Theo dõi trên

Quân đội Nga - Mỹ bí mật phối hợp hoạt động tại Syria?

18/02/2017, 09:10

 Dù vẫn chưa có bước đột phá nào trong quan hệ Mỹ - Nga nhưng sự phối hợp giữa quân đội Nga và Mỹ được cho là đã có sự cải thiện đáng kể.

Sau nhiều năm chính quyền Obama được cho là “miễn cưỡng” trong việc chống lại các nhóm khủng bố tại Syria, chính quyền của tân Tổng thống Donald Trump đã  có những dấu hiệu cho thấy Mỹ sẵn sàng hợp tác với Nga trong cuộc chiến chống lại tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).

                
      
      Chiến đấu cơ Su-25    của Nga cất cánh từ căn cứ Khmeimim tấn công các mục tiêu IS. Ảnh:    AP

Mỹ cung cấp thông tin để Nga không kích khủng bố IS?

Những đồn đoán về sự phối hợp quân sự giữa Nga và Mỹ xuất hiện vào ngày 23/1 vừa qua khi hãng tin AP đưa tin về một cuộc tấn công chung của hai bên nhằm vào các mục tiêu khủng bố tại Syria. Lầu Năm Góc đã lên tiếng phủ nhận thông tin này, tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Nga trong một thông báo cho biết đã thực hiện một phi vụ tấn công vào ngày 23/1, dù không đề cập đến sự hợp tác với quân đội nước ngoài.

Tạp chí kinh doanh Vlast của Nga cũng thông tin rằng, ngày 22/1, trụ sở liên minh chống IS do Mỹ dẫn đầu tại Amman (Jordan) đã liên lạc với lực lượng không quân Nga tại căn cứ Khmeimim (Syria) qua một kênh liên lạc trực tiếp. Trong cuộc gọi này, quân đội Mỹ đã cho Nga tọa độ của mục tiêu khủng bố tại thành phố al-Bab ở Syria.

Cũng theo Vlast, ngay sau khi dữ liệu mà Mỹ gửi được phía Nga xác nhận, 2 máy bay chiến đấu của Nga đã cất cánh đến vị trí đã được xác định và dội bom vào bọn khủng bố. Điều đáng ngạc nhiên là tham gia cùng 2 chiếc máy bay ném bom của Nga thực hiện nhiệm vụ còn có 2 chiến đấu cơ của Bỉ thuộc lực lượng liên quân chống khủng bố do Mỹ dẫn đầu.

Thông tin trên tạp chí Vlast cho biết, bất kể là cuộc không kích vào tháng Một vừa qua có diễn ra hay không, quân đội Nga đã sẵn sàng cho một sự “hợp tác chưa từng có” với Lầu Năm Góc.

Sự "hợp tác chưa từng có" này sẽ bao gồm việc trao đổi trực tiếp thông tin tình báo, phối hợp tiêu diệt các mục tiêu, và thậm chí là "tương tác trên bộ trong các chiến dịch đặc biệt", tờ Vlast viết. Tuy nhiên, quân đội Nga có một điều kiện - "chúng tôi cần sự đảm bảo ở mức cao nhất" - tờ Vlast trích dẫn một nguồn tin giấu tên trong quân đội Nga cho biết.

Mặc dù cho đến nay vẫn chưa có bước đột phá nào trong quan hệ Mỹ - Nga nhưng sự phối hợp giữa quân đội Nga và Mỹ được cho là đã có sự cải thiện đáng kể từ cuộc điện đàm giữa Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Mỹ Donald Trump vào ngày 29/1 vừa qua.

Chống khủng bố sẽ là ưu tiên hàng đầu

Trong cuộc điện đàm đầu tiên vào tháng 11/2016 ngay sau khi ông Trump đắc cử, ông Putin và ông Trump đã tập trung thảo luận về cuộc chiến chống khủng bố. "Tổng thống Nga Putin và Tổng thống đắc cử Mỹ (khi đó) Donald Trump không đả động đến vấn đề xử phạt, thay vào đó, họ tập trung thảo luận về các vấn đề của cuộc chiến chống khủng bố", tờ Vlast viết.

