảng đè nặng lên nền kinh tế Palestine.

Thu Hoài/VOV



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Palestine "lạc quan thận trọng" trước thông điệp từ Nhà Trắng