Thông tin đăng tải trên Vlast cho rằng, nếu phía Nga đặt vấn đề dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt trong cuộc điện đàm Putin - Trump thì nó có thể được xem là dấu hiệu của sự yếu đuối - đặc biệt là xét trên góc độ cá nhân của Tổng thống Putin, và vì thế việc theo đuổi vấn đề này sẽ không mang lại lợi ích gì.

Điện Kremlin muốn có một cuộc đối thoại trên cơ sở bình đẳng - điều mà Moscow được cho là không có được từ phía Washington dưới chính quyền Obama. Chính vì vậy, cuộc chiến chống tổ chức khủng bố IS và tổ chức Jabhat al-Nusra là chấp nhận được cho cả ông Putin và ông Trump.

Các chuyên gia cũng cho rằng, cuộc chiến chống lại các nhóm khủng bố sẽ là chủ đề chính trong cuộc gặp đầu tiên giữa Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Mỹ Donald Trump.

                
      
      Ngày 16/2, Ngoại    trưởng Mỹ Rex Tillerson và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã có cuộc    gặp đầu tiên tại Bonn, Đức. Ảnh: Reuters

Nga sẽ không quá ảo tưởng về việc cải thiện quan hệ với Mỹ

Hiện nay, sự phối hợp giữa các lực lượng Nga và quốc tế tại Syria mới chỉ dừng lại ở việc ký bản ghi nhớ về an toàn bay trên không phận Syria, trong đó quy định về các chuyến bay, các kênh thông tin liên lạc và xử lý khủng hoảng.

Tạp chí Vlast dẫn nguồn tin trong giới ngoại giao của Nga nhấn mạnh rằng, Moscow sẽ không ảo tưởng về quan hệ dưới thời tổng thống mới của Mỹ.

Trong một phát biểu bên lề Hội nghị tại trụ sở của NATO ở Brussels, Bỉ ngày 16/2, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis tuyên bố, ở thời điểm hiện tại, Washington vẫn chưa sẵn sàng hợp tác quân sự với Nga. “Chúng tôi chưa sẵn sàng để hợp tác ở cấp độ quân sự. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo chính trị của chúng tôi sẽ cam kết và cố gắng tìm ra lập trường chung”, ông Mattis cho biết.

Trong khi đó, ngày 15/2, điện Kremlin tuyên bố những rắc rối chính trị tại Mỹ đã khiến nỗ lực cải thiện quan hệ song phương bị trì hoãn.

Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov nhấn mạnh: “Chúng tôi hy vọng rằng, mối quan hệ tốt đẹp giữa Nga và Mỹ sẽ sớm được khôi phục. Chúng tôi đã lãng phí quá nhiều thời gian để làm điều này trong khi lẽ ra phải dành thời gian đó cho những vấn đề toàn cầu. Tuy nhiên, những vấn đề toàn cầu này không thể được giải quyết một cách hiệu quả nếu thiếu sự hợp tác giữa Nga và Mỹ”.

Thứ trưởng Ngoại giao Sergei Ryabkov cho biết: "Đã có quá nhiều khó khăn, quá nhiều vật cản cố tình được dựng lên bởi chính quyền Mỹ trước đây trên con đường phát triển mối quan hệ giữa hai nước".

"Những thế lực muốn hủy hoại mối quan hệ Nga - Mỹ vẫn nỗ lực tìm cách "trói tay" chính phủ mới của Mỹ để chính phủ này không thể tiến "dù chỉ một bước" đến việc cải thiện quan hệ với Nga. Chúng ta đều nhận thấy rõ điều này", ông Sergei Ryabkov nói./.

Nguyễn Hùng/VOV



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Quân đội Nga - Mỹ bí mật phối hợp hoạt động tại Syria?